Chuyện tình Ngưu Lang Chức Nữ và bí mật ngày Thất tịch 07/07
Tháng 7 mưa Ngâu, trời mưa dầm dề, các cơn mưa liên tiếp nối nhau, mưa rồi lại tạnh, tạnh rồi lại mưa. Loại thời tiết đặc biệt này gắn liền với truyền thuyết ông Ngâu bà Ngâu, đôi vợ chồng phải xa cách, một năm mới gặp nhau một lần vào ngày 7 tháng 7 âm lịch, và những cơn mưa đó là nước mắt của họ.
Nguồn gốc ngày lễ Thất tịch
Ngày lễ Thất Tịch (ngày 7 tháng 7 âm lịch) gắn liền với truyền thuyết về hai ngôi sao Ngưu Lang và Chức Nữ. Theo truyền thuyết Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau trên cầu Ô Thước – cây cầu do những chú chim ô thước nối nhau bắc qua sông Thiên Hà.
Sao Chức Nữ chính là ba ngôi sao ở bờ phía Bắc của dải Ngân Hà, người phương Tây gọi là chòm sao Thiên Cầm. Bởi vì nó thay đổi vị trí bảy lần từ sáng đến tối, mô hình chuyển động của nó giống như trục dệt vải, do đó có tên Chức Nữ – Cô Gái Dệt Vải.
Sao Ngưu Lang một ngôi sao ở bờ bên kia Ngân Hà đối diện với Sao Chức Nữ, người phương Tây gọi nó là chòm sao Thiên Ưng.
Trong lòng mọi người, Chức Nữ là một nàng tiên xinh đẹp, thông minh và tài trí. Vì vậy, vào đêm ngày 7 tháng 7, các thiếu nữ và thiếu phụ sẽ ra ngoài để thờ cúng và cầu xin Chức Nữ ban cho họ sự thông minh và hai bàn tay khéo léo giống như Chức Nữ, để có được một cuộc đời hạnh phúc. Đây cũng là nguồn gốc ngày Lễ Thất Tịch, nó bắt nguồn từ chuyện tình của chàng Ngưu Lang và nàng Chức Nữ như sau:
Chức Nữ là con gái của Ngọc Hoàng Thượng Đế, đã đem lòng yêu chàng trai chăn trâu (Ngưu Lang) ở dưới trần gian, hai bên bèn kết duyên chồng vợ sống với nhau rất hạnh phúc. Sau đó, Ngọc Hoàng biết chuyện, sai Vương Mẫu nương nương (còn gọi là Tây Vương Mẫu) xuống trần gian bắt Chức Nữ về chịu tội.
Ngưu Lang vô cùng đau khổ, nhờ con trâu giúp sức, đuổi theo lên trời, gần đuổi kịp thì bị Tây Vương Mẫu dùng cây trâm trên đầu vạch một đường thành sông Ngân Hà ngăn cách. Ngưu Lang, Chức Nữ bị Ngân hà cách trở, chỉ biết đứng nhìn nhau qua sông mà khóc.
Sau này Tây Vương Mẫu thương tình, cho phép họ mỗi năm vào ngày mùng 7 tháng 7 được đàn quạ dùng đầu của mình bắc cầu cho đôi tình nhân được gặp nhau. Câu nói dân gian quen thuộc của người dân Việt xưa là “Quạ trọc đầu bắc cầu Ô Thước” giúp Ngưu Lang – Chức Nữ gặp nhau chính là do tích này.
Dòng sông Ngân Hà nhân đôi nỗi nhớ, tình yêu của Ngưu Lang – Chức Nữ
Câu chuyện tình yêu và cuộc hội ngộ giữa Ngưu Lang, Chức Nữ vào ngày Thất Tịch, tức ngày mùng 7 tháng 7 Âm lịch bắt nguồn từ đâu? Vì sao câu chuyện này vẫn được lưu truyền bao năm qua, từ đời này qua đời khác? Tương truyền rằng mối nhân duyên này bắt nguồn từ thời cổ đại. Mỗi năm một lần vào ngày 7/7 hai người lại vượt dòng sông Ngân Hà để gặp nhau. Dẫu trải qua tháng năm đằng đẵng, tấm chân tình của họ vẫn sắt son, không đổi thay.
