Tể tướng Điền Tắc dâng vàng biếu mẹ, vì sao bà nói “con trai bất hiếu”?
Nước Tề thời Chiến quốc, dân giàu nước mạnh, được các chư hầu liệt vào một trong những nước lớn có quốc lực mạnh ở Trung Quốc thời đó. Thời Tề Tuyên Vương chấp chính, ông đã phong Điền Tắc làm tể tướng, thi hành nền chính trị thanh minh, quan lại liêm khiết. Mọi người đều cho rằng hết thảy những vinh hiển này là nhờ phương pháp dạy con của mẹ Điền Tắc.
Một ngày, Điền Tắc ngồi trên xe về nhà. Giống như mọi ngày, việc đầu tiên của ông là tới cao đường vấn an mẹ. Mẹ của Điền Tắc vốn là người giỏi việc quan sát lời nói và vẻ mặt của người khác. Bà luôn có thể từ biểu hiện và ngữ khí của con mà nhìn ra được tình hình một ngày làm việc nơi triều chính của con mình.
Điền Tắc dâng vàng biếu mẹ
Sau khi Điền Tắc thăm hỏi mẹ, trên mặt ông biểu lộ dáng vẻ vui mừng, rồi thuận từ tay áo lấy ra hàng trăm dật vàng. Hai tay dâng lên, ông nói: “Số vàng này con xin dâng tặng lên mẹ”. Điền mẫu thân trông thấy vàng nhiều như vậy, bỗng nhiên sinh lòng hoài nghi. Vẻ mặt bình tĩnh hỏi: “Con mới làm tể tướng được ba năm, bổng lộc chưa bao giờ nhiều thế này. Đây là quân vương khen thưởng sao? Hay là các quan hối lộ vậy?”
Điền Tắc im lặng không dám lên tiếng. Điền mẫu thân thấy vậy trong lòng đã biết được đến bảy tám phần, liền nghiêm túc hỏi: “Con vì sao lại không trả lời vậy?”
Nguồn gốc của số vàng biếu mẹ là gì?
Điền Tắc vốn là tướng của nước Tề, mặc dù ở cung đình, không ai dám phạm đến uy nghiêm của ông; nhưng khi ở nhà lại luôn sợ những lời răn dạy nghiêm khắc của mẹ. Ông trước giờ cũng không dám lừa dối mẹ nên đã thành thật nói với mẹ về nguồn gốc của số vàng ấy.
Nguyên lai là do một vị quan chức vì không làm tròn trách nghiệm, hy vọng Điền Tắc ở trước mặt Tề Vương nói đỡ vài lời, cầu xin được bỏ qua, cho nên đã lén lút đưa số tiền vàng này cho ông. Điền Tắc lúc đó khăng khăng cự tuyệt. Nhưng vị quan này cứ mãi không buông, còn nói đó là để hiếu kính với mẹ Điền Tắc. Điền Tắc là một người con hiếu thảo, cuối cùng bất đắc dĩ cũng đành nhận.
Lời dạy của mẹ tể tướng Điền Tắc làm cảm động lòng người
Điền mẫu nghe xong, nghiêm mặt nói: “Con trai nghe này, con nhận hối lộ của cấp dưới, đó là bất thành bất nghĩa, bất trung bất hiếu! Ta nghe nói rằng kẻ sĩ nghiêm khắc tu sửa bản thân, giữ mình trong sạch, không nhận của cải tùy tiện; chính trực thẳng thắn, không làm việc giả dối. Việc bất nghĩa không chứa trong tâm, của cải bất nhân không nhận vào nhà. Lời nói và việc làm như một, nội tâm thế nào biểu hiện ra ngoài sẽ như thế.
Con nhận hối lộ, vì để cho người ta thoát khỏi bị trách tội; nhưng lại làm hại đến quốc pháp. Đây là hành vi không trung thực cũng là đánh mất đi lễ nghĩa! Ngày nay quân vương để con làm tướng quốc nước Tề, hưởng thụ bổng lộc hậu hĩnh. Nhưng mà ngôn hành của con có thể báo đáp sự tin tưởng và ân tình của quân vương không?
Làm trọng thần của đất nước, ở đâu làm gì cũng cần phải làm gương cho các quan khác. Việc của quân vương như việc của cha, cần phải tận tâm hết khả năng; trung tín không lừa dối; coi việc trung thành đến chết là nghĩa vụ bản thân; chấp hành mệnh lệnh của quân vương và pháp luật quốc gia; cần phải công chính liêm khiết, như thế sẽ không có tai họa nào xảy đến. Nhưng mà hiện tại con rời quá xa trung nghĩa rồi.
Bất trung, bất nghĩa, chính là bất hiếu
Làm thần tử mà bất trung, chẳng khác nào làm một đứa con bất hiếu. Lấy danh nghĩa mẹ mà nhận của cải bất nghĩa của người, thực tế là làm việc bất nghĩa mà hãm hại đến người thân. Cho nên con vừa không phải bậc trung thần, vừa không phải một đứa con có hiếu! Đứa con bất hiếu này không phải con của ta, lập tức hãy ra khỏi cái nhà này!”
Nói xong, Điền mẫu thân tay vịn quải trượng, tức giận trở về phòng cũng không ngoảnh đầu nhìn lại.
Điền Tắc nằm rạp xuống đất, khuôn mặt đầy vẻ xấu hổ, mồ hôi lạnh chảy ròng ròng, chỉ ước có thể chui đầu xuống đất. Đợi sau khi mẫu thân rời khỏi sảnh đường, ông lập tức sai người đánh xe đem vàng trả lại cho cấp dưới, mãi đến tối mới về. Hôm sau, Điền Tắc lên triều, diện kiến Tề Tuyên Vương và khẩn cầu xin được trị tội, bãi miễn và cách chức bản thân mình.
Có hiền mẫu thì tất có lương quan
Tuyên Vương sau khi phái người dò hỏi, biết được đầu đuôi sự việc. Ông đã tấm tắc tán thưởng khí phách và mẫu đức của Điền mẫu không thôi. Ông đích thân đến phủ thăm hỏi Điền mẫu. Hầu cận đi theo cũng từ tận đáy lòng kính nể đối với bà.
Tuyên Vương nói với quần thần rằng: “Có hiền mẫu thì tất có lương quan! Mẫu thân của tướng quốc hiền đức như vậy, ta không còn phải lo lại trị (tác phong và uy tín của quan lại) của nước Tề ta không trong sạch”. Ông đứng trước mặt Điền mẫu, biểu dương phẩm đức quang minh lỗi lạc biết hối cải nhận tội của Điền Tắc; nên đã đặc xá cho tội lỗi của Điền Tắc, khôi phục tướng vị; cũng tự mình ban tặng vàng cùng vải vóc cho Điền mẫu, để biểu thị tấm lòng tôn kính với Điền mẫu.
Từ đó về sau, Điền Tắc càng thêm chú ý tu thân bảo trì sự trong sạch, vì thế mà trở thành vị tướng quốc rất có thành tựu thời kỳ Chiến Quốc.
Lan Hòa biên tập
Nguồn: Chánh Kiến net