Mẹ ‘khó tính’ giúp con dành học bổng Harvard: Tôi là cái phanh của con
Tự nhận bản thân luôn là ‘cái phanh’ của con cái, kể cả khi con liên tục đạt thành tích cao từ tiểu học, THCS và THPT, chị Ngọc vẫn hiếm khi dành lời khen cho con. Chị bảo “lời khen dễ làm con tự kiêu, tưởng mình đã là giỏi, sẽ không phấn đấu nữa.
Chị Lý Thị Bích Ngọc (SN 1964) hiện là giám đốc một công ty du lịch, và là luật sư công tác tại Hà Nội. Là cử nhân Khoa tiếng nước ngoài, ban tiếng Pháp (Trường ĐH Tổng hợp khóa 1981-1986), chị có dịp đi và tiếp cận với nền văn hóa của nhiều quốc gia trên thế giới nhưng chị bảo “Mình dạy con rất cổ điển và nghiêm khắc”…
Luôn cố gắng là tấm gương cho các con, nên khi đã 51 tuổi, chị bắt đầu học ĐH Luật văn bằng 2 (khóa 2015-2018), sau đó chị theo học khóa đào tạo Luật sư ở Học viện Tư pháp năm 2018-2019 mục tiêu để trở thành luật sư trước năm 60 tuổi.
Là cái phanh của con
Chị chia sẻ mình có tư tưởng khá phong kiến, con gái phải nữ công gia chánh, rồi “tiên học lễ hậu học văn” – tức là phải làm con người “ngoan” đã rồi mới bắt đầu mới nói đến chuyện kiến thức, khoa học… Từ khi con gái đầu (Hoàng Thu An, SN 1996) vào lớp 1, chị Ngọc đã rất chú trọng cho con phải viết chữ đẹp vì quan niệm ‘chữ là Người’.
“Khi học tiểu học (Trường TH Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội) lúc nào con cũng dẫn đầu khối nhưng mình luôn “phanh” lại. Mình nói với con đây chỉ là trường làng thôi…” – chị Ngọc nhớ lại.
Lên cấp 2, con gái thi đỗ được vào Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam nhưng lo con tự cao, chị Ngọc tiếp tục “động viên” con rằng đây mới là “cái ao làng của Hà Nội thôi” vì còn trường chuyên của TP.HCM, Nam Định, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế…
Khi Thu An được giải quốc gia năm lớp 12, chị Ngọc lại “phanh”: Đây mới là giải quốc gia chứ chưa phải là giải quốc tế.
“Mục đích để bạn ý hạ xuống mặt đất, chứ nếu khen thì sợ lại lở lửng trên mây. Và thế là lúc nào mình cũng kiềm chế lại” – chị Thu nói.
Không có khái niệm “xem ti vi”
“Quá trình học của con, chị o bế, “la sát” nhiều. Thậm chí dùng cả đòn roi…” – chị Ngọc nói. Từ khi các con còn nhỏ tới lúc đi du học, gia đình chị Ngọc không có khái niệm xem ti vi. Chị đùa rằng, cả nhà 2 cái ti vi được “cất kĩ” trên tầng, “có khi nó hỏng rồi vì lâu không mở xem”.
Theo lời chị, khi con gái Thu An học cấp 3, cứ đi làm về là chị sờ vào ti vi, nếu ti vi nóng là chị lại truy: “mấy đứa lại xem ti vi à?”, rồi “giáo huấn”: Một ngày có 24 tiếng, ăn-ngủ mất 8-9 tiếng, đi lại 1 tiếng, học ở trường 5 tiếng, chưa kể đi học thêm – lại xem ti vi, xem phim thì thời gian đâu học bài.
Chị kể: “Ngày nào chị cũng sát sao bắt con học đàn, học bài, cho con đi học múa, học bơi, học làm MC… Nhưng con chỉ học đàn, còn múa và MC thì bỏ giữa chừng. Ngoài thời gian học, mình cũng rèn con rửa bát, lau nhà. Học lớp 2 đi học về cũng phải lau cầu thang, vào bếp nấu nướng…Thậm chí, có gì không phải chị lại bắt con “viết kiểm điểm và con xin hứa”…
Hỏi lý do mắng con, chị Ngọc lý giải: “yêu cho roi cho vọt”. Theo chị Ngọc, chị hướng con sống có chuẩn mực, biết ứng xử, hiếu nghĩa, yêu thương những người xung quanh, rồi mới nói đến chuyện học giỏi. Bởi “làm ông bà tiến sĩ giời gì mà sống không yêu thương, quý trọng những người xung quanh thì cũng không là gì”.
