Điều bí ẩn về những phát minh vĩ đại của Gia Cát Lượng
Truyền thuyết về Gia Cát Lượng đã làm say mê hàng triệu người Trung Hoa, họ kính trọng ông như một vị thần, ông cũng được xem như là một nhà phát minh đại tài với nhiều phát minh vĩ đại như Bát trận đồ, nỏ Liên Châu, cổ xe tự động…, bên cạnh đó còn nhiều phát minh khá thú vị nữa mà đến bây giờ chúng ta vẫn còn sử dụng.
Gia Cát Lượng, hiệu là Khổng Minh, sinh năm 181 mất năm 234 vào thời kỳ Tam quốc của lịch sử Trung Hoa. Ông sinh ra tại nơi là tỉnh Sơn Đông ngày nay.
Gia Cát Lượng là một chính trị gia xuất chúng và được xem là nhà chiến lược quân sự vĩ đại nhất thời bấy giờ. Ông là quân sư của Lưu Bị và sau này là thừa tướng nước Thục sau khi ba quốc gia hình thành thế chân vạc tại Trung Hoa. Gia Cát Lượng thường được mô tả với một chiếc áo choàng truyền thống của Đạo gia và chiếc quạt lông hạc phe phẩy trên tay. Ông là một học giả xuất chúng nhưng lại sống lặng lẽ, do vậy người đời thường gọi ông với biệt danh là “Ngọa Long tiên sinh”.
Theo sử sách, Lưu Bị đã ba lần đến lều cỏ để cầu Gia Cát Lượng. Đến lần thứ ba, Gia Cát Lượng đã đồng ý giúp Lưu Bị phục hưng nhà Hán. Gia Cát Lượng còn là một nhạc sĩ, một học giả uyên bác, một người có tầm nhìn xa và một nhà phát minh đầy sáng tạo. Theo sử sách, Gia Cát Lượng đã phát minh ra một cỗ xe vận chuyển tự động có hình dáng giống xe cút kít (hay còn gọi là ngựa gỗ, trâu máy), và phát minh ra cung tên tự động bắn liên tục vừa xa vừa nhanh gọi là “Nỏ Liên Châu”.
Người ta tin rằng Gia Cát Lượng là người đã phát minh ra đèn trời hay đèn Khổng Minh, khi bị tướng quân Tư Mã Ý của nước Ngụy bao vây ở Tây Thành. Nhờ đọc được thông điệp cầu cứu trên đèn trời, các binh lính ở vùng lân cận đã đến để giải vây cho ông. Còn một truyền thuyết kể rằng Gia Cát Lượng đã phát minh ra bánh bao của Trung Hoa, “màn thầu” – có nghĩa là đầu của kẻ man rợ. Ông đã nghĩ ra màn thầu sau cuộc chiến với Mạnh Hoạch, vua của người Nam Man ở phía nam Trung Hoa.
Gia Cát Lượng và quân đội của nước Thục có lần phải băng qua một con sông chảy xiết rất nguy hiểm. Ông được khuyên rằng phải hi sinh đầu của 50 người để cúng thần sông. Nhưng Gia Cát Lượng không muốn hi sinh bất kì ai. Ông đã giết một vài con bò và ngựa, đặt nhân thịt vào trong bánh bao có hình dạng giống đầu người và ném xuống dòng sông. Từ đó ông gọi bánh bao là “màn thầu”.
Người ta tin rằng cũng chính Gia Cát Lượng đã tạo nên một trận đồ đá gọi là Bát Trận Đồ, áp dụng học thuyết Bát Quái trong triết học Trung Hoa cổ đại. Nhiều người coi trận đồ này là điều siêu thường. Gia Cát Lượng được cho là có những khả năng siêu thường. Ông có thể hòa hợp với sức mạnh thiên nhiên và luôn đa mưu túc trí trong cả những hoàn cảnh hiểm nghèo. Ông là người tinh thông Kinh Dịch của Đạo giáo. Ông đã sáng tạo ra Bát Trận thế, một thế trận dựa vào những kiến thức về Kinh Dịch và Bát Quái.
