Gói phần của bà và mẹ, kỉ niệm tuổi thơ ai đã từng…
Cây đa, giếng nước, sân đình những hình ảnh thân thuộc gắn liền với những người dân quê tôi. Nhớ cái thời mà quê còn nghèo khó nhưng ấm áp tình thương, sống chan hoà đùm bọc nhau, khi ấy nhà ai có món gì ngon đều sẻ chia cho nhau. Đói mà ấm lòng. Gói phần của bà, của mẹ cũng vậy, năm tháng tuổi thơ tôi lớn lên với những điều bình dị như thế.
Giờ đây mọi người được sống trong ấm no, không phải chịu cảnh ăn không đủ no, mặc không đủ ấm. Có thể những hình ảnh các bà, các ông, các bố, các mẹ, các chị đi “ăn cỗ lấy phần” về cho con, cho cháu thật đáng buồn cười. Và nó tạo nên một điều gì đó không đẹp lắm trong mắt của một số người.
Nhưng với tôi đó vẫn là những ký ức đẹp đẽ mà mỗi khi nghĩ lại khoé mắt cay cay. Để đến bây giờ khi lớn lên, không phải vì đói nhưng tôi vẫn cảm nhận được niềm hạnh phúc của đứa cháu khi ông, bà đi ăn cỗ về và gọi nó: “Phần của con này” là nó vui sướng chạy oà ra đón lấy gói phần.
Chuyện gói phần mang về khi đi ăn cỗ có thể bị coi thường vì tính chất lạc hậu, nhưng chính cái lạc hậu đó đã làm no bụng biết bao nhiêu đứa trẻ con trong giai đoạn đói khổ.
Những người mẹ, người bà ngày đó vì thương con, có miếng ăn ngon không lỡ ăn một mình, vì muốn con ăn được một miếng thịt mà đem bọc gói cẩn thận trong chiếc lá chuối, biết những đứa con đang mong ngóng mà nhịn miệng gói phần về cho con. Phần được người lớn mang về dù rất nhỏ, chỉ đơn giản là một miếng xôi, miếng thịt, quả trứng hay miếng giò nhỏ chia ra nhưng những đứa trẻ vẫn cảm thấy sung sướng.
Văn hóa đó, xuất phát và hình thành như vậy, và đến bây giờ khi cuộc sống đã đủ đầy nhưng một người chị, người mẹ, người bà hay là cả bạn thanh niên vẫn mang thức ăn về cho con, cho cháu, cho bản thân mình. Hoặc cho một đứa trẻ bơ vơ, nghèo đói nào đó có cái bỏ bụng. Phần mà mọi người đem về không phải là phần đòi hỏi chủ đám cỗ phải làm dư ra để khách cầm về, mà là họ chủ động để lại phần ăn của mình và dọn dẹp thức ăn còn thừa lại trên mâm.
Có những khi mà sau mỗi bữa cỗ lượng thức ăn thừa nhiều không còn chỗ chứa, chủ nhà lại phải chia ra và chạy mang cho các nhà hàng xóm cho đỡ lãng phí. Việc “ăn cỗ lấy phần” nó cũng đã làm đúng mục đích là không lãng phí vậy thì nó có đáng trách và đáng phải bị lên án là lạc hậu, quê mùa hay không?
Tuỳ mỗi người, mỗi nơi sẽ cảm thấy hay – thấy xấu khác nhau bởi mỗi vùng, mỗi miền, mỗi khu vực đều có một cái nhìn khác nhau về phong tục này. Có những người trẻ chưa phải tiếp xúc với những khó khăn, cơ hàn, chưa được biết về tục “ăn cỗ lấy phần” này nên khi gặp cảnh các bà, các mẹ lấy phần về đã có phản ứng gay gắt hoặc cười chê. Hay có những nơi có quy định phạt tiền chủ nhà nếu để khách ăn cỗ lấy phần về vì cho rằng đó là lạc hậu, tạo nên hình ảnh không đẹp, không văn minh. Nhưng những quy định này có cần thiết không? Khi mà giá trị nhân văn ẩn sau nó còn cao hơn cả gói phần mang về đó.
Tục lấy phần không chỉ là từ khách đến ăn cỗ mà còn là thể hiện tấm lòng của chủ nhà với khách. Khi trong làng, trong họ có người cao tuổi không đến được thì chủ nhà sẽ gói một phần xôi, giò, hoa quả để đem biếu. Hiện nay có nhiều nơi chủ nhà không chỉ xếp mâm cao cỗ đầy mà còn chu đáo chuẩn bị cả túi nilong sạch để khách có thể mang phần về cho đỡ lãng phí.
Tục “ăn cỗ lấy phần” gợi cho chúng ta nhớ đến nét đẹp “nhường cơm sẻ áo” của người Việt, có miếng ngon thì cùng sẻ chia, có hoạn nạn thì cùng gánh vác. Nó không chỉ là tình thương của người đi ăn cỗ với người ở nhà. Nó vừa là thói quen vừa là việc trân trọng đồ ăn, trân trọng công sức người mua, người nấu đồ ăn. Và cũng là một nét đẹp mang đượm văn hoá làng quê.
Mộc Hương biên tập