Cha mẹ là một bức tường ngăn cách giữa chúng ta và thần chết
Có người nói rằng: “Cha mẹ là một bức tường giữa chúng ta và thần chết”. Tôi không hiểu lắm về câu nói này, nhưng nghe xong trong lòng cảm thấy rất bi thương…
Khi cha mẹ còn sống, dù bạn 30 hay 60 tuổi, vẫn cảm thấy cái chết quá xa vời. Nhưng một khi cha mẹ ra đi, bạn bỗng hiểu được sự ngắn ngủi của cuộc đời, và bỗng chốc thấu hiểu được nỗi đau của một đứa trẻ mồ côi không có cha mẹ.
Lão Xá – một tiểu thuyết gia nổi tiếng Trung Quốc từng nói: “Con người ta, ngay cả khi sống đến tám mươi hay chín mươi tuổi, vẫn còn mẹ thì có thể tính cách ít nhiều mang hơi hướng trẻ con. Nhưng đến khi mất mẹ thì giống như một bông hoa trong lọ, mặc dù có màu sắc và hương thơm, nhưng mất gốc rễ”.
Tôi nghĩ rằng tất cả những ai phải chờ ở cửa phòng mổ đêm khuya, đã từng trải nghiệm cảm giác phải ký vào thông báo rủi ro phẫu thuật, hay tất cả những ai đã tham gia vào lễ truy điệu của người thân hoặc bè bạn… đều có thể hiểu sâu sắc điều này.
Ba năm trước, khi bà nội tôi qua đời, bố tôi thường thức dậy lúc nửa đêm và nói rằng ông mơ thấy bà. Ông mơ thấy bà nội bước đi rất nhanh ở phía trước. Ông cố gắng trong tuyệt vọng những mong đuổi theo bà để nhanh chóng muốn nói vài lời, nhưng những người phía trước dường như không thể nghe thấy, và dần mờ xa, cũng không thể nào bắt kịp.
Khi ngoảnh đầu nhìn lại, ông thấy rằng con đường phía sau là một mảng tối đen, và ông giống như một đứa trẻ lạc lối, không thể tìm được đường về nhà, ông cảm thấy hoang vắng, buồn bã, sợ hãi và bất lực.
Ngày hỏa táng bà nội, bố tôi một mình đứng đó, buồn bã và cô đơn, nhìn từng làn khói bốc lên từ xa, ông lẩm bẩm: “Tôi đã không còn mẹ…”.
“Khi mẹ sinh ra ta, chia cắt mẹ và ta là sợi dây rốn bằng xương bằng thịt, nhưng lại cho ta một cuộc đời. Còn khi mẹ nhắm mắt xuôi tay, thì chia cắt chính là sợi dây tình cảm, cuộc đời ta không còn toàn vẹn, đó là nỗi buồn lớn nhất của đời ta”…
Đây là loại cảm giác gì?
Nó giống như một con diều bị rơi rụng, một con tàu bị lệch hướng, một cái cây xơ xác không còn gốc rễ… Cảm giác tựa như con tim đang khẽ khàng nhịp đập, vài giây tiếp theo bỗng nhiên khựng lại, kết thúc sự sống.
Phí Ngọc Thanh, danh ca người Đài Loan khi quyết định rời khỏi làng giải trí, anh đã viết trong thư: “Bố mẹ khuất núi, tôi mất đi bến đỗ của cuộc đời. Không còn sự quan tâm, chia sẻ của họ, sân khấu hoa lệ càng làm tôi cô đơn. Những tiếng hoan hô cũng không thể bù đắp sự hụt hẫng của tôi. Đến mỗi địa điểm biểu diễn, tôi đều buồn vì nghĩ tới kỷ niệm với họ. Tôi biết, đã đến lúc mình dừng lại. Dừng lại mới làm tôi học được cách an nhiên thưởng thức cuộc sống”.
Khi cha mẹ bạn ở đó, dù bạn khỏe hay ốm, dù bạn bao nhiêu tuổi, bạn luôn cảm thấy có ai đó đang giúp bạn mỗi ngày, nhưng khi cha mẹ đã mất, mọi thứ chỉ có thể một mình bạn xoay xở.
Cha mẹ còn, không nên đi xa, nếu đi phải cho cha mẹ biết nơi đến
Bạn đã bao giờ nghĩ về việc bạn có thể ở bên cha mẹ bao lâu chưa?
Tôi đã từng thấy một phép tính trên Internet:
Nếu trong một năm, bạn chỉ có thể về nhà với cha mẹ vào bảy ngày lễ tết năm mới, mỗi ngày dành cho cha mẹ tối đa là 11 giờ.
Nếu cha mẹ bây giờ đã 60 tuổi, giả sử họ có thể sống đến 80 tuổi, thì bạn thực sự đã dành 1540 giờ ở cùng cha mẹ, tức là 64 ngày.
Phép tính này không hoàn toàn chính xác, nhưng có một thực tế không thể chối cãi là: chúng ta ngày càng dành ít thời gian cho cha mẹ.
