Đỉnh cao của lòng nhân từ là sự cho đi đúng cách
Nếu có thước đo nào chính xác về con người, thì đó là qua cách anh ta cho đi. Của cho đã là quí mà cách cho còn quí hơn.Cách cho đi là phản ánh khá đúng những nét tâm hồn, tính cách và quan niệm sống của người làm từ thiện. Không phải là cách họ bố thí cho một ai đó một ít tiền bạc mà là cách họ cảm thông, chia sẻ những khó khăn của con người và mong muốn người đó có một con đường để giải phóng cuộc sống của mình.
Những con người rơi vào khốn cùng chưa hẳn vì họ lười nhác, hoặc vì số phận mà có thể vì họ chưa có một việc làm hoặc chưa có một cơ hội. Hãy cho họ một cơ hội, một con đường, đó là cách cho cao quí nhất. Mỗi hành động từ thiện đều là một bậc thang dẫn tới thiên đường.
Một ngày nọ, người đàn ông giàu có Daniel đang đi dạo thì vô tình nhìn thấy một cậu bé đang quỳ bên lề đường, trên tay cầm một cọng cỏ đang đung đưa xuống mặt đất.
Daniel thấy thật kỳ lạ liền cúi người xuống, xoa đầu cậu bé, rồi hỏi: “Cậu bé, cháu đang làm gì thế?”
Cậu bé không ngẩng đầu lên mà trả lời: “Cháu đang dẫn đường cho con kiến”.
Daniel nghe xong, không nhịn được liền bật cười: “Một con kiến mà cần cháu dẫn đường sao?”
Cậu bé thành thật trả lời: “Con kiến này bị lạc khỏi đàn, đang lo sợ ngó nghiêng khắp nơi để tìm đồng loại, vì thế cháu muốn dẫn nó trở về với đàn của nó.
Lúc này Daniel mới nhìn kỹ và thấy rằng, thì ra cậu bé dùng cọng cỏ, để khiến con kiến bị lạc đàn từ từ quay trở về với đàn kiến. Dưới sự nỗ lực của cậu bé, con kiến bị lạc cuối cùng cũng được cậu bé dẫn đường trở về đàn của mình.
Daniel rất ngưỡng mộ đối với hành động đầy thiện lương của cậu bé. Daniel nói: “Cám ơn cháu! Con kiến bị lạc đàn đã tìm được đồng loại, cũng tìm được cơ hội để sống tiếp”.
Lúc này cậu bé mới ngẩng đầu lên nhìn Daniel. Đôi mắt đầy sự thông minh của cậu chớp chớp, để lộ ra nụ cười dễ thương. Nhìn thấy nụ cười trong sáng của cậu, trong lòng Daniel giống như có những cơn gió nhẹ thổi qua…
Sau khi rời khỏi cậu bé, trên suốt đoạn đường đi Daniel không ngừng tự nói với bản thân: Dẫn đường cho một chú kiến, thực sự rất sáng tạo và ngộ nghĩnh.
Daniel là một ông chủ lớn tại một chuỗi các siêu thị lớn tại Texas nước Mỹ. Ông là người lương thiện hào phóng luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác, trợ giúp người nghèo, vì thế được mọi người mệnh danh là “người đại thiện”.
Viêc cậu bé dẫn đường cho một con kiến mà ông đã chứng kiến, khiến tâm hồn ông có sự rung động rất lớn. Ông nghĩ, dẫn đường cho con kiến bị mất phương hướng, quả là một cách làm rất thông minh.
Cho cá, không bằng cho một chiếc cần câu. Hành thiện, đứng trên một phương diện ý nghĩa mà nói, cũng là cái đạo lý này.
Một ngày, Daniel vừa ra khỏi cửa công ty, đột nhiên bị một người phụ nữ chặn mất đường đi. Người phụ nữ tay dắt theo một cô bé khoảng 6-7 tuổi, khóc lóc nói: “Ngài Daniel, mẹ con chúng tôi thật đáng thương. Chồng của tôi đã mắc bệnh nặng và qua đời, tôi cũng thất nghiệp rồi. Hai mẹ con tôi rơi vào hoàn cảnh khó khăn…”
Nói xong, người phụ nữ rút từ trong túi ra một số thứ liên quan để chứng minh, mong Daniel có thể giúp đỡ mẹ con họ.
Daniel sau khi nghe xong, trong lòng tràn đầy sự đồng cảm. Nếu như trước đây sự việc này phát sinh, ông lập tức móc tiền ra giúp đỡ cho mẹ con họ. Thế nhưng hôm nay ông lại không làm như vậy, mà thân mật hỏi người phụ nữ trước đây làm công việc gì?
Người phụ nữ nước mắt đầy mặt trả lời: “Tôi trước đây làm nhân viên tài chính”.
