Nơi nào có Thiện niệm nghiệp chướng được hóa giải
Khi một niệm Thiện xuất ra có thể trước mắt không nhìn thấy, nhưng đã có phúc báo ở tương lai rồi; còn hiện tại có thể còn thống khổ bởi vì nghiệp chướng cần được hóa giải, cần phải có thời gian hóa giải nghiệp lực đó đi, có câu “Qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai” chính là ý nghĩa đó.
Phật Thích Ca có một người em họ thông minh vào loại bậc nhất của gia thế, Đề-bà-đạt-đa từng được ca ngợi và hy vọng sẽ trở thành một trong những đệ tử xuất sắc kế thừa Đức Phật. Tuy nhiên, sự ganh ghét đố kỵ với chính người anh họ của mình từ khi còn rất nhỏ đã khiến Đề-bà-đạt-đa từng bước dấn sâu vào con đường tội lỗi.
Đề-bà-đạt-đa sau khi được vua A-xà-thế trọng dụng, anh ta bắt đầu tuyển chọn 16 sát thủ giỏi nhất từ trong cung để tiến hành kế hoạch ám sát đức Phật. Đề-bà-đạt-đa chia 16 sát thủ ra làm 8 cặp, cặp đầu tiên có võ công kém nhất, cặp thứ hai giỏi hơn cặp thứ nhất, cặp thứ ba giỏi hơn cặp thứ hai, cứ như thế đến cặp thứ tám có võ công cao nhất.
Đề-bà-đạt-đa vạch ra kế hoạch rất tỉ mỉ, đầu tiên sai hai sát thủ cặp thứ nhất tiếp cận đức Phật và ra tay hạ sát Ngài, rồi dặn hai sát thủ chạy ra phía cánh rừng sẽ có người đón đi ẩn trốn. Rồi Đề-bà-đạt-đa sai cặp sát thủ thứ hai nấp ở cánh rừng sẽ thủ tiêu cặp sát thủ thứ nhất; sau đó cặp sát thủ thứ ba sẽ chặn đường để thủ tiêu cặp sát thủ thứ hai.
Cứ sắp xếp như vậy từ chỗ đức Phật giảng pháp đến kinh thành thì cặp sát thủ phía sau sẽ thủ tiêu cặp sát thủ phía trước, đến cặp sát thủ thứ tám sau khi thủ tiêu xong cặp sát thủ thứ bảy thì được hẹn đi vào kinh thành lấy tiền thưởng. Đề-bà-đạt-đa lại sắp xếp để một bình rượu độc tại nơi hẹn lấy tiền thưởng, nếu hai sát thủ này không uống rượu độc thì Đề-bà-đạt-đa sẽ hô quân lính đến bắt và thủ tiêu luôn cặp sát thủ thứ 8 này, sau đó sẽ công bố đó là hai sát thủ làm hại đức Phật.
Một âm mưu được cho là hoàn mỹ mà không thể lộ ra được kẻ chủ mưu bắt đầu được tiến hành. Cặp sát thủ thứ nhất được cải trang thành người dân đến nghe đức Phật giảng pháp. Khi hai sát thủ ngồi nghe đức Phật giảng pháp trong tâm liền khởi lên thiện niệm, minh bạch được thiện ác, họ đã được đức Phật giáo hóa. Cả hai liền vứt bỏ vũ khí, quỳ xuống xin đức Phật tha tội. Thế là kế hoạch tưởng như hoàn mỹ của Đề-bà-đạt-đa đã sụp đổ hoàn toàn.
Thiện niệm khởi lên, cặp sát thủ thứ nhất không chỉ cứu được bản thân họ, mà còn cứu được 7 cặp sát thủ còn lại và cứu được cả Đề-bà-đạt-đa. Bởi vì con người trong vô minh mà dám sát hại Phật thì hậu quả không thể tưởng tượng được, có thể trong vô lượng kiếp đau khổ mà hoàn trả tội nghiệp. Hai sát thủ chỉ vừa thức tỉnh lương tri, buông đao theo Thiện vậy mà đã tích được đại Đức rồi.