Ngoài ra những phát minh của Gia Cát Lượng còn được lưu truyền đến nay như bàn cờ Khổng Minh, hay khóa Khổng Minh mà đến bây giờ chúng ta vẫn còn sử dụng.
Truyền thuyết về Gia Cát Lượng đã làm say mê hàng triệu người Trung Hoa, họ kính trọng ông như một vị thần. Uy danh của Gia Cát Lượng còn lớn hơn nữa sau khi Lưu Quán Trung hoàn thành tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa. Tài năng quân sự xuất chúng của Gia Cát Lượng, sự trung thành và tận tụy của ông đối với Lưu Bị đã trở thành bất tử và được lưu truyền cho tới tận ngày nay trong thơ ca, sách sử, bài hát, phim ảnh và trong cả những trò chơi điện tử.
Lăng mộ Khổng Minh và bí ẩn chưa có lời giải
Năm 54 tuổi, ông mắc bệnh nặng rồi qua đời ở doanh trại. Cả đời tận trung vì sự nghiệp chấn hưng nhà Thục Hán, nhưng nơi an táng thực sự của Khổng Minh ở đâu, đến nay hậu thế vẫn chưa tìm được lời giải đáp. Theo di nguyện, sau khi chết ông muốn đặt mộ tại núi Định Quân – ngọn núi thuộc tỉnh Thiểm Tây. Do đỉnh núi rất bằng phẳng, có thể đóng cả vạn quân nên mới có tên là Định Quân.
Địa hình núi rất phức tạp với sườn núi uốn lượn nhấp nhô, được coi là rất tốt về phong thủy. Ngay dưới chân núi, du khách sẽ thấy khu mộ Gia Cát Lượng và đền thờ mang tên ông. Theo sử sách Trung Quốc ghi lại, do dự đoán được vận mệnh, Gia Cát Lượng căn dặn, sau khi chết, quân sỹ đem bỏ xác ông vào quan tài rồi khiêng về Hán Trung. Khi dây thừng đứt tại đâu, nơi đó sẽ lấy làm mộ.
Quân sỹ nghe theo, khiêng quan tài đi. Tuy nhiên, khiêng thời gian rất dài mà dây thừng không đứt. Đến núi Định Quân bỗng nhiên sợi dây chắc chắn đứt phựt khiến quan tài rơi xuống. Quân sỹ vội vàng đào huyệt chôn thì bỗng khu đất xung quanh quan tài sụt xuống, vừa đủ lấp trọn cỗ quan tài của Gia Cát Lượng. Sau đó, khu vực đặt mộ không xây kín, cũng không để lại bất cứ dấu hiệu gì dễ phát hiện. Người ta còn xây thêm nhiều phần mộ giả xung quanh để chống lại mộ tắc. Ngôi mộ ngày nay người đời vẫn gọi là “Mộ thật của Gia Cát Vũ Hầu”, thực tế không phải phần mộ thật. Người Trung Quốc tương truyền, ngôi mộ nào có dòng chữ “Mộ Vũ Hầu” mới chính là nơi an nghỉ thực tế của Khổng Minh.
Ngày nay, có ngôi mộ mang tên “Mộ Vũ Hầu” đặt ở góc tây bắc núi Định Quân, có diện tích hơn 300 mẫu. Nhưng các chuyên gia lại nhận định, ngay cả nơi này cũng không phải ngôi mộ thật.
Trên khắp đất Trung Quốc, người đời còn lập nên nhiều đền thờ để tưởng nhớ vị quân sư tài ba này. Trong đó, nổi tiếng nhất là đền thờ ở huyện Miễn, dưới chân núi Định Quân. Kế đến là miếu Vũ Hầu ở Thành Đô; miếu Vũ Hầu ở thành Bạch Đế, Trùng Khánh.
Chân Kiến biên tập