Những lời dạy quý giá của người xưa mang lại ích lợi không nhỏ cho bất kỳ ai đọc nó
“Người xưa nói” là một ‘tác phẩm’ kinh điển bất thành văn, là kinh nghiệm sống được truyền miệng qua nhiều đời, là trí tuệ xử thế lưu truyền từ thiên cổ, được kế thừa qua nhiều thế hệ, nó được đúc kết từ cuộc sống đời đời kiếp kiếp của tổ tiên.
Chúng ta thường nghe: “Không nghe lời người già, chịu thiệt ở trước mắt”. Người lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm và từng trải, nên đối với thế giới này họ cũng nhận thức sâu sắc và thấu tỏ hơn.
“Người xưa nói” mặc dù không dùng từ ngữ trau chuốt, hoa lệ, lời nói hùng hồn, nhưng được ví như những viên ngọc đã được mài giũa trong vỏ sò, trong biến đổi lớn lao của cuộc sống, nó phát tán ánh sáng chói lọi, rạng rỡ khắp nơi.
“Người xưa nói” trải qua nhiều năm tìm tòi, đó là triết lý cuộc sống có từ rất sớm, sớm đọc thì sớm được lợi. Dưới đây là những câu nói của người xưa, sẽ mang lại ích lợi không nhỏ cho bất kỳ ai đọc nó!
Trời không phụ người tốt
Từ xưa đến nay, thiện ác đều có báo, chỉ là đến sớm hay muộn mà thôi. Lòng dạ lương thiện nhất định có phúc báo, tâm địa gian ác sớm muộn sẽ gặp báo ứng, đạo trời xưa nay tuyệt đối công bình vậy.
Tâm thiện, tâm ác, một bên thì ở trên trời, một cái thì ở dưới đất. Tâm địa lương thiện, niệm đầu ngay chính ắt tự có trời giúp, đường lớn càng đi càng rộng; tâm địa xấu xa, niệm đầu gian ác ắt sẽ có báo ứng, con đường sinh mệnh càng đi càng hẹp.
Dĩ bất biến ứng vạn biến
Lấy cái bản chất, cái nguyên tắc không bao giờ thay đổi để ứng phó với cái vạn biến trong cuộc đời. Hàng nghìn năm trước, Khổng Tử đã nói: “Cỏ chi lan mọc ở rừng sâu, không vì không có người biết đến mà không thơm. Quân tử tu Đạo lập Đức, không vì khốn cùng mà thay đổi tiết tháo”.
Người quân tử dù rơi vào bất kể cảnh huống nào cũng đều giữ được khí chất và cái tâm vững như bàn thạch của mình. Ấy âu cũng là cái đạo lý “Dĩ bất biến ứng vạn biến” của cổ nhân. Khi tâm bất động thì mọi sự bên ngoài đều không thể chạm đến mình. Người ta sẽ không còn phải vui, buồn, hờn, giận, oán, ghét trong những thứ cảm xúc bị ngoại vật dẫn động.
Đứng ngoài nhìn thì dễ, nhưng khi làm thì khó
Ở đời mọi việc đứng ngoài nhìn thì dễ, nhưng khi làm thì khó. Ngược lại, có việc chưa làm thì thấy khó nhưng khi bắt tay làm thì thuận lợi. Điều này khắc phục cả hai loại tư tưởng tiêu cực: Hoặc là, chủ quan đơn giản, không học hỏi nghiên cứu thấu đáo mọi việc để làm; Hoặc là, ngại ngần không dám làm bất cứ điều gì.
Biết thì bảo là biết, không biết thì bảo là không biết – Đó chính là người có hiểu biết! Có cái lo thì lo trước thiên hạ. Có điều vui sướng, hạnh phúc thì hưởng sau thiên hạ.
Nhà nghèo mới biết con có hiếu. Khi nước có biến loạn, thì mới biết ai là người trung thành với Tổ quốc, với chế độ.
Vẽ hổ chỉ vẽ được bề ngoài, khó vẽ được bộ xương (kết cấu bên trong) của nó. Biết người chỉ biết được bề ngoài của họ, khó biết trong lòng (tâm địa, bản chất) họ thế nào.
Tiên trách kỷ, hậu trách nhân
Có điều gì không tốt xảy ra, thì trước hết phải tự trách mình; Sau đó mới trách người khác. Con người chẳng ra gì, nếu có thái độ coi khinh người khác; Ngược lại, con người cũng chẳng ra gì nếu trong lòng, trong cốt cách của họ không có sự khinh miệt, lên án những cái xấu ở đời. Người không biết xấu hổ là người không ra gì.
Người không học thì không biết tri thức, lý luận. Khi còn trẻ không học thì lớn lên chẳng làm được gì, dù là việc nhỏ. Người xưa dạy: “Nhân bất học bất tri lý/Ngọc bất trác bất thành khí”. Nghĩa là: Người không học không biết gì. Ngọc không mài cũng không sáng, không thành thành của quí được.
Nước tuy trong nhưng chưa chắc đã sạch nếu nước đó chảy từ trong làng ra. Gặp người cùng quê cũ, tưởng là thân nhưng chưa chắc đã thân, vì nhân cách, trí tuệ, nhu cầu thẩm mỹ…khác nhau.
Ngọc bất trác bất thành khí/ Nhân bất học bất tri lý
Dù có nguyên liệu tốt vẫn phải bỏ công sức mài rũa mới thành phẩm vật quý, con người cũng vậy cần không ngừng học hỏi rèn luyện thì mới mong trưởng thành, trở thành người có trí huệ, có sự sáng suốt, mới tiếp cận được chân lý.
Kiên trì, nhẫn nại, nhẫn nhục trong một thời điểm nhất định, thì mọi khó khăn sẽ qua đi. Lùi một bước, thì trước mặt mình là trời biển mênh mông. Tóm lại, ở đời, con người có sự kiên trì nhẫn nại – thậm chí chịu thua thiệt – trong một thời gian, không gian, sự việc, hoàn cảnh nào đó, thì rồi sẽ vượt qua mọi thử thách gian nan, giành thắng lợi về sau.
Gia An sưu tầm