Người xưa nói “cứu một mạng người hơn xây tháp 7 tầng” mà ở đây là cứu hơn mười người thoát khỏi sự thủ tiêu và tránh cho họ được tội sát sinh, vậy là tích được công đức rất lớn. Không có ghi chép về sau họ ra sao, nhưng có thể dự đoán được phần còn lại của cuộc đời và đời sau của hai người này sẽ có phúc phận lớn.
Theo ghi chép trong Phật giáo, nhiều năm sau Đề-bà Đạt-đa sống trong bệnh tật và đau ốm liên miên, phải nằm một chỗ, không thể đi lại được. Đến khi thấy bản thân không thể chịu đựng thêm được nữa, liền sai người hầu đưa đến gặp đức Phật. Trước mặt đức Phật Thích Ca, Đề-bà Đạt-đa gắng hết phần sức còn lại của mình để nói một câu: “Đệ tử quy y Phật” rồi tắt thở, kết thúc cuộc đời của một đệ tử tài năng nhưng lầm lạc.
Ở trong kinh điển Phật giáo nguyên thủy, Đề-bà-đạt-đa là kẻ đã phạm vào trọng tội, đủ cả năm tội lớn (Ngũ nghịch: 1. Giết cha; 2. Giết mẹ; 3. Giết một vị La Hán; 4. Làm thân đức Phật chảy máu; 5. Chia rẽ tăng đoàn), phản bội Phật giáo, một nhân vật phản diện tuyệt đối. Do quả báo của ác nghiệp, Đề-bà-đạt-đa sau khi chết bị tái sinh vào địa ngục A Tỳ, chịu khổ hình rất lâu dài. Nhưng trước khi chết, Đề-bà-đạt-đa đã nói lời sám hối với Phật Thích Ca, và Phật Thích Ca đã tiên tri rằng sau 100.000 đại kiếp trái đất nữa, Đề-bà-đạt-đa sẽ trở thành một vị Phật Độc Giác.
Còn trong Diệu Pháp Liên Hoa kinh của Phật giáo Bắc Tông thì ghi rằng Đề-bà-đạt-đa cũng từng được các vị Phật quá khứ thụ ký cho, tương lai sẽ thành Phật. Theo kinh này thì thật ra Đề-bà-đạt-đa đến đóng vai nhân vật phản diện, để cho chúng sinh hiểu được toàn bộ quả báo đọa vào địa ngục do gây ra năm tội nghịch lớn. Theo Đại Phương Tiện Phật Báo Ân kinh thuyết rằng mỗi vị Phật quá khứ đều có một nhân vật chống lại họ giống như Đề-bà-đạt-đa.
Cho dù là do bản thân sa ngã mà tạo ra năm tội nghịch lớn hay do an bài của quá khứ mà đóng vai phản diện, thì sau khi chịu thống khổ do bị quả báo mà khởi lên Thiện niệm muốn “quy y theo Phật” từ đó Đề-bà-đạt-đa vẫn có một tương lai tốt đẹp, tu thành Phật. Tất nhiên trước khi tu thành Phật thì vẫn phải hoàn trả tất cả tội lỗi đã gây ra.
Con người quý ở chỗ có Thiện, trong kinh sách giảng rằng, khi con người không còn Thiện nữa thì toàn thân chỉ còn lại nghiệp lực khi đó mới chết thật sự, tất cả đều sẽ bị hình thần toàn diệt không còn có sự chuyển sinh hay luân hồi nữa. Khi một niệm Thiện xuất ra có thể trước mắt không nhìn thấy, nhưng đã có phúc báo ở tương lai rồi; còn hiện tại có thể còn thống khổ bởi vì nghiệp chướng cần được hóa giải, cần phải có thời gian hóa giải nghiệp lực đó đi, có câu “Qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai” chính là ý nghĩa đó.
Biên tập Thông Lộ
Tham khảo nguồn vi.wikipedia.org