Người ta được tôn trọng là ở sự tu dưỡng phẩm giá bên trong của mình
Bản lĩnh thực sự của một người không nằm ở chỗ kim tiền nhiều hay ít, dung mạo xấu hay đẹp mà là ở chỗ nhân phẩm. Nhân phẩm của một người chính là giấy thông hành có giá trị nhất.
Tài năng thì thế gian không thiếu, duy chỉ có đức hạnh, nhân phẩm mới là thứ quý giá, khó tìm. Một người muốn bước thật xa, lên thật cao thì ắt phải tu dưỡng nhân phẩm của mình trước, bởi nhân phẩm là thứ vô giá của mỗi người, là bước đệm vững chắc đưa con người đi khắp thế gian.
Mỗi người đều cần có nhân phẩm
Làm người như thế nào, nó không chỉ thể hiện trí tuệ mà còn thể hiện sự tu dưỡng của bản thân người đó. Bất kể một người có thông minh đến đâu, tài giỏi cỡ nào, điều kiện tốt ra sao, nhưng nếu không biết cách làm người thì cũng khó mà có chỗ đứng trong xã hội, công danh sự nghiệp, gia đình tất cả đều bị ảnh hưởng.
Khổng Tử từng nói: “Đức như nguồn nước, tài như con sóng”, hay như câu: “Phẩm chất là gốc cây, còn danh tiếng chỉ là bóng mát”. Chúng ta thường lại chỉ chú ý đến bóng mát của cây mà quên đi rằng gốc rễ mới là căn bản. Cổ nhân có câu: “Tử dục vi sự, tiên vi nhân thánh”, có thể tạm hiểu là người mà muốn làm việc lớn trước tiên cần phải tu tâm dưỡng tính, trau dồi nhân phẩm.
Nhân phẩm tốt chính là tài phú quý giá nhất của con người, nó có thể giúp một người có được thân phận và địa vị. Đứng trên một góc độ khác mà nói, người có nhân phẩm tốt nhất chính là người có học vị cao nhất, là phần thưởng cao quý mà mỗi người đều nên theo đuổi.
Nhân phẩm là thứ được quý trọng hơn cả tiền bạc, con người sống trên thế gian có thể không có học vấn tri thức cao, nhưng không thể không có nhân phẩm.
Tích lũy đạo đức
Một người có được cả đạo đức và trí huệ, luôn dung hòa được điều đó thì chính là cảnh giới cao nhất của trí huệ. Đức hạnh và tài năng mà tương xứng thì đúng là một người tài chân chính, người có phẩm chất càng cao, tâm hồn càng thiện lương thì thực lực càng mạnh.
Những người không đánh giá cao về bạn hãy cảm ơn họ, ít nhất họ cũng là những người giúp mình trưởng thành hơn, cuộc sống mỗi người là khác nhau. Nếu có thể làm được bất động tâm, thế thì, chính là đã chế ước được ngoại cảnh. Phật Thích Ca Mâu Ni từng giảng rằng: “Vạn vật thế gian đều do hình tướng biến hoá ra, tâm bất động, vạn vật sẽ bất động, tâm bất biến, vạn vật sẽ bất biến”.
Tập cho mình trưởng thành trước những bất đồng của người khác, có những việc không nhất thiết phải nói ra với bất cứ ai, tự mình hoàn thiện, tự mình viên dung.
Đứng trước tiền bạc và lợi nhuận hãy sáng suốt đưa ra những lựa chọn đúng đắn, thẳng thắn cư xử, không nên đánh mất nhân phẩm của mình. Bạn có thể cho đi nhưng đừng bỏ qua những nguyên tắc của bản thân, có thể bao dung, nhưng không đánh mất đạo đức của mình.
Luôn giữ tâm thái lạc quan
Đời người tựa như con thuyền trên sóng nước, không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, rất nhiều phiền não có thể ghé thăm bạn bất cứ lúc nào. Nhưng khi đối mặt với khó khăn, nếu bạn vẫn giữ được tâm hồn cởi mở, nụ cười lạc quan thì sẽ sớm vượt qua tất cả.
Khoa học hiện đại cũng chứng minh rằng, một người vui vẻ, lạc quan, rộng lượng, hào phóng sẽ có một tâm hồn thanh thản, cũng như một cuộc sống khỏe mạnh trường thọ. Còn những người hay cau có, oán trách thì tỷ lệ mắc bệnh tật rất cao và tuổi thọ cũng giảm sút.
Tôn trọng người khác cũng chính là tôn trọng bản thân mình, không cần lúc nào cũng phải tỏ ra mình là người mạnh mẽ, không nên phỉ báng hay ức hiếp người khác. Nhân phẩm không dễ mà có nên cũng đừng vì lẽ gì mà làm mất nó.
Khiêm nhường tu dưỡng
Truyền thống Á Đông tự ngàn xưa vốn trọng sự hàm dưỡng, tu luyện bản thân. Nho gia quan niệm “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, Đạo gia giảng về tu chân dưỡng tính còn Phật gia thuyết về đạo tu hành chính quả. Và quả thực, người ta được tôn trọng không phải vì bạc tiền, chức tước, công danh mà chính ở sự tu dưỡng, phẩm giá bên trong của mình.
Nước càng sâu càng tĩnh, người càng hiểu biết càng khiêm nhường. Kỳ thực, người tự cao tự đại, kiêu ngạo với người khác lại chính là người yếu đuối khôn cùng. Với những người có tâm hồn yếu nhược, thì kiêu ngạo, tự cao chính là để khỏa lấp chỗ trống trong lòng, họ sợ người khác coi thường. Ngược lại, khiêm nhường lại xuất phát từ sự tự tin của nội tâm, không màng hư danh, lợi ảo của người đời. Người chân chính có đại trí đại huệ, xưa nay vẫn luôn khiêm nhường, tôn kính vạn vật.
Theo Secretchina
Hằng Tâm