Nước mạnh mẽ bởi luôn vô kỷ, vị tha, làm lợi cho tất cả
Trong vạn vật, có lẽ không có gì mềm bằng nước, và cũng không có gì thắng được nước. Chính vì mềm, nên nước không hề bị suy giảm hay thương tổn, và luôn là chính nó trong mọi biến dịch. Nước mạnh mẽ bởi luôn ở trong tình trạng sẵn sàng để tùy thời mà xoay chuyển, tùy nơi mà uốn nắn. Dù nước rất mềm, nhưng lại có khi rất mạnh mẽ để xoay trở thiên nhiên.
Sống ở đời, những người yếu nhược thường rất dễ bị kích động, tức giận bừng bừng, còn người mạnh mẽ lại mang tâm tính hòa ái, tĩnh lặng như nước. Người khó giữ được sự bình tĩnh, nội tâm luôn cảm thấy bất bình, gặp chút chuyện nhỏ liền thấy nó to như trời, như biển.
Nội tâm không đủ mạnh mẽ, chính là chỉ những người dễ dàng bị ảnh hưởng bên ngoài tác động, rất chú ý đến cái nhìn của người khác, luôn sống vì ánh mắt và miệng lưỡi người đời. Dần dần người đó sẽ mất đi năng lực tự chủ phán đoán, tâm thái luôn bất an, không vững vàng.
Vậy, làm thế nào để có thể tôi luyện bản thân thành một người mạnh mẽ, tâm tĩnh như mặt hồ phẳng lặng?
Tự tin thuận theo tự nhiên và có kỷ luật
Lão Tử cho rằng nước được coi như hình ảnh đặc thù để chuyển tải một triết lý sống và cũng chính là một nghệ thuật sống lý tưởng. Ông cho thấy đường lối sống Đạo tự nhiên như nước chảy xuôi: ở thì chuộng chỗ thấp, ân tình thì chuộng thâm sâu, xử sự chuộng lòng nhân, nói thì chuộng chân thật, cai trị thì làm cho cuộc sống an bình, làm việc thì hợp với tài năng, hành động thì hợp thời đúng lúc.
Đức tính của nước là làm lợi cho tất cả thiên hạ mà không tranh công đoạt lợi, gặp chỗ thiếu thì chảy vào, chỗ thừa thì chảy ra, trên đời làm mưa, dưới đất thành sông lạch: “Thượng thiện nhược thủy. Thủy thiện lợi vạn vật nhi bất tranh”.
Người tự tin làm gì cũng luôn mang theo năng lượng tích cực, tâm thái luôn mạnh mẽ. Đó là người luôn rèn giũa, trau dồi cho bản thân, tin tưởng vào bản thân. Trái lại, người không tự tin, tâm lý thường yếu ớt, dễ bị tác động bởi ngoại cảnh mà lung lay tín tâm lẫn lập trường.
Người tự tin và người yếu nhược vốn dĩ khác nhau cũng ở kỷ luật bản thân. Người có kỷ luật tốt sẽ biết cách kiểm soát tốt bản thân. Điều này cũng làm nên sự khác biệt giữa người thành công và người thất bại. Kỷ luật sẽ dẫn tới thành công, khi thành công cũng sẽ tăng trưởng thêm niềm tin vào bản thân và hiểu rằng chỉ cần nỗ lực và kỷ luật sẽ đạt kết quả tốt..
Biết đứng dậy sau thất bại
Đời người chưa một lần trải qua thất bại thì không hoàn mỹ. Thất bại trong sự nghiệp, tuyệt vọng trong tình cảm… người chưa từng trải qua bất kỳ sự vấp ngã nào không có nghĩa là người đó không mạnh mẽ, nhưng người đó sẽ mãi mãi không thể hiểu được sự kiên cường chân chính là gì, hiểu được tầm quan trọng của việc học cách đứng dậy sau khi vấp ngã.
Người mạnh mẽ không phải là người có thể “chinh phục” được những ngọn núi cao bao nhiêu, mà là người có thể “chịu đựng” được áp lực cùng khó khăn khi leo núi rồi trượt ngã thế nào. Có những chuyện phải chịu vấp ngã thì mới ngộ được ra đạo lý. Tuyệt vọng không đáng sợ, mất đi tự tin cùng dũng khí mới là điều đáng sợ hơn cả.