Daniel nghe xong, mắt rực sáng, ông nói với người phụ nữ: “Vậy tôi lập tức nói nhân viên quản lý nhân sự tiến hành một cuộc kiểm tra đối với cô, nếu như không có vấn đề gì, thì cô có thể đến siêu thị này để làm nhân viên tài chính, đồng thời sẽ ứng cho cô trước ba tháng tiền lương”…
Người phụ nữ nghe xong, khuôn mặt lộ vẻ vui mừng, liên tục nói lời cám ơn với ông.
Một năm sau đó, người phụ nữ ấy đã giữ chức vụ chủ quản tài chính của siêu thị đó. Với năng lực nghiệp vụ và sự sáng tạo mới mẻ, cô đã được ông chủ Daniel công nhận và coi trọng.
Vào buổi tối tổ chức lễ Giáng sinh của siêu thị hôm đó, Susan nói với Daniel và những người đến tham dự buổi lễ: “Cám ơn ngài Daniel, là ngài đã dẫn đường giúp tôi có thể tự kiếm sống bằng sức lực của mình, đồng thời cũng đã cho tôi sự tôn trọng về tư cách con người”.
Daniel cười: “Cô Susan thân mến, không cần phải cám ơn tôi. Là sự tài hoa và thông minh của cô, trong cuộc sống đã giúp cô có được báo đáp”.
Susan cười bẽn lẽn, nụ cười ngọt ngào rất tươi đẹp.
Một ngày khác, Daniel nhận được bức thư của một người thanh niên có tên là Jacob. Trong thư viết, anh mới thi đỗ vào trường đại học danh tiếng Massachusetts, nhưng do cha mẹ mất sớm, cuộc sống vô cùng khó khăn, cần tiền để đóng nhập học đến nay vẫn chưa nộp, vì thế hy vọng Ngài Daniel có thể giúp đỡ anh một chút.
Daniel xem xong đã viết thư trả lời cậu thanh niên. Trong thư viết: “Sau khi cậu vào học đại học, có thể đến công ty của tôi – chính là một trong những siêu thị ở ngay phía ngoài trường học để làm thêm. Tôi sẽ ứng trước cho cậu một năm tiền lương. Tôi sẽ nói hết tình hình của cậu cho siêu thị ở đó biết, đến lúc đó cậu chỉ cần làm những thủ tục liên quan là được”.
Vài năm sau, Jacob đã là một ông chủ của một công ty phát triển phần mềm. Trong buổi lễ thành lập công ty anh nói: “Lúc bấy giờ, tôi chỉ là một sinh viên nghèo, tôi đã phải nhờ ngài Daniel giúp đỡ. Ngài Daniel đã nghĩ ra một con đường mới, cho tôi tự kiếm sống bằng sức của mình. Nếu như lúc bấy giờ ngài giúp tôi bằng cách cho tôi một chút tiền, thì chỉ có thể giải quyết được tình thế trước mắt lúc đó, thậm chí còn khiến cho tôi trở lên lười nhác, có tư tưởng không làm nhưng vẫn có được tiền. Có thể nói, nếu như lúc đó không có Ngài Daniel biết nhìn xa trông rộng, thì cũng sẽ không có sự thành công của tôi ngày hôm nay. Hành động thiện lương của ngài tràn đầy trí huệ và suy nghĩ sâu xa, khiến cho những người được giúp đỡ, nhận được động lực và sự tôn trọng về tư cách làm người”.
Tham gia buổi lễ hoạt động từ thiện tại Texas, Daniel đã nói với các vị khách một câu như thế này. Ông nói: “Mục đích căn bản của yêu, là cho người được yêu, tìm thấy được một viễn cảnh tươi đẹp, một con đường sáng lạn, còn cho họ tư cách làm chủ, một loại quy phẩm đạo đức, càng là yếu tố thăng hoa cho một nhân cách”…
Những câu nói của Daniel, đã để lại trong lòng mọi người những gợn sóng nhỏ tràn đầy ấm áp và cảm động.
Cho đi đã là một tấm lòng Bồ tát cao cả, nhưng chỉ cho người ấy cách làm sao để khắc phục cái nghèo khổ thì đó quả là môt tấm lòng từ bi vô lượng, một tình yêu đối với con người cùng khổ vô cùng lớn lao. Làm từ thiện không chỉ là việc cho đi một chút của cải vật chất mà thực sự là cho đi một tấm lòng. Tiền có thể không tồn tại được lâu đối với những người nghèo khổ, nhưng một phương hướng làm ăn, một vị trí công việc, một tấc lòng nhân ái thì mãi mãi in dấu và là ánh sáng cuộc đời họ.
Nguyễn Nhung sưu tầm