Mạn đàm đồ quê cha mẹ gom góp gửi con: “Của một đồng nhưng công một nén”
Rời quê lên phố mưu sinh, nhiều người đã học được cách trưởng thành sau khi “lăn lộn” với đời. Vậy mà lúc nhìn món quà quê của mẹ cha gửi lên, họ lại thấy mình như bé lại.
Tuy nhiên, cũng có nhiều suy nghĩ trái chiều từ những món đồ tiếp tế thường xuyên này của cha mẹ, nó cũng khiến chúng ta suy nghĩ một chút và lựa chọn cách đối đãi phù hợp.
Từ câu chuyện của nữ nhà văn Hàn Quốc
Cô Kim, nhà văn đang sống tại Seoul (Hàn Quốc) thường xuyên nhận được tin nhắn từ mẹ theo kiểu: “Mẹ vừa gửi mấy món ăn kèm con thích. Những món lần trước mẹ gửi ăn cho nhanh hết đi nhé, đừng giữ lâu trong tủ lạnh”.
Từ tháng 5/2019 đến nay, cô đã nhận được 39 tin nhắn có nội dung tương tự. Điều này có nghĩa là trong suốt 2 năm qua, cứ 20 ngày, cô lại nhận được một bưu kiện từ gia đình ở quê.
Những chiếc thùng xốp lớn đựng đầy cá nướng, bào ngư hầm, gà hấp, canh rong biển, bạch tuộc, hành, tỏi nhà tự trồng, kim chi và hàng chục món ăn kèm khác. Tất cả đã được chế biến sẵn, đóng gói kỹ và gửi đến tận nhà Kim.
15 năm gửi đồ ăn cho con sống ở thành phố
Bố mẹ cô Kim bắt đầu gửi đồ ăn kèm cho cô từ năm 2006, khi Kim vẫn còn là sinh viên năm nhất đại học, lần đầu sống xa nhà.
Sau khi cô đi làm, lấy chồng rồi sinh con, gia đình ở quê còn gửi thêm đồ đông lạnh, thức ăn nấu sẵn và những loại nông sản thu hoạch theo mùa như gạo, ớt bột, hành, tỏi, mè, đậu xanh…
“Họ sợ tôi bỏ bữa, sợ tôi vất vả khi vừa phải đi làm, vừa phải lo chuyện bếp núc. Các ông bố bà mẹ ở vùng nông thôn còn sợ con cháu ở thành phố không mua được thực phẩm sạch, không tự làm được kim chi”, cô nói.
Dù hiểu được tấm lòng của cha mẹ, Kim hoàn toàn không muốn nhận thực phẩm tiếp tế như thế này. “Mẹ tôi luôn nói rằng chẳng có gì to tát, nhưng tôi biết chuẩn bị những thứ này rất vất vả. Tôi đã từ chối nhiều lần song mỗi lần như vậy, mẹ lại nói đợt tới chỉ gửi một ít kim chi. Thế nhưng, lần sau thùng đồ vẫn rất đầy và nặng”, người phụ nữ U40 bộc bạch.
Mỗi lần nhận được thức ăn bố mẹ gửi, Kim vừa cảm thấy biết ơn nhưng cũng đồng thời suy nghĩ về bản thân.
“Gần 40 tuổi, đã lập gia đình và có con, tôi vẫn không thể hoàn toàn tự lập, trông chờ vào bữa ăn của mẹ. Nhiều bữa bày toàn thức ăn của mẹ ra bàn, tôi nhìn con gái nhỏ và tự hỏi liệu rằng sau này mình có thể làm điều tương tự cho con không. Tôi cũng không chắc”.
Con cái ra ở riêng vẫn phụ thuộc trợ cấp của bố mẹ không phải chuyện lạ
Ở Hàn Quốc, việc con cái trưởng thành, ra ở riêng nhưng vẫn phụ thuộc miếng ăn vào bố mẹ không phải chuyện lạ. Những bậc phụ huynh sống ở nông thôn thường chuẩn bị rất nhiều banchan (món ăn kèm trong tiếng Hàn bao gồm cả kim chi) để gửi lên thành phố cho con cháu đi làm, đi học xa.
“Có một món ăn gọi là “kim chi của mẹ”. Nó được những bà mẹ Hàn Quốc chế biến theo công thức riêng, rất khác với kim chi thương mại. Khi bạn nếm món kim chi của một gia đình, bạn sẽ biết họ đến từ vùng quê nào”, đầu bếp Chung Jae Lee giải thích lý do người Hàn Quốc thường nhận kim chi từ bố mẹ thay vì mua ở bên ngoài.
Tuy vậy, giống như Kim, không phải đứa con nào cũng hào hứng khi nhận được thực phẩm tiếp tế. Nhiều người áy náy, thậm chí cảm thấy phiền phức nhưng không nỡ từ chối vì sợ bố mẹ buồn lòng.