Nhắc tới Lễ Thất Tịch, ngẫm lại những gợn sóng li ti trên mặt nước mênh mang thuở xưa nơi dòng sông Ngân Hà chia cách Ngưu Lang và Chức Nữ, chúng ta như vẫn thoáng nhìn thấy những tia sáng mờ nhạt phía xa xa, lấp lánh… lấp lánh. Dòng sông Ngân Hà mềm mại, uốn lượn như dòng nước dưới hạ giới. Những giọt nước mắt long lanh hóa thành những “hạt mưa ngày Thất Tịch” nhỏ xuống trên cây cầu Ô Thước khi hai người gặp nhau. Thời khắc hạnh phúc mỗi năm một lần phảng phất như mộng, mà sao cái tình cứ mãi giăng giăng đeo bám trong lòng người chẳng thể nguôi ngoai?
Cội nguồn truyền thuyết câu chuyện tình yêu vào ngày Thất Tịch (mùng 7/7 Hoàng lịch)
19 bài thơ cổ thời Hán đã hé lộ cho chúng ta về câu chuyện tình yêu này. Bài thơ “Điều điều Khiên Ngưu Tinh” (Sao Ngưu Lang xa xôi) đã được thái tử Chiêu Minh Tiêu Thống thời nhà Lương biên soạn vào trong cuốn “Chiêu Minh văn tuyển”. Trong đó có ghi lại rằng ngôi sao Hà Hán Nữ và sao Ngưu Lang bị ngăn cách bởi một biển nước mênh mông vời vợi, ngút mắt cũng chỉ thấy vạn trùng mây.
Đoạn viết như sau: “Ngôi sao Ngưu Lang thì xa xăm, sao Hà Hán Nữ lại thanh khiết. Tay thoăn thoắt từng sợi, Khung cửi lách cách kêu. Ngày sau không thành đôi, ngàn lệ mưa tuôi rơi. Sông Hà Hán tuy nông mà trong vắt, hẹn ước bao lần trở đi trở lại. Con nước vời vợi mênh mông, Nghẹn lòng không thốt nên lời”.
Những giai thoại khác về dòng sông Ngân Hà và cây cầu Ô Thước
Trong tác phẩm nổi tiếng “Phong Tục Thông Nghĩa” cũng có truyền thuyết về chiếc cầu Ô Thước. Trong cuốn “Tuế Hoa Kỷ Lệ – Thất Tịch” nói rằng: “Cầu Ô Thước đã thành, Chức Nữ sẽ băng qua”. Đồng thời còn chú thích: “Phong Tục Thông” nói rằng vào ngày mồng 7/7 Chức Nữ sẽ vượt sông, biến những chú chim Ô Thước thành một cây cầu”. Vào thời Tam Quốc, Ngưu Lang Chức Nữ đã nên duyên vợ chồng.
Trong bài “Yến Ca Hành” của Tào Phi thời Tam Quốc có một câu nổi tiếng như sau: “Dải Ngân Hà chảy về Tây khi trời còn chưa sáng. Ngưu Lang, Chức Nữ đã ngóng trông nhau. Tội chi một mình chẳng được qua sông?”
Trong bài “Lạc Thần Phú” và “Cửu Vịnh” của Tào Thực, Ngưu Lang và Chức Nữ đã kết thành phu thê. Trong “Cửu Vịnh” của Tào Thực ghi lại rằng: “Ngưu Lang là chồng. Chức Nữ là vợ. Sao Chức Nữ và Ngưu Lang mỗi ngôi lại nằm ở một bên của sao Hà Cổ. Ngày mồng 7 tháng 7, hai người mới được gặp nhau một lần”.
