“Kính lão đắc thọ”: Câu chuyện kính trọng người già, đắc Đạo thành tiên
“Kính lão đắc thọ” là câu tục ngữ khuyên chúng ta phải biết kính trọng người già, “kính lão” là kính trọng người già; còn “đắc thọ” là nhận lại được tuổi cao, sống lâu.
Đại ý của câu này không chỉ nói đến tuổi tác mà còn bao hàm việc chúng ta làm thế sẽ nhận lại được những kinh nghiệm quý giá, những điều tốt đẹp, điều hay lẽ phải mà các thế hệ trước, những người cao tuổi sẽ truyền đạt lại cho chúng ta. Nếu như chúng ta biết kính trọng những người cao tuổi, cái mà mình nhận được chắc chắn sẽ nhiều hơn là cho đi.
Vì đây đều là những “cẩm nang” quý giá được đúc kết từ nhiều người, có nó sẽ làm cho hành trình đi đến thành công của bạn thêm dễ dàng hơn. Vậy nên trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta phải luôn luôn tôn trọng, kính trọng, quan tâm đến những người cao tuổi.
Trương Lương kính trọng người già, cung kính nhặt giày mà đắc Đạo
Trương Lương (262–189 TCN), tự Tử Phòng, là bậc danh thần khai quốc nổi tiếng thời nhà Hán.
Có câu chuyện kể rằng thời trẻ, khi đang thong dong tản bộ trên cầu Hạ Phi, Trương Lương tình cờ gặp một cụ già đang ở trên cầu. Lúc ấy, cụ già cố ý đánh rơi chiếc giày xuống dưới cầu và nói với Trương Lương rằng: “Tiểu tử, hãy xuống nhặt giày lên hộ ta.”
Trương Lương không hề tỏ ra khó chịu, vội vàng xuống dưới cầu bất chấp nguy hiểm nhặt chiếc giày lên cho ông cụ, hai tay dâng giày kính cẩn. Nhưng ông cụ lại không tự đi giày, mà đưa chân lên lần nữa nhờ Trương Lương xỏ giày vào hộ mình.
Họ Trương thầm nghĩ: “Dù gì thì mình cũng đã nhặt giày lên rồi, mang vào cho ông ấy cũng được thôi”, bèn quỳ gối xuống xỏ chiếc giày vào chân cho ông lão. Đợi Trương Lương mang giày cho mình xong, ông lão liền cười lớn bảo rằng: “Tiểu tử này có thể dạy dỗ được. Đúng 5 ngày sau vào lúc sáng sớm, ngươi hãy quay lại đây gặp ta”.
Đúng 5 ngày sau, trời vừa tờ mờ sáng, Trương Lương đã đến điểm hẹn, không ngờ ông lão đã có mặt ở đấy từ lúc nào, trông thấy Trương Lương, ông nổi giận nói: “Có hẹn với người lớn tuổi mà ngươi lại đến trễ, như vậy có được không? Hôm nay ta không thể truyền Đạo cho ngươi được; hẹn 5 ngày sau lại gặp ở đây.”
Qua 5 ngày, lúc gà vừa gáy sáng, họ Trương đã đến bên đầu cầu, oái oăm thay ông lão cũng đã có mặt ở đó, ông lão lại trách Trương Lương vì sao đến trễ, bèn đuổi Trương về, hẹn 5 ngày sau lại tới.
Lần sau thì Trương không dám trễ nữa, nửa đêm canh ba đã lò dò đến bên cầu đứng đợi. Một lúc sau ông lão xuất hiện, nhìn thấy Trương Lương, ông vui mừng nói: “Phải vậy chứ!”.
Sau đó, ông lão lấy ra một cuộn sách tre và nói: “Đọc cuốn sách này có thể làm thầy của bậc vương giả, sau 10 năm thì có thể nổi danh. 13 năm sau con có thể gặp ta ở Tế Bắc, dưới chân núi Cốc Thành Sơn có một tảng đá màu vàng tức là ta đó.”
Nói rồi ông lão bỏ đi mất, từ đó Trương Lương không còn gặp lại ông nữa. Trương Lương mang cuốn sách về nhà, đốt đèn lên xem, hóa ra đó là bộ “Thái công binh pháp” đã thất truyền. Trương Lương như đắc được bảo vật, ngày đêm nghiền ngẫm đọc sách; nhờ đó mà trí huệ mở mang, trở thành bậc thầy mưu lược bên cạnh Lưu Bang.
13 năm sau, Trương Lương cùng Lưu Bang khi đi qua Tế Bắc, quả nhiên nhìn thấy dưới chân núi Cốc Thành Sơn có một tảng đá màu vàng, ông liền mang về. Lúc mất, con cháu của Trương Lương đem thi thể ông an táng cùng tảng đá. Vì vị cao nhân truyền bộ binh pháp ấy cho Trương Lương không để lại danh tính nên hậu nhân gọi ông là Hoàng Thạch Công.
Theo ghi chép trong sách “Thái Bình Quảng Ký”, Trương Lương ngoài việc là mưu sĩ cho Lưu Bang, còn căn cứ theo sách của Hoàng Thạch Công để tu luyện. Ông không rời khỏi thế sự mà vừa phò tá Lưu Bang vừa tu Đạo. Trương Lương không bị thế sự chìm nổi mê hoặc mà lợi dụng những sự việc nơi thế tục làm cơ hội tu luyện bản thân, từ đó mà thăng hoa lên trên. Có được ngộ tính và trí huệ như vậy, cuối cùng ông trở thành một người tu đạo phi thường.
Sau khi Trương Lương thành Tiên được làm đồng tử Thiên cung, thường cùng Thái Thượng Lão quân dạo chơi trên Tiên giới.
Lan Hòa biên tập