Ông tổ nghề mộc Lỗ Ban giáo dục con như thế nào?
Lỗ Ban là một bậc thầy về nghề thủ công, xây dựng. Những phát minh, kỹ thuật của ông đã được lưu truyền qua hàng nghìn năm. Có rất nhiều câu chuyện về ông được lưu truyền. Thợ mộc, thợ xây, thợ nề, các nhà chế tạo công nghệ xây dựng và nội thất đều rất kính trọng và suy tôn Lỗ Ban như là ông tổ của nghề.
Lỗ Ban sinh vào cuối thời Xuân Thu (507 TCN). Theo nghiên cứu của các chuyên gia, Lỗ Ban trẻ tuổi hơn Khổng Tử và lớn tuổi hơn Mặc Tử. Có thể tìm thấy thông tin về ông trong các cuốn sách cổ như “Kinh Lễ”, “Chiến Quốc Sách”, “Mặc Tử”, “Mạnh Tử”…
Những kỹ thuật chế tạo từ gỗ của ông là tuyệt vời, thông minh, khéo léo và được ghi rõ trong sử sách. Tương truyền, một hôm khi leo núi ông bị một chiếc lá lởm chởm cứa vào làm đứt tay, đây là nguồn cảm hứng cho ông phát minh ra chiếc cưa. Các sách cổ có ghi chép rằng ông từng chế tạo ra con chim bằng gỗ có thể bay được trên bầu trời một thời gian dài mà không bị rơi, chế tạo ra ngựa gỗ có thể tự đi bộ trên mặt đất, người gỗ bất tử,…
Theo mô tả, thời xưa người ta xây dựng một bức tường cao và vững chắc để ngăn chặn sự xâm lược của kẻ thù ngoại bang. Lỗ Ban đã chế tạo ra thang phá thành trong chiến tranh và chín dụng cụ sử dụng trong chiến tranh. Ông cũng làm ra bản đồ đo vẽ địa hình 3 chiều được các hoàng đế Trung Quốc đánh giá cao trong lịch sử.
Sau này, Lỗ Ban được Mặc Tử thuyết phục, từ đó về sau ông không chế tạo những công cụ phục vụ chiến tranh nữa. Ông chuyển sang chế tạo rất nhiều công cụ lao động, sản xuất như máy khoan, máy xay đá, thước đo,… nhiều vật dụng còn được lưu truyền đến ngày nay, trong đó có thước Lỗ Ban. Lỗ Ban đã mang lại những lợi ích to lớn cho người dân, nhận được sự kính trọng của mọi người.
Khoảng 40 tuổi, Lỗ Ban ở ẩn trên núi Lịch Sơn và tu luyện. Tương truyền, nơi đây ông đã gặp một vị Thần. Vị Thần đã dạy cho ông các phương pháp tu luyện. Sau đó, Lỗ Ban đã đi khắp nơi trên thế giới. Khi ông 70 tuổi, ông đã bay lên giữa bạch nhật. Cái rìu và cưa của ông để lại trên Bạch Dương Nham.
Lỗ Ban có một cậu con trai thông minh, lanh lợi. Khi ở tuổi thiếu niên, cậu đã có suy nghĩ muốn học các kỹ năng để phát triển bản thân mình. Lỗ Ban không hề áp đặt suy nghĩ của mình lên con trai, và cũng không bắt ép con trai phải kế nghiệp mình sau này.
Ông hỏi con trai: “Con cảm thấy con muốn học kỹ năng về cái gì?”. Con trai ông trả lời rằng cậu ấy muốn làm nông nghiệp. Ông vui vẻ đồng ý và cho con đi học nông nghiệp. Tuy nhiên chỉ được khoảng 1 năm, cậu con trai đã bỏ về.
Khi được hỏi lý do tại sao, cậu trả lời làm ruộng vất vả, khó khăn nên cậu không muốn làm. Lỗ Ban nghe vậy, suy nghĩ một lúc, không nói gì thêm về vấn đề đó nữa, ông hỏi con: “Nếu con không muốn làm nông, con còn muốn học gì nữa không?”. Cậu con trai suy nghĩ một chút rồi trả lời: “Con muốn học về ngành dệt”.
Tuy nhiên, sau khi tiếp tục cố gắng, nhưng cũng chỉ được 1 năm, cậu lại bỏ dở giữa chừng, cậu không thể học được gì và lại trở về nhà. Lý do cũng vì nghề dệt khó khăn, vất vả.
Lần thứ ba cậu bé nói rằng cậu muốn làm thợ mộc giống như cha. Lỗ Ban đã cho con trai đi theo người đệ tử đầu tiên của mình học để cách sử dụng rìu trong 3 năm. Nhưng một năm sau, thói hư tật xấu của con trai ông lại xuất hiện, cậu bỏ việc và trở về nhà.
Lần này, Lỗ Ban không bỏ qua nữa, ông hỏi cậu con trai: “Tại sao con lại quay trở về?”. Cậu nói: “Thầy dạy nghề quá khó tính, công việc quá vất vả, thầy dạy nghề ác như quỷ, con không chịu nổi nữa”.