Từ diễn biến về truyền thuyết tình yêu của Ngưu Lang và Chức Nữ có thể thấy rằng truyền thuyết về tình yêu, hôn nhân và cuộc hội ngộ giữa chàng Ngưu Lang nơi xa xôi và nàng Hà Hán Nữ vào đêm mồng 7 tháng 7 đã sớm được lưu truyền giữa những năm Tam Quốc. Lúc này Ngưu Lang (cậu thanh niên chăn trâu) và Chức Nữ (cô gái dệt vải) đã vượt qua vạn dặm để nên duyên vợ chồng.
Những tình tiết trong câu chuyện Ngưu Lang và Chức Nữ gặp gỡ nhau, hợp rồi lại tan vào đêm mồng 7 tháng 7 trên cây cầu Ô Thước mà người đời sau truyền lại cũng đã sớm xuất hiện một cách đầy đủ trong cuốn sách khác có tên là “Tiểu Thuyết” triều Đông Bắc.
Câu chuyện “Tiểu Thuyết” được Đoạn Văn thời Nam Lương viết lại như sau: “Nơi phía Đông của dòng Ngân Hà có cô gái dệt vải dung mạo đoan trang, là con của Ngọc Hoàng. Hàng năm cô đều chăm chỉ bên khung cửi, dệt thành những bộ thiên y mỹ miều, trông rất đẹp mắt. Ngọc Hoàng thương con gái một mình cô độc, bèn hứa gả cho chàng trai chăn trâu ở phía Tây sông Ngân Hà. Sau khi thành gia thất Chức Nữ đã bỏ nghề dệt cửi. Nàng Chức Nữ cần mẫn khi xưa chăm chỉ dệt nên những bộ xiêm y hoa lệ trên cung đình nay lại vì tình vương vấn, vì yêu thương bó buộc mà không còn tâm trí tiếp tục dệt vải. Nàng chẳng khác chi Tiên nữ trên thiên thượng bị rớt xuống cõi nhân gian. Vậy nên Ngọc Hoàng phẫn nộ, trách mắng và lệnh cho nàng phải quay về phía Đông dòng sông Thiên Hà. Ngài ra lệnh chỉ cho phép hai người được gặp nhau mỗi năm một lần”.
Nếu chim Ô Thước không truyền sai lời của Ngọc Hoàng, thì Ngưu Lang, Chức Nữ đã có thể gặp nhau mỗi tuần!
Cũng có truyền thuyết kể rằng chim Ô Thước truyền sai lời của Ngọc Hoàng. Chúng chót đổi ngày “Thất nhật (7 ngày) gặp nhau một lần” thành ngày “Thất tịch (ngày 7/7) gặp nhau một lần”. Vậy nên Ngưu Lang, Chức Nữ phải xa cách một năm mới được gặp lại nhau. Do đó đàn chim Ô Thước mới phải bắc cầu chuộc tội.
“Gió thu hiu hiu thổi, Ngân hà một dải chia đôi, Mối tình thiên thượng nhân gian, câu chuyện Thất tịch truyền ngàn năm qua. Tấm lòng son sắt bao la, Thất tịch tình ấy đã qua bao đời!”
Hàng năm vào ngày này, những đôi tình nhân lại không khỏi bồi hồi tưởng nhớ tới câu chuyện tình yêu của Ngưu Lang, Chức Nữ và thầm mong mình cũng có được tấm chân tình như vậy. Chức Nữ vâng mệnh trời mà kết duyên với Ngưu Lang, lưu lại cho nhân gian những thước vải mỹ miều, lưu lại cho nhân gian một tình yêu chân thành không màng danh lợi, vinh hoa, phú quý.
Chức Nữ cũng vâng mệnh trời mà trở lại thiên đình. Phải chăng câu chuyện muốn nhắn nhủ chúng ta rằng con người đều đến từ thiên thượng. Sau khi hoàn thành sứ mệnh của mình tại nhân gian thì cuối cùng họ cũng sẽ trở lại cố hương nơi thiên thượng của mình mà thôi!
Nguồn: Epochtimes
Chân Nhiên biên tập