Luật rừng đem dùng ở Biển: Trung Quốc không đơn thuần nhắm vào ngư dân Việt Nam
Trước loạt hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là đạo luật cho phép hải cảnh sát biển Trung Quốc nổ súng vào các tàu nước ngoài đã làm dậy sóng các vùng biển đang trong vòng tranh chấp chung quanh Trung Quốc như, Nhật Bản ở biển Hoa Đông, và với nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Đạo luật trên được xem như là “luật rừng” mà Trung Quốc tự đặt ra ở Biển Đông đã gặp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, và đây có thể là mối đe dọa lớn đối với tàu cá của ngư dân Việt Nam trên biển.
Cái cớ Trung Quốc dùng để biện minh cho các hành vi vũ lực
Nhiều chuyên gia cho rằng luật mới cho phép hải cảnh Trung Quốc nổ súng bắn tàu nước ngoài dường như chỉ có tính chất biểu tượng, vì Trung Quốc vốn dĩ chưa bao giờ tôn trọng pháp luật quốc tế ở Biển Đông. Giới quan sát cũng nhấn mạnh rằng, luật mới này chắc chắn chỉ tạo điều kiện để xung đột, bạo lực gia tăng.
Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á nhận định rằng: “Việc trao cho lực lượng hải cảnh Trung Quốc quyền được sử dụng vũ lực trong nhiều trường hợp, chắc chắn sẽ tiềm ẩn rủi ro gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, thậm chí có thể dẫn tới xung đột vũ trang.
Trước mắt, luật này giúp Trung Quốc răn đe các bên tranh chấp khác, và tạo cơ sở pháp lý cho các hành vi ngang ngược hơn của Trung Quốc trên các vùng biển mà họ yêu sách, đây cũng là cái cớ Trung Quốc có thể dùng để biện minh cho các hành vi vũ lực của mình trên Biển Đông.
Ngư dân Việt Nam sẽ gặp nguy bởi ‘đường lưỡi bò’ và luật mới của Trung Quốc
Đường lưỡi bò ở Biển Đông nằm trong đường 9 đoạn mà Trung Quốc tự vẽ lên bản đồ và nêu ra yêu sách chủ quyền. Đây là vùng biển nằm trong vòng tranh chấp gay gắt giữa Trung Quốc với Việt Nam và một số nước khác.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp khách mời của viện nghiên cứu Đông Nam Á đặt tại Singapore, chỉ ra rằng nếu Trung Quốc khăng khăng “đường lưỡi bò” là của họ, và khi tàu của các nước láng giềng hay của bất cứ quốc gia lớn nhỏ nào khác đi vào, hải cảnh Trung Quốc sẽ bắn nếu cần thiết, thì điều đó đồng nghĩa là Trung Quốc chuẩn bị gây chiến tranh.
Và ở khía cạnh này, Việt Nam sẽ là đối tượng gặp nhiều áp lực vì chúng ta có các khu vực chồng lấn với yêu sách của Trung Quốc nhiều hơn, các hoạt động của Việt Nam trên Biển Đông cũng tích cực hơn, đặc biệt hoạt động đánh bắt cá của các ngư dân trên biển cũng sẽ gặp nguy hiểm.
Chẳng hạn khi xảy ra va chạm trên biển, hải cảnh Trung Quốc có thể viện cớ vào đạo luật này để nổ súng tấn công đối với tàu cá của ngư dân Việt Nam.
Một số nhà quan sát cho rằng, nếu các nước dùng chung Biển Đông thừa nhận đạo luật trên của Trung Quốc, thì chẳng khác gì việc chúng ta giao nhà cho tên cướp canh giữ, rồi cung cấp cho tên cướp một khẩu súng để bắn lại khi chủ nhà có phản ứng.
Việt Nam chính thức lên tiếng về luật hải cảnh Trung Quốc
Mới đây hôm 29/1, Việt nam đã chính thức lên tiếng về luật hải cảnh Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Việt Nam yêu cầu các nước liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông.
Trả lời câu hỏi về luật mới của Trung Quốc ở Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Trong việc ban hành và triển khai văn bản pháp luật quốc gia liên quan đến biển, các quốc gia có nghĩa vụ tuân thủ luật pháp quốc tế, các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982
Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế; chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển”.
Bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, Việt Nam sẽ kiên quyết, kiên trì các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ các quyền hợp pháp và lợi ích chính đáng của Việt Nam ở Biển Đông.
Luật hải cảnh của Trung Quốc nắn gân Mỹ và tác động đến loạt quốc gia trong khu vực
Khi thông qua Luật hải cảnh, cho phép nổ súng bắn tàu nước ngoài, Trung quốc được xem là Mang Luật rừng ra dùng ở Biển, không đơn thuần nhắm vào ngư dân Việt Nam.
Đầu tiên, các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc ra Luật hải cảnh nhầm “nắn gân Mỹ’’ thăm dò động thái của Chính Chính quyền Biden. Vài ngày sau đó, Hoa Kỳ điều một nhóm tàu sân bay gồm hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt và các tàu khu trục hộ tống đã tiến vào Biển Đông qua eo biển Ba Sĩ.
Eo biển Đài Loan cũng đã nổi sóng ngay trong tuần đầu tiên Tổng thống Mỹ Joe Biden bước vào Nhà Trắng, khi Trung Quốc đưa gần 30 máy bay quân sự các loại hướng về hòn đảo.
Đài Loan cho biết máy bay Trung Quốc đã xâm nhập Vùng nhận diện phòng không của họ 380 lần trong năm 2020. Một nhóm nghiên cứu quân sự cảnh báo mối đe dọa do Bắc Kinh đặt ra ở eo biển Đài Loan hiện ở mức cao nhất kể từ 1996.
Trong hành động tương tự, phái đoàn đại diện thường trực của Nhật Bản tại LHQ đã gửi công hàm lên Tổng thư ký LHQ để bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với chủ quyền trên Biển Đông. Công hàm nêu rõ với tư cách là quốc gia tham gia Công ước LHQ về luật Biển, Nhật Bản bác bỏ quan điểm của Trung Quốc vốn cho rằng “việc Bắc Kinh vẽ đường cơ sở lãnh hải trên các đảo và bãi đá ngầm ở Biển Đông là phù hợp với Công ước LHQ về luật Biển và pháp luật quốc tế”.
Bộ Quốc phòng Úc mới đây tuyên bố các tàu và máy bay quân sự nước này sẽ tiếp tục tuần tra ở Biển Đông, vài ngày sau khi Trung Quốc ban hành luật mới cho phép lực lượng hải cảnh nổ súng chống tàu nước ngoài.
Như vậy chúng ta có thể thấy không chỉ ngư dân Việt Nam bị ảnh hưởng, Mỹ và nhiều quốc gia khác trong khu vực nhận thấy Luật hải cảnh của Trung quốc nhắm đến họ, và các nước đã có hàng loạt hành động phản đối sự ngang ngược của Chính quyền Bắc Kinh. Với những tham vọng bành trướng bá chủ biển Đông này, Chính quyền Trung Quốc sẽ còn vấp phải sự phản đối của nhiều quốc gia khác cộng đồng quốc tế trong thời gian tới.