Năm lớp 11, Thu An là là 1 trong 5 học sinh được chọn tham gia chương trình Thủ lĩnh Đông Nam Á, được trải nghiệm 5 tuần ở Mỹ, qua nhiều bang như Hawaii, Washington, New York…. Thời điểm đó, An làm mất Chứng minh thư nhưng chị Ngọc đầy lạnh lùng: “tìm được Chứng minh thư thì đi, còn nếu không tìm thấy thì ở nhà”.
Theo chị Ngọc, làm vậy để con nhớ và rèn tính cẩn thận. Sau 5 tuần trải nghiệm ở Mỹ, đúng đợt bầu cử Tổng thống Mỹ (năm 2012) – An có định hướng rõ là dứt khoát phải đi du học.
Không đủ điều kiện kinh tế để lo cho con, lại đúng giai đoạn giá nhà đất ‘chững’ nên dự định bán nhà cho con đi học không thành, chị Ngọc nói: “Giờ nhà nghèo rồi. Con có được học bổng toàn phần thì đi, không thì thôi”.
Sự nghiêm khắc của mẹ đã được Thu An đưa vào bài luận xin học bổng của các trường ĐH Mỹ. Biệt danh “mẹ Hổ” cũng chính là do con gái Thu An đặt cho mẹ.
Con gái xuất sắc giành nhiều học bổng danh giá
Biết con làm hồ sơ xin học bổng, chị Ngọc thầm nghĩ ‘làm gì có chuyện được học bổng toàn phần’. Khi cô giáo của Thu An hỏi “Nhà chị khai đóng được bao nhiêu?”, chị Ngọc trả lời: “Nhà chị đóng 1.500 USD/ năm”.
“Cô giáo thốt lên: Chị cứ đùa vì Mỹ có phải làm giáo dục từ thiện đâu. Giáo dục của Mỹ là một ngành kinh doanh, làm sao cho nhiều thế. Và mình cũng chả động lòng vì chả thích cháu đi…” chị Ngọc nhớ lại.
Theo chị Ngọc, giai đoạn 18 tuổi chưa định hình hẳn về tính cách nên chị muốn sau ĐH con đi du học cũng được… Thế nhưng, điều mà chị không nghĩ đến đã thành hiện thực khi Thu An giành rất nhiều học bổng vào năm đó. Con được ĐH SOKA (Nhật) cấp học bổng, tặng laptop cho thí sinh đặc biệt, ĐH Amherst cấp học bổng 100% học phí cùng các phí sinh hoạt, tiền sách vở và tiêu vặt.
Thu An cũng nhận được học bổng từ những trường ĐH danh tiếng như ĐH Princeton, ĐH Chicago… Cuối cùng, An đã chọn theo học ĐH Amherst từ tháng 8/2014. Mức học bổng trường cấp cho An thời điểm đó lên tới hơn 5 tỷ đồng.
“Đến năm thứ 2, Thu An là SV nhỏ tuổi nhất được chọn để rời Mỹ sang Paris học cùng các SV lớn hơn và một số anh chị học thạc sĩ ngành Kiến trúc. Ở tuổi 20 (năm 2016) con đã được đi du ngoạn 14 nước châu Âu. Năm thứ 2 con đã kết thúc môn tiếng Trung của 4 năm. Sang năm thứ 3 con học thêm môn tiếng Nhật. GS người Nhật rất khen nên con được đi Nhật 5 tuần. Và lại được 1 chương trình khác 6 tuần đi đô thị các nước châu Á gồm Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…” – chị Ngọc kể đầy tự hào.
Trước khi tốt nghiệp đại học, Thi An lại tiếp tục tìm học bổng. Đến tháng 8/2018, cô gái này được nhận học bổng 30.000 USD sau đại học (ngành Kiến trúc) của ĐH Harvard.
Khi con gái bước chân ra thế giới, thì chị Ngọc mới “chính thức” khen: “Con giỏi lắm”. Theo chị, lúc này khen để giúp con tự tin hơn, nhưng Thu An nói “Con chả tin mẹ” (cười)
Theo Tinnhanh