Nhị hồ: Tiên nhạc lạc chốn trần gian
“Trúc đưa lối khách Kê cầm; Hoa tươi chào đón ân cần người qua” Nhị hồ cũng được dân gian gọi là: đàn nhị, hồ cầm, kê cầm… là loại nhạc xuất hiện từ đời Đường – Tống, đến nay vẫn liên tiếp được ghi chép trong thư tịch văn hiến…
Theo tài liệu lịch sử ghi chép, vào thời nhà Đường đã xuất hiện cây đàn “Hề cầm” của bộ lạc Hề – một sắc tộc thiểu số miền Bắc Trung Quốc. Có lẽ đó là tiền thân của nhạc cụ giống như Hồ cầm hiện nay. Sách Nhạc Thư của Trần Dương đời Tống (năm 1101) có chép: “Hề cầm vốn là Hồ cầm, xuất phát từ cái bầu hình trống có cán dài và dây, hình dáng cũng tương tự, là thứ nhạc cụ mà bộ lạc Hề yêu thích. Giữa hai dây có miếng tre kéo, đến nay dân gian vẫn dùng như thế”.
Hề cầm cũng được gọi là “Kê cầm”. Loại nhạc cụ này từ đời Đường Tống đến nay liên tiếp được ghi chép trong thư tịch văn hiến. Ví như trong tác phẩm “Yến Vinh sơn nhân trì đình” của thi nhân đời Đường, Mạnh Hạo Nhiên có viết:
Trúc dẫn Kê cầm nhân,
Hoa yêu đới khách quá.
Dịch thơ:
Trúc đưa lối khách Kê cầm
Hoa tươi chào đón ân cần người qua.
Kê cầm đương thời không dùng vĩ kéo mà dùng miếng tre ma sát với dây đàn để diễn tấu.
Kê cầm vào đời Tống được dùng rộng rãi trong các hoạt động diễn tấu nhạc cụ dân gian và yến nhạc cung đình. Đương thời có câu chuyện như thế này. Trong một buổi yến nhạc, nhạc công Từ Diễn dùng Kê cầm diễn tấu một khúc nhạc, các tân khách vừa thưởng thức mỹ tửu vừa lắng nghe tiếng đàn. Đang lúc hứng thú lên cao thì bỗng nhiên cây đàn Kê cầm đứt một dây. Từ Diễn cũng không thay đàn, ông vẫn điềm nhiên như không tiếp tục diễn tấu, cây đàn vốn 2 dây giờ đây chỉ còn một dây. Các tân khách vô cùng tán thưởng trước sự phản ứng trầm tĩnh, cái khó ló cái khôn của Từ Diễn. Thế là từ đó dùng cách diễn tấu một dây này gọi là “Kê cầm một dây”.
Câu chuyện trên được ghi chép ở trong quyển “Mông khê bút đàm – Bổ bút đàm” rằng: “Cung Hi Ninh có tổ chức yến tiệc cung đình, cho vời người phường nhạc là Từ Diễn tấu Kê cầm. Vừa mới rót rượu thì một dây đàn đứt. Diễn không thay đàn, chỉ dùng một dây diễn tấu hết khúc nhạc. Từ đó bắt đầu có “phong cách chơi đàn Kê cầm một dây”.
Sách “Mộng khê bút đàm” của Thẩm Quát (1031-1095) đời Tống có thuật rằng:
Mã vĩ Hồ cầm tùy Hán xa
Khúc thanh do như oán Thiền Vu.
Loan cung mạc xạ vân trung nhạn,
Quy nhạn như kim bất ký xuất.
Dịch thơ:
Xe Hán Hồ cầm đuôi ngựa theo
Khúc oán Thiền Vu tiếng đàn reo
Trời mây nhạn lượn cung chớ bắn
Bóng nhạn trời Nam mãi đợi chờ.
Thế là Kê cầm bắt đầu được gọi là Hồ cầm.
Phần Lễ Nhạc Chí sách Nguyên Sử có miêu tả: “Hồ cầm giống như nhạc cụ Hỏa bất tư (một nhạc cụ người Mông Cổ xưa), cổ cuộn đầu rồng, hai dây, dùng vĩ (cung) kéo, dây vĩ (dây cung) làm bằng đuôi ngựa”.
Sách Macco Polo Du Ký cũng viết rằng, năm 1278 quân đội Mông Cổ bố trí xong đội ngũ chuẩn bị đánh trận, binh sĩ ca hát và tấu đàn Nhị huyền cầm.
Trong bức bích họa đời Nguyên trong hang đá thứ 10 ở Du Lâm, Cam Túc có vẽ hình một Phi Thiên tấu nhạc một nhạc cụ kéo dây. Nhạc cụ này cuộn cổ, hai dây, dùng vĩ (cung) kéo diễn tấu, rất tương tự như Hồ cầm hiện nay.
Từ đời Minh – Thanh trở đi, Hồ cầm đã truyền rộng khắp Bắc Nam. Cùng với sự phát triển ký khúc (nhạc kịch) các địa phương, Hồ cầm cũng đã trở thành nhạc cụ diễn tấu kèm trong âm nhạc hý khúc và khúc nghệ, và là nhạc cụ diễn tấu chủ yếu trong hợp tấu nhạc cụ ty trúc Giang Nam.
Nhị Hồ là tên gọi hiện đại. Xưa kia trong dân gian đa phần gọi là Hồ cầm hoặc Nam Hồ. Sau này tùy theo khu vực khác nhau mà phát triển ra các nhạc cụ loại Hồ cầm với các loại hình khác nhau như Bản Hồ, Kinh Hồ, Da Hồ, Tứ Hồ, Trụy Hồ, Ông Tử và Hồ Hồ…
Hoàng Mai (biên dịch)
Tác giả: Cổ Âm
Nguồn zhengjian.org