Ngay từ hơn 2.000 năm trước, Khổng Tử đã răn bảo chúng ta rằng: “Phụ mẫu tại, bất viễn du, du tất hữu phương”. Ý rằng: Cha mẹ còn sống, con cái không nên đi chơi xa, nếu có đi đâu thì phải có nơi có chốn rõ ràng, cho cha mẹ biết.
Không nên đi chơi xa, không phải là ngăn cản chúng ta bay lượn khám phá thế giới bên ngoài, mà để nói rằng khi bạn đi ra ngoài, phải cho cha mẹ biết bạn đã đi đâu và khi nào bạn sẽ quay lại.
Khi còn nhỏ, chúng ta rất háo hức được bầu bạn cùng cha mẹ, nhưng khi lớn lên, chúng ta đã quên mất rằng cha mẹ thực sự cần chúng ta bầu bạn như thế nào.
Trước đây có một ông lão đến cửa hàng sửa chữa điện thoại di động. Ông chủ đã kiểm tra một lúc lâu và nói với ông lão rằng chiếc điện thoại này không hề bị hỏng.
Khi ông lão nghe thấy điều này, ông đã bật khóc: “Điện thoại không bị hỏng, tại sao con tôi không thể gọi cho tôi?”
Ông lão không nhận được cuộc điện thoại nào từ con mình. Phản ứng đầu tiên là cho rằng chiếc điện thoại bị hỏng, ông không muốn tin rằng “đứa trẻ” đã quên mình.
Ngẫm lại, không khỏi thấy lòng chua xót!…
Quay nhìn lại chính bản thân mỗi chúng ta, liệu ta có phải là đứa trẻ không muốn trở về nhà hay không?
Chúng ta luôn nghĩ rằng thời gian vẫn còn dài, tin tưởng rằng một ngày nào đó sẽ trở về quê hương, thong dong báo hiếu với cha mẹ. Nhưng tiếc là mọi người đã quên mất sự tàn khốc của thời gian, quên rằng cuộc sống này thật ngắn ngủi, quên rằng cuộc sống này cũng thật mong manh.
Cha mẹ chúng ta giống như một cây đa cổ thụ đã sinh trưởng trong nhiều thập kỷ. Dưới sự tàn phá của thời gian, từ những tán lá xum xuê nay chỉ còn những cành cây trụi lá, một cơn gió mạnh có thể quật ngã xuống đất bất cứ lúc nào.
Khi Lý Tiểu Long còn trẻ, anh đã đến Hoa Kỳ để học võ thuật, đã phải chịu rất nhiều khó khăn trắc trở. Sau này khi Lý Tiểu Long trở thành siêu sao nổi tiếng toàn cầu, thì cũng là lúc cha anh qua đời vì bạo bệnh.
Sau khi Lý Tiểu Long trở về Hồng Kông, anh luôn tự trách mình. Anh viết đi viết lại nhiều lần rằng: “Con muốn báo đáp thâm ân thì cha mẹ còn đâu nữa”.
Thật trùng hợp, khi học giả nổi tiếng Quý Tiện Lâm còn trẻ, ông thường phiêu bạt khắp nơi.
Về sau có một lần, biết tin mẹ đang trong tình trạng nguy kịch, ông đã vội vã đi đường cả ngày lẫn đêm để trở về nhà, nhưng cuối cùng cũng chỉ nhìn thấy hai câu nói mà mẹ để lại:
“Ta sớm biết rằng khi con ra đi, con sẽ chẳng trở về. Ta thực sự hối hận vì đã để con ra đi”.
“Trong vài năm nay ta đã nghĩ về con cả ngày lẫn đêm, loại đau đớn này là thứ con không thể nào tưởng tượng được”.
Sau khi Quý Tiện Lâm nghe được hai câu nhắn nhủ này, ông quá đau buồn nằm gục bên quan tài của mẹ. Cho đến nhiều năm sau, đây vẫn là một vết cứa trong lòng ông, là nỗi buồn lớn nhất trong cuộc đời ông.
“Tôi hối hận, tôi thực sự hối hận, tôi không nên rời xa mẹ.
Bất kể danh tiếng, địa vị, hạnh phúc hay sự tôn vinh nào trên thế giới, đều không thể nào so sánh với người mẹ”.
Có một số điều mà khi chúng ta còn trẻ, chúng ta không đủ thấu hiểu, không biết cách trân trọng nó, nhưng cho đến khi chúng ta biết điều đó, thì đã để nó rời xa vạn dặm rồi.
Bao dung cha mẹ, đủ để bao dung cả thế giới này.
Nếu biết “cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng”, chúng ta sẽ không tranh biện với cha mẹ sớm chiều.
Nếu biết rằng cha mẹ chỉ có thể đi cùng chúng ta một đoạn thời gian, tại sao không cho họ thêm một chút kiên nhẫn để đồng hành?
Đối xử tốt với cha mẹ không chỉ là sự giáo dưỡng lớn nhất của một người, mà còn là những bài học cuộc sống mà mỗi chúng ta đều cần khắc ghi.
Theo aboluowang.com
Đường Vân