Sốt là biểu hiện “cuộc chiến giữa thiện và ác” trong cơ thể
Chúng ta sinh sống trong sự hòa hợp giữa tự nhiên và vạn vật, có mặt thuận lợi là thức ăn lấy từ tự nhiên nên không khan hiếm, nhưng cũng có mặt không tốt là có thể bị tự nhiên làm tổn thương, bị vi sinh vật (vi khuẩn,virus …) xâm nhập gây hại. Cũng có các nhân tố môi trường (phong, hàn, thử, thấp, táo , hỏa) can nhiễu.
May mắn thay, cơ thể chúng ta vốn có khả năng chống lại các bệnh tà ngoại lai, Tây y gọi đó là hệ miễn dịch, Trung y gọi đó là chính khí. Khi bệnh tà xâm nhập, giữa chính khí và tà khí sẽ xảy ra “đại chiến chính tà”. Cuối cùng bên nào sẽ chiến thắng, là chính khí hay bệnh tà? Điều này có liên quan đến nội tâm và sinh tử tồn vong của người đó.
1. Bệnh là gì?
Nghiên cứu của y học hiện đại đã phát hiện rằng, môi trường mà chúng ta đang sinh sống có rất nhiều vi sinh vật, bao gồm virus, vi khuẩn, nấm,… Có những vi sinh vật là vô hại đối với cơ thể, nhưng cũng có một số khác sau khi xâm nhập sẽ gây bệnh, thậm chí đe dọa tới tính mạng.
Cuốn “Hoàng đế nội kinh” của Trung y thời cổ đại nói: “Trăm bệnh sinh ra, đều bởi Phong (gió), Hàn (lạnh), Thử (nắng), Thấp (độ ẩm), Táo (độ khô), Hỏa (nhiệt) biến hóa”. Phong, Hàn, Thử, Thấp, Táo, Hỏa được gọi chung là “lục dâm” ngoại cảm, là 6 loại tà bệnh từ bên ngoài dẫn tới. Bất kể có hàng nghìn ại bệnh tà xâm nhập, bao gồm cả các loại vi khuẩn, virus,…, Trung y đều quy nó về 6 loại trên.
2. Con đường của mầm bệnh
Mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể người từ đâu? “Hoàng đế nội kinh” viết: “Trăm bệnh khi mới phát sinh, trước phạm vào bì mao”. Bì mao là phần ngoài cùng của cơ thể gồm da, lông, tuyến mồ hôi, mũi miệng, niệu đạo, giang môn, là nơi tà khí bên ngoài bắt đầu xâm nhập vào cơ thể.
“Hoàng đế nội kinh” còn nói, tà bệnh sau khi xâm nhập vào cơ thể người, tấu lý (tổ chức dưới da nơi da và thịt giao nhau) sẽ mở ra. Sau khi tấu lý mở ra, bệnh tà sẽ cư trú trong lạc mạch, nếu lưu lại lạc mạch mà không đi, nó sẽ truyền vào kinh mạch, nếu như lưu lại trong kinh mạch không đi sẽ xâm phạm tạng phủ, có thể dẫn đến tử vong. (Bì mao → lạc mạch → kinh mạch → tạng phủ).
Ví dụ virus cúm, nhất là virus cúm A vốn có độc tính rất mạnh. Chúng xâm nhập vào đường hô hấp qua mũi miệng, nếu virus xâm nhập vào phổi sẽ gây viêm phổi, phù phổi; nếu virus xâm nhập vào tim sẽ gây viêm cơ tim, suy tim. Virus xâm nhập vào não sẽ gây viêm não khiến người bệnh rơi vào hôn mê. Đây đều là do virus xâm nhập vào các cơ quan nội tạng, gây ra những biến chứng nặng, tỷ lệ tử vong khá cao. Do đó cảm lạnh nhẹ cũng có thể tử vong, không thể xem nhẹ.
3. Chiến tranh giữa thiện và ác
Trung y gọi bệnh tà xâm nhập là tà khí, và phần cơ thể con người chống lại tà khí được gọi là chính khí. Tại sao bệnh tà lại có thể xâm nhập cơ thể? Nguyên nhân chính là bởi hệ thống phòng vệ của cơ thể có vấn đề, tức là chính khí chịu trách nhiệm phòng vệ quá yếu nhược, không đủ để chống lại tà khí. Do đó “Hoàng đế nội kinh” nói: “Tà chi sở tấu, kỳ khí tất hư. Chính khí nội tồn, tà bất khả can”. Nếu chính khí của cơ thể rất mạnh thì bệnh tà không thể xâm nhập. Do đó, bệnh tà có thể xâm nhập vào người hay không, có liên quan tới việc chính khí của cơ thể mạnh hay yếu.
