Con người sở dĩ không hạnh phúc là bởi vì họ không có lòng thỏa mãn
Con người ta một khi thấy trong tâm buồn phiền, mệt mỏi thông thường đều là bởi vì còn đang lưỡng lự giữa khăng khăng ôm giữ và buông bỏ.
Trong cuộc sống luôn có những thứ đáng để chúng ta ghi nhớ nhưng cũng có một số điều chúng ta nhất định phải buông bỏ. Dũng cảm buông bỏ là một loại đại khí. Sẽ là tốt nhất nếu người ta có thể chọn lựa được kiên trì hay buông bỏ đúng lúc.
Cổ nhân giảng rằng, sống mệt mỏi hay hạnh phúc là do bản thân mình quyết định. Để tâm rộng mở, xem nhẹ, bớt truy cầu, trầm tĩnh, buông lỏng mình đúng lúc, chúng ta sẽ loại bỏ được áp lực đè nặng lên mình.
1. Con người sở dĩ không vui vẻ là bởi vì họ toan tính quá nhiều
Có câu rằng, không phải chúng ta nắm giữ được quá ít mà là chúng ta tính toán quá nhiều. Đừng nhìn người khác sống hạnh phúc mà cảm thấy mình bị mất mát và áp lực.
Kỳ thực những thứ mà chúng ta nhìn thấy chỉ là biểu hiện bề ngoài còn bên trong chỉ mỗi người tự biết. Dục vọng và ham muốn của con người thì nhiều vô cùng, nhiều không kể hết. Ai cũng truy cầu cuộc sống cao, mong muốn bản thân có mọi thứ, đạt được mục tiêu của mình. Nếu đạt được rồi thì nhất thời cảm thấy vui vẻ, nếu không đạt được thì thấy thống khổ cả đời.
Trên thế gian, không có thứ gì là hoàn mỹ, không có khuyết điểm. Nhưng ít ai biết được rằng, không hoàn mỹ mới là một dạng đẹp đẽ. Chỉ có không ngừng vượt qua những thất bại, con người mới cảm nhận được niềm vui trong cuộc đời.
Đời người không thể việc gì cũng thuận theo lòng mình, cho nên đừng thường xuyên nghĩ rằng mình thống khổ. Kỳ thực, trên thế giới này còn rất nhiều người sống khổ hơn mình.
Người trí tuệ hiểu rõ rằng, trong cuộc sống có những ước mơ là xa vời mãi mãi không thành hiện thực được, có một số vấn đề vĩnh viễn không có câu trả lời, có một số chuyện vĩnh viễn không có kết thúc, có một số người xa lạ mãi mãi vẫn chẳng thể làm người thân…
Thống khổ thực sự cũng không phải bởi người khác đem đến cho mình, mà chính là bởi sự tu dưỡng của bản thân mình chưa đủ, không có khả năng chấp nhận. Có những việc rất đơn giản nhưng bị con người làm phức tạp lên, rồi người ta lại cảm thấy khổ. Hãy học cách buông bỏ, buông bỏ một chút gánh nặng trong tư tưởng, suy nghĩ, thản nhiên đối mặt với hết thảy, khiến cho hết thảy thuận theo tự nhiên, có như vậy chúng ta mới sống được thản nhiên và tự tại một cách đúng nghĩa.
2. Con người sở dĩ phiền não là bởi vì trí nhớ “quá tốt”
Hết thảy những gì nên nhớ, không nên nhớ đều lưu lại trong trí nhớ của mình. Và chúng ta lại thường xuyên nhớ kỹ những sự tình nên quên đi và quên mất những gì nên nhớ.
Người xưa thường nói: “Người ngốc là người đáng yêu!” Sở dĩ người ngốc đáng yêu là bởi vì họ quên mất những sự tình không vui, những lời chế giễu, cười nhạo của người đời dành cho họ, quên những ân oán trong cuộc đời, quên công danh lợi lộc trong trần gian, quên hết thảy thế giới này. Họ sống trong thế giới của mình mà vui cười, khoái hoạt với thế giới của họ.
Nhưng có nhiều người thà rằng khiến mình không vui chứ không muốn làm người ngốc. Nếu có thể nhớ kỹ việc cần nhớ, quên đi điều cần quên, mỗi ngày lại bắt đầu một ngày mới thì sẽ là lựa chọn tốt nhất.
3. Con người sở dĩ không biết đủ là bởi vì họ truy cầu quá nhiều hư vinh
Người xưa thường nói: “Người biết đủ thường vui”, nhưng mấy ai đạt được cảnh giới này? Không phải con người đạt được quá ít mà là mong muốn của con người quá nhiều nên mới thường xuyên thấy chưa đủ. Trời đất rộng lớn có đủ những thứ kỳ lạ, có quá nhiều thứ hấp dẫn, mê đắm lòng người, chúng ta khó có thể không động tâm, khó có thể không ham muốn, khó có thể ngừng ảo tưởng.
Đứng trước những điều say mê hấp dẫn ấy, có bao nhiêu người bị cuốn đi? Có bao nhiêu người không bị lạc đường? Biết đủ mới có thể kìm hãm được dục vọng của bản thân, đứng vững trên đường đời!
4. Con người sở dĩ không hạnh phúc là bởi vì họ không có lòng thỏa mãn
Mỗi người có một cảm giác và yêu cầu hạnh phúc khác nhau. Một người dễ dàng cảm thấy thỏa mãn thì dễ dàng tìm kiếm được hạnh phúc. Người xưa từng có câu: “Hạnh phúc giống như một tòa kim tự tháp, có rất nhiều tầng, càng lên cao thì hạnh phúc càng ít, đạt được hạnh phúc lại càng khó. Càng là ở tầng dưới thì càng dễ đạt được hạnh phúc”.
Kỳ thực, hạnh phúc là một loại mong mỏi, một loại cảm nhận của tâm hồn. Chỉ cần chúng ta dụng tâm phát hiện, dụng tâm cảm thụ, thì sẽ phát hiện ra hạnh phúc không phải ở quá xa mà đang ở ngay bên cạnh mình. Chẳng qua những hạnh phúc ấy đã bị chúng ta xem nhẹ, lãng quên mà thôi.
5. Con người sở dĩ mệt mỏi là bởi vì họ nghĩ quá nhiều
Cổ nhân thường nói: “Thân thể mệt mỏi không đáng sợ bằng tâm linh mệt mỏi”. Sống trong đời thường, ai ai cũng không tránh khỏi việc bị phiền muộn mệt mỏi do bản thân mình và do liên lụy từ người khác gây ra.
Tuy nhiên, có người sẽ chọn cách xem nhẹ, nhanh chóng quên đi để tận hưởng cuộc sống, nhưng có người lại chấp trước vào đó, suy nghĩ ngày này qua ngày khác khiến tâm mệt mỏi. Hãy suy nghĩ ít đi để sống thoái mái hơn.
Người hiểu rõ nhất về bản thân vĩnh viễn chỉ có bản thân mình. Cuộc sống không thể lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, vui vẻ cũng là sống qua một ngày, phiền muộn cũng là sống qua một ngày, vậy vì sao không để bản thân sống từng ngày vui vẻ?
Quang Minh biên tập
Nguồn: tansinh.net