Lấy thiện tâm thuần khiết giúp đỡ người lúc khó khăn, phúc báo trải dài muôn vạn kiếp
Khổng Tử có câu: “Người quân tử thành tựu cái đẹp cho người khác”, người quân tử có đạo đức cao thượng, bên trong tu thân, bên ngoài khiến người thông tỏ lý sự, dốc hết khả năng tạo thuận lợi cho người, không màng lợi ích cá nhân mà có thể xả thân giúp đời giúp người.
Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta cần phải đối mặt với hai sự lựa chọn: Một là thỏa mãn những ham muốn ích kỷ của bản thân, hoặc là quên đi những lợi ích thiết thân trước mắt mà toàn tâm toàn ý giúp đỡ người khác. Đối với người quân tử luôn coi trọng đức hạnh, họ luôn đặt cái tình cái nghĩa lên hàng đầu, đương nhiên sẽ là lựa chọn thứ hai.
Giúp đỡ và nghĩ cho người khác với một trái tim thuần khiết chính là một loại tu dưỡng, một loại phẩm đức cao quý, nó cần có tấm lòng rộng mở và tâm thái làm việc thiện vì người khác.
Luật Trời luôn công bằng với những người lương thiện và có đức tin. Có câu: “Làm việc thiện phúc báo chưa thấy nhưng họa đã rời xa”, kì thực, giúp đỡ người khác chính là lúc bạn lựa chọn cho chính bản thân mình một tương lai tốt đẹp.
Viên Công giúp vợ chồng gặp nạn, con trai thất lạc cuối cùng cũng được tìm thấy.
Vào những năm thời nhà Minh, có một người đàn ông họ Viên xuất thân từ một gia đình khá giả ở tỉnh Thiểm Tây, mọi người gọi ông là “Viên Công”.
Sau khi Lý Tự Thành thành lập quân đội, Viên Công mang theo gia đình rời Thiểm Tây đi lánh nạn, không ngờ trong lúc hình thế hoảng loạn, gia đình ông bị chia cắt, con trai duy nhất của ông bị thất lạc giữa đám đông.
Sau đó, Viên Công quyết định lưu lạc ở Kim Lăng (là tỉnh Nam Kinh ngày nay). Để duy trì hương hỏa cho gia tộc, ông quyết định cưới vợ, sinh con một lần nữa. Sau đó, ông mua một người phụ nữ về làm vợ với giá ba mươi lượng bạc.
Sau khi người phụ nữ gả về nhà Viên Công, cô luôn tủi thân khóc thầm lặng lẽ. Viên Công bèn hỏi, chuyện gì khiến cô đau buồn như vậy. Người phụ nữa trả lời: “Không vì chuyện gì khác, là vì chồng thiếp quá nghèo, nợ nần chồng chất, để giữ mạng cho thiếp cũng như hy vọng thiếp có cuộc sống tốt đẹp hơn nên đã bán thiếp đi.
Nghĩ đến ân tình vợ chồng sâu nặng, giờ đây thiếp không thể giữ được trọn tình nghĩa, không tránh khỏi tức cảnh sinh tình, bởi vậy mà không tránh khỏi đau khổ trong tâm.”
Viên Công nghe xong, cảnh thấy đồng cảm sâu sắc, không muốn hỏi nhiều thêm vì sợ cô nhớ lại chuyện cũ mà đau buồn. Vì vậy, ngày thứ hai, ông phái người trở về nhà chồng cô, ngoài việc không lấy lại tiền bán vợ, Viễn Công còn tặng cho gia đình họ một trăm lạng bạc để họ buôn bán nhỏ để kiếm sống. Hai vợ chồng cảm kích vô cùng, sau đó đã đích thân đến trước cửa nhà Viễn Công để tạ ơn lòng nhân đức của ông.
Sau đó, hai vợ chồng bắt đầu kinh doanh nhỏ và việc buôn bán càng ngày càng khởi sắc, tốt hơn lên từng ngày. Khi cuộc sống của họ có chút cải thiện, họ muốn tìm một người phụ nữ trinh khiết để giới thiệu cho Viên Công làm vợ, để tỏ lòng biết ơn báo đáp.
Một ngày nọ, người chồng đến Dương Châu, trên đường đi ông gặp một cậu bé diện mạo khôi ngô tuấn tú, ông bèn nghĩ thầm trong tâm, trước khi tìm được người phụ nữ thích hợp để giới thiệu cho Viên Công làm vợ, chi bằng mua cậu bé này về hầu hạ Viên Công.
Người chồng của người phụ nữ sau đó đã bỏ ra hai mươi lượng bạc để mua cậu bé và gửi ngay đến nhà của Viên Công. Viên Công nhìn cậu bé giống như đứa con trai của mình, liền hỏi han chi tiết sự tình , quả thật không sai, cậu bé chính là con trai thất lạc bấy lâu nay của ông.
Hai cha con xúc động khôn nguôi, ôm nhau khóc rồi cười trong hạnh phúc. Đây quả thực là trong cái rủi có cái may, Viễn Công toàn tâm toàn ý giúp đỡ người khác khi gặp nạn, cuối cùng có thể tìm lại đứa con trai lưu lạc bấy lâu của mình.
Người hành sự luôn nghĩ cho người khác chính là xuất phát tự sự tôn trọng và yêu thương con người, đối với khuyết điểm, thiếu sót của người khác thì thiện ý chỉ ra, trước khó khăn nguy nan của người khác thì dốc sức tương trợ, lúc thành sự thì không kiêu ngạo kể công, mà càng nghĩ nhiều đến ân huệ mà người khác đã dành cho mình.
Cổ ngữ có câu: “Con người quen biết nhau, quý là biết thiên tình của nhau, từ đó giúp đỡ nhau”. Thiên tính ở đây chính là bản tính tiên thiên tốt đẹp mà Thiên thượng ban cho con người, chỉ duy có thiện niệm luôn hiện hữu trong tâm mới có được một tương lai tươi sáng.
Nguồn bài viết: Epochtimes
Lan Hòa biên tập