Khi bệnh tà xâm nhập vào cơ thể, cuộc chiến giữa chính và tà lập tức nổ ra. Cuộc đấu tranh giữa chính khí và tà khí cũng đồng dạng như chiến tranh, cả hai bên dùng toàn lực, không hề khoan nhượng, chính là một trận chiến sinh tử.
Cuộc chiến chính tà này có 2 điều thể hiện thắng bại, đó là ra mồ hôi và sốt. Theo “Hoàng đế nội kinh”, ra mồ hôi là hiện tượng chính khí và tà khí giao chiến tại xương cốt, cơ nhục. Nếu sau khi đổ mồ hôi mà hạ sốt, có thể ăn được, thì nghĩa là chính khí thắng, tà khí bại. Còn nếu sau khi đổ mồ hôi mà sốt vẫn không dứt đó là tà khí thắng, chính khí bại. Nếu bệnh nhân xuất hiện nói sảng, thần chí bất tỉnh, không thể ăn, uông được thì chắc chắn tổn hại sức khỏe và tuổi thọ.
4. Nguyên tắc điều trị bệnh theo quan điểm y học cổ truyền
Phù chính khứ tà
Sự đấu tranh giữa chính khí và tà khí đóng vai trò quan trọng đối với sự phát sinh bệnh tật. Phù trợ chính khí và khứ trừ tà khí là nguyên tắc trọng yếu trong điều trị bệnh.
Phù chính: là sử dụng các phương pháp dùng thuốc hoặc không dùng thuốc, nhằm nâng cao chính khí, tăng cường thể chất, nâng cao sức chiến đấu của cơ thể với bệnh tật để đạt tới việc cơ thể tự diệt trừ tà khí và khôi phục sức khỏe.
Khứ tà: là sử dụng các phương pháp dùng thuốc hoặc không dùng thuốc để trừ đi nguyên nhân gây bệnh làm nhiễu loạn cơ thể, đạt được mục đích bảo hộ chính khí, khôi phục sức khỏe.
Điều hòa khí huyết
Điều hòa khí huyết là căn cứ vào thay đổi bệnh lý của khí huyết, áp dụng mối quan hệ tương hỗ của khí huyết, vận dụng nguyên tắc “hữu dư tả chi, bất túc bổ chi”, làm cho khí cơ thông lợi, khí huyết điều hòa.
Khí không có huyết không hòa, huyết không có khí không vận hành, khí và huyết là một âm một dương quan hệ tương hỗ mật thiết với nhau về mặt sinh lý, bệnh lý. Cho nên trong điều trị phải nhằm vào điều chỉnh mối quan hệ của khí huyết, làm cho khí huyết khôi phục trạng thái bình thường.
Điều chỉnh tạng phủ
Y học cổ truyền xem xét cơ thể là một khối chỉnh thể hữu cơ, mối quan hệ giữa các tạng phủ là tương hỗ hiệp điều, trong sinh lý cũng như bệnh lý. Một tạng bị bệnh có thể ảnh hưởng đến tạng khác và ngược lại. Vì vậy điều chỉnh tạng phủ trong khi điều trị bệnh lý của tạng phủ cần phải cân nhắc những rối loạn về khí huyết âm dương của tạng phủ, đồng thời phải chú ý đến mối quan hệ giữa các tạng phủ, để khôi phục lại trạng thái cân bằng.
Điều nhiếp tinh thần
Điều nhiếp tinh thần tức là thầy thuốc vận dụng các phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc giúp bệnh nhân điều chỉnh trạng thái tinh thần, khôi phục sức khỏe.
Hoạt động tình chí với ý trạng thái sinh lý hay bệnh lý của cơ thể có mối quan hệ mật thiết với nhau. Yếu tố tình chí không chỉ là nguyên nhân phát sinh bệnh mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển và biến đổi của bệnh, cũng như ảnh hưởng rất lớn đến kết quả điều trị. Điều nhiếp tinh thần vừa là phương pháp phòng bệnh vừa là phương pháp chữa bệnh.
Yếu tố môi trường và con người
Con người sống trong môi trường tự nhiên, chịu ảnh hưởng của khí trong trời đất, khí hậu của bốn mùa. Sự vận động của âm – dương trong giới tự nhiên với sinh lý và bệnh lý của con người có mối quan hệ mật thiết. Sự khác nhau về thể chất của mỗi người cũng ảnh hưởng đến phát sinh, phát triển và biến hóa của bệnh tật. Vì vậy khi điều trị phải xem xét đến yếu tố âm – dương của trời đất, thay đổi của hoàn cảnh tự nhiên, sự khác nhau về thể chất của từng cá thể để đề ra phương pháp điều trị thích hợp cho từng cá thể.
Thiên Hà biên tập
Nguồn: ntdtv