Thất bại một lần thì lý giải cuộc sống sâu một tầng. Sai lầm một lần thì lĩnh ngộ cuộc sống tăng thêm một bậc. Bất hạnh một lần thì nhận thức đối với thế gian trưởng thành thêm một cấp.
Năng lực phán đoán độc lập
Chúng ta thường coi khả năng giao tiếp là một loại năng lực mà quên mất độc lập cũng là một kiểu năng lực khác, hơn nữa theo một khía cạnh nào đó, nó dường như còn quan trọng hơn rất nhiều.
Trưởng thành không chỉ là chỉ thân thể sinh lý cao lớn bao nhiêu mà còn là tâm thái mạnh mẽ, khả năng thích ứng cao bấy nhiêu. Người trưởng thành có thể tìm được nhiệt tâm của của bản thân, đồng thời bồi dưỡng nên khả năng độc lập cùng năng lực phán đoán, tự tin. Người độc lập trong cuộc sống là người có thể thản nhiên học cách đối mặt với khốn cảnh mà không sợ hãi.
Có một tín ngưỡng, niềm tin
Trí tuệ và chân lý có khoảng cách xa xôi hệt như Trời và đất. Trong cuộc sống, ta luôn mang rất nhiều câu hỏi, về nhân sinh, về con người, về vạn sự vạn vật, luôn muốn tìm được chân lý trong cuộc sống. Chân lý ấy còn vượt ra khỏi bất kể học thuật luân lý nào, nó còn to hơn, rộng hơn và cũng thâm sâu hơn bất kể thứ gì trên đời này.
Hiểu được chân lý, có thể tăng cường trí tuệ để đối đãi, nhìn nhận sự việc của con người, học được cách bao dung trước lỗi lầm người khác, học cách đối mặt với mọi rắc rối, phức tạp giữa người với người, cho ta thêm sự kiên định cùng tín niệm bôn ba trong hành trình cuộc đời, cũng lại cấp cho ta nhiều sức mạnh hơn nữa để có thể vượt ra khỏi mọi bi kịch thế gian.
Ưu điểm của nước là tính vô kỷ, vị tha, làm lợi cho tất cả
Cuộc đời này chúng ta gặp gỡ bao nhiêu người, mỗi người bước qua cuộc đời bạn đều là nhân duyên, có thể chỉ là một lời chào, một vài câu nói bông đùa, đều là có duyên mà đến. Vậy nên, xin hãy học cách bao dung, nếu họ làm sai, làm ta đau lòng, đừng vội phủ nhận họ, cho họ thêm cơ hội cũng là cho bản thân thêm cơ hội mở rộng lòng mình.
Người mạnh mẽ là là người mang tâm thái khoáng đạt, thản đãng mà sống. Vượt qua khó khăn liền bồi dưỡng thêm năng lực giải quyết vấn đề, trau dồi trí tuệ, bước ra khỏi bóng tối liền có hy vọng, đây chính là thứ làm nên một người mạnh mẽ, tâm tĩnh như nước vậy.
Ở chương 76, Lão Tử nói: “Người ta sinh ra thì mềm mại, uyển chuyển như hài nhi, chết thì mới cứng đơ, bất động. Cây cỏ sống chết cũng như vậy. Nên cái cứng là chết, cái mềm là sống”. Vì thế, đưa tới cung cách ứng xử: “Cường đại xử hạ, nhu nhược xử thượng” : cư xử mạnh bạo là hạng dưới, mềm dịu là hạng trên. Thực tế cho ta thấy thái độ khắt khe, cứng cỏi là tiêu biểu những tâm hồn cằn cỗi, thấp kém. Uyển chuyển, khéo léo, dịu dàng mới tiêu biểu những tâm hồn cao thượng.
Bản chất của nước là như thế, không câu nệ vào một hình thức, không cứng nhắc vào một khuôn khổ, nhờ vậy mà có khả năng ứng biến trong mọi tình trạng. Nguyên lý ấy đã từng được đưa vào trong binh lược của Khổng Minh và các tướng lãnh tài giỏi thời xưa, cũng như trong môn võ thuật của nhiều tổ sư, đồng thời làm nên một triết lý sống trong các chuyện kiếm hiệp của nhiều tác giả…
Từ Thanh