Nguồn gốc và ý nghĩa sâu xa của đôi đũa
Có những điều đơn giản nhưng hàm chứa thật nhiều ý nghĩa trong đó, đôi đũa mộc mạc đã xuất hiện trên mâm cơm người Việt không biết từ bao giờ và trở thành nét đẹp truyền thống trong ẩm thực Việt.
Đôi đũa là sản phẩm của văn hóa nông nghiệp phương Đông. Tuy nhiên, không phải tất cả các nước phương Đông đều sử dụng đũa. Nhiều nền văn hóa Đông phương dùng tay để ăn. Ngoài Việt Nam, một số nước khác cũng dùng đũa như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên… Đôi đũa mang tính linh hoạt cao. Nếu như ẩm thực phương Tây cần một bộ dao, dĩa, thìa thì chúng ta chỉ cần một đôi đũa mà vẫn đảm bảo thực hiện đủ các chức năng mà bộ dụng cụ ăn của phương Tây đảm nhận. Đũa có thể lấy thức ăn đưa lên miệng như dĩa, có thể “và” để đưa thức ăn có nước vào miệng như thìa và thực hiện chức năng của dao là xắn, xẻ.
1. Đũa xuất xứ từ đâu?
Có một giai thoại phổ biến rằng đũa được phát minh bởi vị hoàng đế Trung Hoa huyền thoại Hạ Vũ, trong thời gian nền văn minh bị đe dọa bởi lũ lụt. Quá bận rộn với công việc về cải tạo hệ thống đê điều và điều khiển dòng nước, Hạ Vũ không thể dành thời gian để gặp vợ và các con nên ông phải dùng bữa một mình.
Một lần, khi được nhân công đưa đến một hòn đảo, Hạ Vũ nhóm lửa và nấu một nồi thịt. Sốt sắng lấp đầy dạ dày của mình và trở lại với công việc đang diễn ra chứ không đợi cho nồi thịt nguội, ông đã bẻ vài cành nhỏ từ một nhánh cây và gắp thịt trực tiếp từ nồi nước đang sôi. Nhìn thấy điều kì thú này, nhân công bắt chước ông và thế là, đũa ra đời từ đó.
Đôi đũa được tìm thấy sớm nhất là một cặp kim loại trong triều đại nhà Thương (khoảng năm 1600-1046 trước Công nguyên), được khai quật tại địa điểm khảo cổ Ân Khư.
Ở các nước châu Á, dùng bữa với đũa dần dần trở nên phổ biến thay vì dùng dao. Người ta thường cắt thức ăn trước khi nấu vì các miếng nhỏ hơn có thể được nấu chín nhanh hơn. Khổng Tử là một triết gia sống vào thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên, ông được biết đến với câu nói: “Người đàn ông lịch thiệp không cho phép dao trên bàn của mình”.
2. Ý nghĩa sâu xa của đôi đũa
Đứng ở góc độ tự nhiên, đôi đũa là thể hiện của các yếu tố của triết học, đặc biệt là nhị phân âm dương. Hai chiếc đũa phải được sử dụng như một cặp, một cái giữ vững chắc trong khi cái kia di chuyển, để sử dụng. Điều này phản ánh sự hòa hợp của âm và dương như các yếu tố thụ động và hoạt động tương ứng tạo nên khái niệm về một tổng thể năng lượng.
Với đôi đũa có đầu tròn và vuông, nó tượng trưng cho trời và đất. Nguồn gốc của sự tượng trưng này bắt nguồn trong Bát quái, một bộ nguyên tắc được sử dụng để bói toán. Khi cầm đũa, các ngón tay, nằm ở giữa, tượng trưng cho nhân loại, được nuôi dưỡng bởi trời đất. Bởi vì chúng biểu thị sự kết hợp của trời và đất, đũa được xem là tốt lành và thường được đưa vào làm của hồi môn để chúc phúc cho cặp đôi mới cưới.
Đứng ở góc độ truyền thống, chiều dài tiêu chuẩn của một chiếc đũa được đo bằng 7 thốn Trung Quốc (1 thốn = 3,33 cm) và 6 phân (1 phân = 3,33 mm). 7 thốn điều này được cho là đại diện cho thất tình và lục dục được mô tả trong Phật giáo.
Khi cầm đũa đúng cách, các ngón tay tự nhiên đặt ba vị trí, với ngón tay cái và ngón trỏ trên đầu và ngón đeo nhẫn và ngón úp bên dưới. Ngón giữa nằm giữa hai chiếc đũa. Tất cả những điều này tượng trưng cho trời, đất, và con người.
Ngón đeo nhẫn và ngón úp, hỗ trợ với các ngón khác ở phía dưới đũa, đại diện cho Đạo của trái đất, hoặc sự hợp tác của những người sống trong cõi âm. Ngón trỏ và ngón cái biểu thị sự linh hoạt và ổn định, hoặc các luật lệ trên trời. Ngón giữa tượng trưng cho vị trí khó khăn nhưng vinh dự của vua, theo truyền thống được gọi là thiên tử, người phải đồng thời đáp ứng nhu cầu của người dân trong khi tuân theo đạo đức và luật pháp.
Người cổ đại tin rằng ở đôi đũa có tồn tại mối liên kết giữa trời đất và con người. Những niềm tin đó đã thâm nhập vào văn hoá và cuộc sống, từ các nghi lễ tôn giáo được tổ chức trong triều đình đến các phong tục dân gian truyền từ đời này sang đời khác trong dân chúng.
Ở Việt Nam đôi đũa quen thuộc tới mức, nó trở thành hình ảnh ẩn dụ cho nhiều vấn đề trong cuộc sống. Làm việc phải “ra đầu ra đũa”, “đến đầu đến đũa”, “đũa mốc mà chòi mâm son”. Đánh giá, nhìn nhận một con người, một hiện tượng phải bao quát chứ đừng “vơ đũa cả nắm”…
Trong bữa cơm người Việt Nam, những người nhỏ tuổi thường sắp đũa ra trước cho người lớn, trong các cuộc giao tiếp để thể hiện sự tôn trọng thì mọi người cũng thường lấy đũa ra để mời đối phương dùng bữa.
Cho tới khi sang thế giới bên kia, bát cơm đầy cắm đôi đũa như là lương thực của người thân chuẩn bị cho người đã khuất trên hành trình về suối vàng. Ở nhiều gia đình, trên ban thờ người ta dựng 5 đôi đũa như để chuẩn bị cho ông bà tổ tiên khi về với con cháu vào các ngày lễ lạt.
Có thể thấy, ở nhiều nơi trong cuộc sống, ta vẫn bắt gặp hình ảnh hay dấu ấn của đôi đũa trong đó. Nó càng chứng minh thêm vị trí của đôi đũa trong văn hóa người Việt nói chung và văn hóa ẩm thực nói riêng.
Thiên Hà biên tập
Nguồn: songdep