Hành xử chân thành, sẽ cho bạn sự tự tin, sức lôi cuốn và sự vững mạnh
Không phải cứ tỏ ra khôn ngoan, nói những lời bác học hay làm những việc khó khăn thì được cho là khôn ngoan. Người khôn ngoan rất dễ thành công, nhưng vượt lên trên cả sự khôn ngoan đó là lòng chân thành, một vũ khí chinh phục lòng tất cả mọi người.
Người khôn ngoan thường làm đẹp lòng người khác và dễ đạt những thành công, nên hầu hết mọi người đều mong mình trở thành một người sớm khôn ngoan. Để nhanh chóng có được điều ấy, một số bạn trẻ đã tìm cách làm đẹp lòng người khác bằng mọi cách, kể cả sự dối trá và lối sống hai mặt…
Thế nhưng một bậc hiền triết lại cho rằng: “Sự khôn ngoan cao cấp, đó là sự chân thành”
Đơn giản bởi lẽ, sự chân thành bao giờ cũng là điều được ưa chuộng nhất trong cuộc sống. Người ta cho rằng một sự thật xấu xí còn hơn một điều dối trá tốt đẹp. Người có lối sống chân thành bao giờ cũng tạo một sức hấp dẫn với người khác, bởi bản chất con người là luôn hướng về sự thật, về chân lý.
Marshall Rosenberg, một nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ đã tìm ra một phương pháp giao tiếp mới vào những năm 60 của thế kỷ trước. Phát hiện này đến từ nghiên cứu những yếu tố ảnh hưởng tới khả năng “thấu hiểu người khác” của con người.
Động lực thúc đẩy Rosenberg là tìm ra câu trả lời cho hai câu hỏi đã luôn hiện hữu trong tâm trí ông từ khi ông còn là một đứa trẻ. Câu hỏi đầu tiên: Điều gì đã ngắt kết nối của chúng ta với bản năng chăm sóc thiện lương, và khiến chúng ta hành xử với nhau bằng bạo lực và xúc phạm?
Và một câu hỏi khác: Tại sao lại có những người vẫn giữ được sự chân thành, chắc chắn thái độ quan tâm, chăm sóc cho người khác ngay cả trong những hoàn cảnh bất lợi nhất?
Người chân thành luôn tạo ra sự tin cậy quanh họ, là chỗ dựa tinh thần ấm áp của bạn bè, người thân. Sống bên họ ta cảm thấy yên ổn, thanh thản vì không phải dò xét, dè dặt, hoài nghi, sợ bị trở mặt hay phải khám phá ra những sự thật phũ phàng, đen tối.
Sự chân thành được thể hiện không chỉ trong lời nói mà nó phải được bắt rễ sâu xa từ trong một tấm lòng thành, với tình cảm thực sự thì mới có sức thuyết phục.
Hành xử trong sự chân thành, sẽ cho bạn sự tự tin, sức lôi cuốn và sự vững mạnh… Hãy thành thật với người khác và với chính mình. Muốn thế hãy đánh giá đúng bản thân, đừng tự huyễn hoặc mình và cũng đừng huyễn hoặc người khác.
Nhưng tất cả sự chân thành phải được thể hiện trong sự tế nhị, đôn hậu và có văn hóa, nếu không nó cũng dễ trở thành thô thiển khó chấp nhận. Hãy phân biệt sự khôn ngoan thực sự với sự tinh khôn hoặc khôn ranh, đó là kẻ chỉ ”khôn” để cầu lợi.
Trong “Tây du ký” có một tấm gương báu, gọi là kính chiếu yêu, tất cả ma quỷ khi đứng trước tấm gương đó đều phải hiện nguyên hình.
Cuộc sống của chúng ta cũng có một tấm gương như thế, đó là tấm gương chân thực. Tất cả mọi thứ đều không vượt qua được hai chữ chân thực. Trong cuộc sống, chân thành đổi lấy chân thành. Trong công việc, thái độ chính trực, chân thành là vũ khí loại bỏ mọi khó khăn.
Chỉ có sự chân thành mới tồn tại mãi mãi, giở trò lừa dối chỉ giống như trăng trong nước, hoa trong gương, nhìn vào thì rất đẹp, nhưng chạm vào sẽ vỡ tan tành. Sống một cách chân thực, không cần đem người khác làm gương cho mình, đừng để bị cuộc sống cuốn đi. Đôi khi nên dừng bước và suy nghĩ một chút, rằng bản thân thực sự muốn điều gì.
Nếu chúng ta được sống giữa một cộng đồng của những người chân thành thì đó là lúc cuộc sống của chúng ta đang tiến dần đến một thiên đường nơi trần thế.
Gia An