“Sau nhiều năm, tôi nhận ra rằng thay vì chỉ nói cảm ơn hay cố gắng từ chối, tôi chỉ cần ăn ngon miệng, ăn hết thức ăn mẹ gửi. Tôi cũng không quên chụp ảnh bàn ăn sạch bóng và gửi cho bà, người vẫn chỉ lo lắng đứa con gái gần 40 tuổi sẽ bỏ bữa”, Kim nói.
Trưởng thành vẫn nhận chu cấp là phiền bố mẹ hay là nhận tình yêu thương?
Nhìn lại câu chuyện 15 năm nhận quà tiếp tế của cô Kim, tôi chợt nhớ trên mạng xã hội từng nảy ra một cuộc tranh luận khá sôi nổi.
Không ít người cho rằng khi đã có gia đình, sống ở thành phố thì đừng nên “ám” bố mẹ ở quê nữa. Thay vì nhận đồ tiếp tế ở quê gửi vào thì hãy gửi biết chăm sóc cha mẹ nhiều hơn, biết tìm cách gửi quà về tặng cha mẹ”.
Một người khác lại bảo: “Cha mẹ nuôi từ nhỏ đến lớn đã không đủ hay sao mà tới lúc đi làm ổn định, có con cái, có nhà cửa đàng hoàng ở thành phố vẫn không ngại khi nhận những bó rau, thùng cá… từ quê gửi vào?”
Hoặc “Ở thành phố mà còn để những người cha, người mẹ già ở quê phải lo lắng, phải gửi đồ quê vào thì không phải là những người con có hiếu. Nói quá lên là bất hiếu”…
Tuy nhiên, phần đông lại cho rằng, cha mẹ luôn muốn dành tình yêu thươnɢ nhất cho con cháu. Việc trợ cấp lương thực không phải sợ con cái ở thành phố thiếu ăn mà muốn dành những thứ tốt nhất, ngon nhất ở quê gửi lên.
Ví như ở trong thành phố khó mà có cá đồng, ếch đồng. Rau muống, đọt lang ở thành phố sao tươi xanh bằng đồ nhà quê. Gà trong thành phố sao ngon và dai bằng gà nuôi bằng gạo, bằng cơm, thả vườn như ở quê?…
Dù là yêu thương, cũng nên nhận có chừng mực!
Có lẽ, ai cũng có cái lý của mình khi đưa ra những ý kiến khác nhau. Và không biết suy nghĩ của các mẹ như thế nào về vấn đề này.
Có lẽ chuyện “nhận quà quê” phải tùy hoàn cảnh mới xét đúng hay sai được. Ví như trường hợp của cô Kim chẳng hạn, 15 năm thường xuyên nhận đồ tiếp tế của mẹ không hẳn là điều tốt.
Nó sẽ khiến bản thân cô mất đi năng lực của người phụ nữ như khả năng tính toán khi đi chợ, cách chọn thực phẩm tươi ngon, tự tay làm đồ ăn cho gia đình…
Lâu dần cô sẽ cảm thấy mình bất lực, vô dụng và cả nhà sẽ rơi vào cảnh hụt hẫng nếu một ngày nào đó, người mẹ không còn.
Nhìn ở mặt tích cực, quà quê chất chứa tình cảm dạt dào giữa những người thân yêu với nhau. Nhưng cái gì cũng nên có chừng mực, con cái lớn rồi, cũng nên cho chúng tự lập.
Nếu có gửi thì gửi ít thôi, gửi những món không thể mua được ở thành phố và đặc biệt, cha mẹ chỉ nên mua đồ có sẵn, đơn giản chứ đừng cầu kỳ nấu nướng, vất vả làm cả ngày đêm để gửi lên cho con cháu.
Của một đồng công một nén
Ông bà ta thường bảo, “của một đồng, công một nén”. Vậy nên, quà cha mẹ gửi cho con thì chúng ta nên vui vẻ nhận lấy.
Tuy nhiên, đừng có hời hợt xem đó là nghĩa vụ phải làm của các bậc phụ huynh, khiến cho người già nặng gánh.
Thậm chí, nhiều người cứ thản nhiên nhận quà quê mà không cần biết mẹ cha đã bỏ bao nhiêu tiền, rồi cứ ăn bám lấy quà quê chứ chẳng gửi lại tiền “đi chợ” cho cha mẹ. Như vậy mới là bất hiếu nặng!
Phận làm con, có thể trả ơn cho ba mẹ bằng nhiều cách khác như: quan tâm hỏi thăm, chăm sóc ba mẹ, hàng tháng cố gắng dành dụm ít tiền tiết kiệm để lo cho ba mẹ hoặc mình sống hạnh phúc, thành công bên gia đình nhỏ của mình cũng là cách các cụ yên tâm.
Nguồn: webtretho
Thái An biên tập