Lỗ Ban nén giận và để con trai giải thích cặn kẽ sự việc. Cậu con trai tỏ ra hối tiếc than phiền với ông: “Thầy dạy nghề cho con khi hướng dẫn cách sử dụng rìu, ông chỉ chọn những cây gỗ có nhiều đốt và khó chặt. Ông không chỉ yêu cầu cắt liên tục mà còn phải chặt sao cho bề mặt chặt phải nhẵn và kích thước phải đồng đều. Con phải làm từ sáng đến khuya. Ngày mưa gió cũng không được nghỉ ngơi. Yêu cầu rèn luyện đến mức cán rìu thì hõm lại, lưỡi rìu phải sáng bóng lên. Nó đã làm cho đôi tay con bị phồng rộp và dập nát. Đây có phải là điều mà con người có thể chịu đựng được không?”.
Sau khi nghe câu chuyện của con trai mình, Lỗ Ban nghiêm giọng nói: “Nếu không khắc nghiệt, nếu không đau đớn, nếu không ma luyện nhân tâm, con sẽ không thể có được những kỹ năng tuyệt vời. Con không muốn làm nông nghiệp, không muốn làm dệt vải, công việc làm mộc con cũng không thích. Con có thể sống tiếp mà không ăn cơm, không mặc quần áo, không cần nhà để ở?”.
Nói xong, ông lấy hộp rìu mình đã sử dụng ra cho con trai xem, từng chiếc từng chiếc, chiếc nào cũng tay cầm bị hõm vào và lưỡi thì bóng loáng. Lỗ Ban trầm ngâm nói với con trai: “Cha đã phải rèn luyện đến hết một hộp rìu này, con còn chưa dùng xong 1 chiếc vậy mà con đã muốn bỏ cuộc”. Cậu con trai cảm thấy xấu hổ và im lặng. So với cha, cậu cảm thấy chênh vênh một trời một vực.
Sau đó, cậu quay trở lại với người thầy dạy nghề. Lần này, cậu quyết tâm chịu đựng mọi đau đớn, cực khổ và mệt mỏi. Cuối cùng cậu cũng đã học được kỹ năng làm mộc tinh xảo, khéo léo.
Lỗ Ban coi trọng đạo lý và tôn trọng lễ nghĩa trong giáo dục con cái, đồng thời ông cũng dạy dỗ con cái một cách kiên nhẫn và đúng lúc. Khi cần phải nghiêm khắc, một chút ông cũng không nuông chiều.
Không chỉ nuôi dạy con cái, trong cuộc đời của mình, ông đã sáng tạo ra nhiều công cụ kỳ diệu và dạy nhiều học trò. Theo suốt thời gian, những thợ thủ công đã kế thừa lại những lời dạy của Lỗ Ban. Vào lúc sơ khai của việc đào tạo những người tập sự, ông chủ trương rằng việc quan trọng nhất không phải là làm sao để học cách sử dụng các công cụ, thay vào đó, học những tiêu chuẩn đạo đức để cư xử đúng đắn, học cách đối xử tốt với người khác và nghiêm khắc với bản thân. Hơn nữa, một người nên học cách tập trung, học cách tu luyện lý trí của mình, để hài hòa trí của người đó với tâm của họ. Những yêu cầu cho tâm và trí sẽ giúp một người đạt được tư tưởng trong sạch và tinh khiết. Với một tư tưởng như thế, khi một người làm một dự án, anh ta có thể quên chính mình và tập trung vào công việc, hợp nhất công việc với Đạo. Dưới những nguyên lý chỉ đạo này, qua thời gian đã xuất hiện nhiều thợ thủ công nổi tiếng.
Ví dụ, một thợ thủ công sống trong thế kỷ thứ 2 trước công nguyên là học trò của Lỗ Ban. Ông ta đã sáng lập ra nghề lát gạch và phát minh công cụ cho việc lát gạch và dạy lại cho người dân. Ông được gọi một cách kính trọng là “Bậc Thánh Liên Hoa”, hay là “Bậc Thánh Đường Kẻ”. Theo một thần thoại, Bậc Thánh Liên Hoa chuyển sinh từ một vị Thần. Lúc đầu, ông dạy người ta làm cách làm ngói lợp nhà. Sau đó, càng nhiều người đến học ông. Hơn nữa, về những kỹ năng vượt qua khỏi mức bình thường, họ đề nghị ông nhận họ làm học trò một cách chính thức. Bậc Thánh Liên Hoa nói “Nếu chư vị muốn nhận tôi làm thầy thì hãy theo tôi”. Sau đó ông nhảy vào lò nung gạch và bay đi như một vị Thần bất tử. Sau đó, người ta mới nhận ra rằng ông là một vị Thần. Vì những lời dạy của Bậc Thánh Liên Hoa, trong lịch sử Trung Quốc, triều đại Tần và triều đại Hán đã rất nổi tiếng về gạch và ngói của họ.
Các hoàng đế suốt các triều đại văn minh Trung Quốc đã ban tặng nhiều danh hiệu cho Lỗ Ban. Ví dụ như, trong triều đại nhà Minh, hơn mười nghìn người đã xây Long Phủ Bắc Kinh, một dự án khổng lồ chỉ có thể được hoàn thành dưới những lời chỉ dẫn của Lỗ Ban. Người dân thời ấy đã xây một đền thờ tưởng nhớ Lỗ Ban. Những ghi khắc trên bia trong đền có ghi rằng “Lỗ Ban Quan”. Hoàng đế thời đó đề tặng câu “quý nhân phò [trợ] quốc.”
Nguồn: chanhkien.org
MH biên tập