Có 4 điều mê nhất trên đời của con người lại là không vĩnh cửu
Nhân sinh tại thế mười phần có bảy tám phần không như ý. Vậy nên kẻ vui người buồn, kẻ may mắn người thất bại, ấy đều bởi một chữ: Buông.
Truyền thuyết về Phật Thích Ca và câu chuyện của đôi vợ chồng Bà La Môn trẻ đau khổ vì sự qua đời của cô con gái.
Tương truyền khi đức Phật Thích Ca cư ngụ trong Cô Độc Viên, có một vị Bà La Môn sinh được một cô con gái tướng mạo đoan chính, thông minh tuyệt đỉnh lại có tài ăn nói. Dường như trong nước chẳng ai có thể bì được với phẩm hạnh và dung mạo của nàng. Tuy nhiên đến năm cô gái khoảng chừng 14, 15 tuổi lại đột nhiên mắc một chứng bệnh lạ, không lâu thì chết.
Cha mẹ cô gái vốn dĩ vô cùng yêu quý con mình. Vốn dĩ trước đây dù có bất kỳ chuyện gì không vui hay tâm trạng không tốt, nhưng chỉ cần họ gặp mặt con gái mình thì mọi ưu phiền đều tan biến hết. Vậy nên khi cô con gái độc nhất của mình qua đời, họ đã đau buồn tột độ, thậm chí đến ngay cả sinh mệnh của bản thân cũng chẳng màng; trong tâm luôn sầu muộn không thể nào vơi, ngày ngày than khóc không ai có thể khuyên giải, cuối cùng vị Bà La Môn này đầu óc điên loạn, lúc mơ lúc tỉnh, lang thang khắp chốn.
Một hôm vị Bà La Môn đến chỗ đức Phật, trông thấy đức Phật, đột nhiên tinh thần tỉnh táo, bèn hướng đến Ngài mà đảnh lễ, rồi bi thương nói: “Con không có con trai, chỉ có duy nhất một đứa con gái, vợ chồng con yêu thương nó như trân châu bảo bối trong tay, nó giúp con quên đi tất cả muộn phiền trong đời… nhưng nay lại đột nhiên mắc phải trọng bệnh mà bỏ đi, cho dù con gọi thế nào nó cũng không trả lời, hai mắt khép lại, thân thể lạnh dần, không còn thở nữa…
Con kêu trời, trời không thấu, con gọi đất, đất cũng chẳng hay. Trong lòng con thống khổ không cách nào tả nổi, xin Đức Phật tháo gỡ nỗi đau khổ này giúp con!”… Lời nói đau thương, khuôn mặt u sầu, hai hàng lệ chảy của vị Bà La Môn đó thật khiến cho người khác thương tâm.
Nghe xong đức Phật bèn khai thị, Ngài nói: “Trên thế gian này có 4 điều là không thể tồn tại vĩnh cửu đó là: Thứ nhất – Hữu thường giả tất vô thường. Thứ hai – Phú quý giả tất bất cửu. Thứ ba – Hội hợp giả tất biệt ly. Thứ tư – Cường kiện giả tất quy tử.”
– Hữu thường giả tất vô thường: Ý nói rằng phàm ở trên đời này không có bất kể thứ gì duy trì trạng thái vốn có của mình mà không thay đổi, tất cả đều thời thời khắc khắc biến đổi bản chất, và cuối cùng là tiêu tán đi mất. Cũng giống như thân thể chúng ta, thời thời khắc khắc đều không ngừng tân trần đại tạ, tế bào cũ chết đi, tế bào mới sinh ra, cứ không ngừng biến hoá như thế…
Con người trải qua sinh lão bệnh tử, cuối cùng biến mất khỏi thế gian. Núi sông đại địa, và ngay cả vũ trụ này cũng lại không ngừng vận chuyển, không ngừng thay đổi trong quá trình thành trụ hoại diệt của mình.
– Phú giả tất bất cửu: Có nghĩa là bất luận người nào dù có giàu có đến đâu, cuối cùng tài khố cũng sẽ dần mất đi. Tục ngữ có câu: “Phú bất quá tam”, hay “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”, trừ phi gia đình đó đời đời hành thiện, đời đời tích đức mới có thể bảo trì phú quý cho cháu con của mình. Tuy nhiên chúng ta là phần lớn đều là kẻ phàm phu tục tử, trong tâm đều có tư lợi, có lòng tham, có ít lại muốn nhiều, có nhiều rồi lại muốn nhiều hơn cho nên không chịu bố thí hành thiện, giúp người cứu nguy. Cuối cùng phú quý chẳng thể bền lâu.
– Hội hợp giả tất biệt ly: Thế gian có cuộc gặp gỡ nào mà không phải chia ly, cha mẹ vợ chồng, bạn bè thân hữu có hợp ắt có tan. Cổ nhân thường nói: “Không có nhà nào không tan, không có quốc gia nào không bại”, nhất là thời đại thay đổi, hoàn cảnh trưởng thành khác nhau, bối cảnh sinh sống khác nhau. Sinh ly tử biệt đó là lẽ thường ở đời, ai ai cũng phải đối mặt.
– Cường kiện giả tất quy tử: Bất luận là có thân thể trẻ khoẻ ra sao, cường tráng thế nào, cuối cùng đều có một ngày thân tàn lực tận, cho dù đó có là người trường thọ thì cuối cùng vẫn phải đối diện với cái chết. Có câu: “Nhân sinh tự cổ thuỳ vô tử”, hỏi thế gian này có ai không phải đối diện với cái chết? Vậy nên, làm người cốt ở nhân tâm, nhân tâm hướng thiện ắt đời an lạc.
Vị Bà La Môn này sau khi nghe Phật Thích Ca Mâu Ni khai thị xong thì trong lòng lập tức được giải khai, thông suốt. Sau cùng ông đã xuất gia làm hòa thượng và cuối cùng chứng đắc quả vị La Hán.
Sau cùng, Phật Thích Ca Mâu Ni nói 4 câu kệ: “Thường giả giai tẫn, cao giả diệc đọa, hợp hội hữu ly, sinh giả tất tử.” (Ý tứ là: Điều gì cũng có tận cùng, cao rồi cũng rơi xuống thấp, hợp rồi sẽ có ly, sống ắt sẽ có chết).
Theo secretchina.com
Đường Vân