Quy tắc đầu tư 50-30-20 và bí mật của thành công
Đầu tư sẽ sinh ra lợi nhuận nhưng đầu tư bao nhiêu trong khoản thu nhập cá nhân thì không phải ai cũng biết. Quy tắc 50- 30-20 được nhiều người lựa chọn để phân chia các khoản chi tiêu và đầu tư hợp lý.
Quy tắc đầu tư 50 – 30 – 20 phơi bày bí mật của thành công
Đầu tư là một động thái kiếm tiền quan trọng giúp bạn có thể đạt được tất cả các mục tiêu tài chính của mình. Bạn nên tích cực trong các hoạt động đầu tư. Tuy nhiên, cần cân nhắc lượng quỹ đầu tư của mình để giảm thiểu tối đa những rủi ro có thể gặp phải.
Để tìm ra số tiền tối đa trong kế hoạch đầu tư tài chính của mình, bạn cần lập kế hoạch cụ thể. Hầu hết ngân sách của bạn thường được dành để trang trải các chi phí cơ bản như nhà ở, phương tiện đi lại, thực phẩm. Một phần khác được chi tiêu theo ý muốn như sở thích đi ăn, xem phim, mua sắm…
Bên cạnh đó, một số ngân sách cần được duy trì để đảm bảo cho các mục tiêu trong tương lai chẳng hạn như quỹ khẩn cấp, đi nghỉ dưỡng dài ngày, mua nhà và nghỉ hưu vào một ngày nào đó. Và đó chính là lý do mà bạn cần đầu tư!
Quy tắc đầu tư thích hợp
Chỉ bạn mới có thể xác định con số thực sự cho mình bởi mỗi người sẽ có nhu cầu và quan điểm tiêu dùng khác nhau. Một mô hình lập ngân sách mà nhiều chuyên gia khuyên dùng là quy tắc 50-30-20. Theo đó:
50% ngân sách của bạn dành cho nhu cầu thiết yếu hàng ngày;
30% cho những mong muốn, sở thích;
20% dành để tiết kiệm và đầu tư cho các nhu cầu và mục tiêu trong tương lai;
Trong số 20% cuối cùng đó, bạn có thể đầu tư các lĩnh vực mà bạn cho là tiềm năng. Không nên quá kỳ vọng về mặt lợi nhuận trong ít nhất một vài năm đầu. Khung thời gian đó cho phép bạn chấp nhận rủi ro thua lỗ ngắn hạn và vượt qua nó để thu được lợi nhuận trong dài hạn.
Nếu lương tháng 10 triệu đồng/tháng thì 2 triệu đồng là số tiền mà bạn nên cố gắng dành ra để đầu tư. Đó là số tiền tối đa và cân nhắc dựa trên nhu cầu của bạn.
Công thức này không phải phù hợp với tất cả mọi người. Đặc biệt là khi bạn mới bắt đầu, mức thu nhập đầu vào của bạn có thể chỉ đủ trang trải các nhu cầu cần thiết. Song đừng quá lo lắng, chỉ cần cố gắng tiết kiệm từng chút một, cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết để có thể bắt đầu kế hoạch của mình.
Bao nhiêu là phù hợp?
Đầu tiên, bạn phải sắp xếp các ưu tiên của mình theo thứ tự. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu, hãy xác định mục tiêu và tự quyết định điều gì là quan trọng đối với bạn.
Có thể việc thanh toán các khoản nợ là ưu tiên hàng đầu. Trong trường hợp đó, bạn cần lập kế hoạch trả nợ, trước tiên phải giải quyết các khoản nợ lãi suất cao trước.
Đối với các khoản vay lãi suất thấp bạn có thể linh hoạt hơn bằng cách vừa tiếp tục trả khoản nợ đó đồng thời với việc đầu tư số tiền của mình. Như vậy, việc trả nợ sẽ nhanh chóng hơn nhờ số tiền được đầu tư sinh lãi.
Thông thường chúng ta sẽ dành 20% cho quỹ ngân sách để phòng các trường hợp rủi ro, sự cố như đau ốm, tai nạn, xe hỏng… Quỹ này lý tưởng sẽ là đủ để trang trải các chi phí từ 3 đến 6 tháng (ví dụ bạn mất việc hoặc không kiếm ra tiền trong khoản thời gian đó). Trong khi luôn duy trì khoản an toàn này, bạn có thể trích một khoảng nhỏ trong đó để đầu tư cho tương lai. Ngay cả khi đó chỉ là 50.000 hay 100.000 đồng cho 1 tháng.
Hãy đầu tư dù chỉ là một con số nhỏ
Cho dù chỉ đầu tư với số tiền nhỏ nhưng chúng thực sự có sức mạnh. Theo thời gian, số tiền ít ỏi bạn có thể kiếm được trong tài khoản đầu tư có thể phát triển thành một khoản tiền ấn tượng.
Hãy dành 20% trong ngân sách hay có thể ít hơn 10%, thậm chí là 5% theo nhu cầu của bạn. Bạn cứ hãy thực hiện để đạt được mức lợi nhuận gia tăng theo từng năm.
Hãy tích cực gia tăng số tiền đầu tư của mình. Việc đầu tư hợp lý sẽ giúp bạn có được nguồn lợi đáng kể theo thời gian.
Nguồn: DNTT
Vũ Nam tổng hợp.