Câu chuyện Thiên Lý Mã: Tự cao tự đại thất bại nhãn tiền
Việc chúng ta tự đề cao bản thân, luôn tự cao tự đại sẽ làm mất đi thiện cảm của những người xung quanh. Người xưa vẫn thường có câu: “Khởi đầu của thiện lương là khiêm tốn, khởi nguồn mọi cái ác là sự kiêu ngạo, tự cao”.
Câu chuyện của Thiên Lý Mã
Có một con thiên lý mã trẻ tuổi, đang đợi Bá Nhạc (người có tài xem tướng ngựa) đến phát hiện ra nó.
Một thương gia nói với nó: “Bạn sẵn lòng đi theo tôi không?”. Ngựa lắc đầu nói: “Tôi là thiên lý mã, sao có thể đi theo thương gia vận chuyển hàng hóa được?”.
Binh lính đến, nói: “Bạn có muốn đi theo tôi không?”. Ngựa cũng lắc đầu nói: “Tôi là thiên lý mã, một binh sĩ bình thường sao có thể phát huy hết khả năng của tôi?”.
Thợ săn đến, nói: “Bạn sẵn sàng đi theo tôi không?”. Ngựa lắc đầu nói: “Tôi là thiên lý mã, sao có thể đi theo hầu thợ săn?”.
Năm tháng cứ thế trôi qua, con ngựa vẫn chưa tìm được cơ hội lý tưởng cho mình. Rồi một ngày, khâm sai đại thần phụng mệnh đến nhân gian tìm kiếm thiên lý mã. Thiên lý mã gặp được khâm sai đại thần, nói: “Tôi chính là thiên lý mã mà ông muốn tìm”.
Khâm sai hỏi: “Bạn có thông thuộc đường đi trên đất nước chúng ta không?”. Ngựa lắc đầu.
“Bạn đã từng ra trận, có kinh nghiệm tác chiến chưa?”. Ngựa vẫn lắc đầu.
Khâm sai lại hỏi: “Tôi có thể dùng bạn vào việc gì?”. Ngựa trả lời: “Tôi có thể một ngày đi được một nghìn dặm, một đêm đi được 800 dặm”.
Khâm sai đại thần cho ngựa chạy thử một đoạn đường. Ngựa cố gắng hết sức chạy tiến lên phía trước, nhưng chỉ được vài bước nó đã thở hồng hộc, mồ hôi chảy đầm đìa.
“Bạn già rồi, không dùng được”. Nói xong khâm sai liền bỏ đi.
Tự cao tự đại sẽ chuốc lấy thất bại
Trong Chu Dịch có viết: “Khiêm thụ ích, mãn chiêu tổn”, nghĩa là: Khiêm nhường sẽ nhận được lợi ích mà tự mãn thì bị mất đi. Một người nếu như tự cao tự đại, thì cho dù đi tới bất cứ đâu cũng đều không nhận được sự chào đón của người kháс. Cho nên thất bại lớn nhất của đời người là tự cao, tự đại.
Người tự tin biết nhìn lại bản thân từ ý nghĩ, lời nói, cho tới hành động. Trong khi đó, người tự cao, tự đại coi cái tôi của mình là trên hết. Họ thường so sánh hơn thua, đúng sai với người kháс và không chịu nhún nhường bất cứ một ai. Họ sẽ làm bất cứ điều gì để chứng minh cho người kháс thấy họ đang tài giỏi hơn mọi người. Từ đó là dễ dẫn đến quyết định sai lầm do quá hiếu thắng, không suy nghĩ chín chắn.
Cuộc sống là một chuyến hành trình dài để khám phá và hoàn thiện bản thân thông qua việc đi tìm về những giá trị bên trong để hiểu hơn mình là ai. Những điều đó có thể dễ dàng thực hiện khi chúng ta được chữa lành, thay đổi tích cực bằng việc quan tâm, và thương mến, trân trọng chính mình.
Những nỗ lực tưởng chừng bình thường của bạn trong ngày hôm nay đều là tích lũy cho tương lai. Mỗi một lần không vui, mỗi một kinh nghiệm, mỗi lần bị từ chối đều đặt nền móng cho thành công sau này. Đừng giống như con ngựa trong câu chuyện trên, đến lúc già, không chạy nổi nữa mới hối hận.
Trong sự nghiệp của mỗi người, bằng cấp không có nghĩa là có năng lực, văn bằng không có nghĩa là có văn hóa, quá khứ huy hoàng chỉ là lịch sử để nhớ lại. Vì vậy, ngày hôm qua như thế nào không quan trọng, quan trọng là hôm nay ra sao, ngày mai sẽ thế nào.
Chúng ta có thể sẽ phải đối mặt với những khó khăn, thử thách trong đời. Chỉ cần bạn cố gắng, kiên trì vượt qua thì nhất định tương lai tốt đẹp đang chờ phía trước.
Người tự cao, tự đại thường coi thường người kháс với tâm lý cố chấp, bảo thủ, cho rằng bản thân tài giỏi hơn người. Như vậy, họ sẽ cô độc trong cuộc sống mà chính mình tạo ra. Kiểu người này cũng sẽ chuốc lấy thất bại không thể nào cứu vãn được.
Lan Hòa biên tập
Nguồn: Sống đẹp