Đừng để bạn trở thành “người lạ” với con trẻ
Cho dù cuộc sống bận rộn đến đâu, chúng ta cũng cần dành thời gian cho những người thân yêu của mình, đặc biệt là con trẻ, bởi sự quan tâm yêu thương của gia đình có yếu tố rất quan trọng trong việc quyết định sự phát triển tương lai của trẻ nhỏ.
Trong cuộc sống bộn bề công việc, nhiều khi bạn mải mê theo đuổi, thu xếp, tất bật với cả núi những công trình, những toan tính, những sắp đặt v v và vv. Tám tiếng ở cơ quan rồi những cuộc hẹn hò với bạn bè, đối tác, khi về nhà bạn thường mệt mỏi và không có thời gian quan tâm đến con cái.
Trăm thứ bủa vây và làm cho bạn dễ quên mất những mong ước, những niềm vui của con trẻ, bởi trẻ con rất cần được chuyện trò, được vui chơi, được hỏi han và có khi chỉ là một nụ hôn…
Có những đứa trẻ hầu như suốt cả tuần không được nói chuyện với bố, không được nghe một tiếng nói của mẹ dù đó là tiếng la mắng,….và trẻ thực sự thấy cô đơn cả khi đang trong ngôi nhà có đầy đủ cả bố và mẹ. Và không ít những câu chuyện đau lòng đã xảy ra.
Có một câu chuyện như thế này: Một buổi chiều trong công viên, một phụ nữ ngồi xuống cạnh người đàn ông trên băng ghế dài.
Kia là con trai tôi! – Người phụ nữ gợi chuyện và chỉ tay về phía cậu bé mặc bộ quần áo màu đỏ đang chơi cầu trượt
Trông cậu bé thật thông minh. Còn con trai tôi đang chơi xích đu ở đằng kia, cậu bé đang mặc bộ đồ xanh ấy – Nói rồi, người đàn ông đưa mắt liếc nhìn đồng hồ và gọi cậu con trai:
Todd, chúng ta về thôi con!
Todd năn nỉ:
Bố ơi! Cho con chơi thêm năm phút nữa đi!
Người cha gật đầu đồng ý và Todd lại tiếp tục chơi trò xích đu của mình. Năm phút trôi qua, người đàn ông đứng dậy, gọi cậu bé lần nữa.
Đã đến giờ phải về rồi ạ? – Cậu bé tiếc nuối và một lần nữa lại năn nỉ cha: Cho con thêm năm phút nữa đi! Lần này nữa thôi bố nhé!
Người cha mỉm cười và nói: Năm phút thôi nhé!
Thấy thế, người phụ nữ ngồi cạnh lên tiếng: Anh đúng là một ông bố kiên nhẫn và rất thương con. Nhưng anh không nên nuông chiều con như thế.
Im lặng giây lát rồi người đàn ông khẽ nói: Trước đây, do quá mải mê tập trung vào công việc nên tôi không còn thời gian để quan tâm tới gia đình. Mỗi lần về nhà, Tommy, con trai lớn của tôi, luôn nài nỉ: “Bố chơi với con đi! Chỉ năm phút thôi!”.
Người đàn ông lặng đi một chút rồi nói tiếp: Thế nhưng tôi thường từ chối bằng câu trả lời:” Để lát nữa, con nhé!”. Năm ngoái trong một lần Tommy rủ tôi cùng chơi mà tôi bận, nên con tôi chập chững đạp xe một mình quanh công viên, và đã bị một chiếc xe hơi do tài xế say rượu đâm phải.
Khi ấy, tôi thực sự ân hận vì đã không quan tâm đến con mình và biết rằng chẳng còn cơ hội nào để tôi được ở bên con, dù chỉ trong năm phút ngắn ngủi. Tôi nguyện rằng mình sẽ không bao giờ để điều đó lặp lại với Todd.
Thế nên, mỗi khi cho con trai tôi muốn thêm năm phút để chơi đùa trên chiếc xích đu nó thích thì cũng là lúc tôi được tận hưởng thêm một khoảng thời gian nữa để nhìn ngắm đứa con thân yêu của mình. Điều đó vô cùng ý nghĩa với cả hai”.
Trong cuộc sống, sự quan tâm và giáo dục của bố mẹ có yếu tố rất quan trọng trong việc quyết định sự phát triển tương lai của trẻ nhỏ. Cha mẹ là tấm gương tốt nhất cho trẻ nhỏ, từng lời nói và hành động của cha mẹ đều sẽ ảnh hưởng tới hành vi của trẻ.
Một cuộc khảo sát tâm lý đã chỉ ra, có 78% bệnh nhân tâm thần, 75% bệnh nhân trầm cảm và 84% bệnh nhân rối loạn lo âu đang ở trong tình trạng không thiết lập được “sự gắn kết an toàn” giữa cha con.
Nhà xã hội học người Mỹ Patty Huffler đã chỉ ra, đối với những bậc cha mẹ quá bận rộn, họ có thể sử dụng phương thức “thời gian riêng” để có thể gần gũi hơn với con cái.
“Thời gian riêng” có thể hiểu là, mỗi ngày, cha mẹ dành cho con cái 1 khoảng thời gian riêng, hãy tắt điện thoại, đóng cửa phòng, chuyên tâm ở cạnh các bé.
Tất cả các hoạt động trong khoảng thời gian này hãy để những đứa trẻ tùy ý sắp xếp. Những ông bố, bà mẹ chúng ta hãy là những người bạn của con mình, cố gắng dành thời gian quan tâm trẻ, đừng để chúng ta trở thành “người lạ” với con trẻ nhé!.
Theo Quà tặng cuộc sống
Nhung Nguyễn biên tập