Thành công nào cũng có bóng dáng một người Thầy
Một Thầy tuyệt vời cũng chính là một nghệ sĩ tuyệt vời, và trên thế giới chỉ có số ít những người như vậy. Dạy học và vun trồng ước mơ cho học sinh là nghệ thuật vĩ đại nhất, vì đó là sự kết hợp giữa lý trí và tinh thần. Một người thầy giỏi giống như ngọn nến – nó đốt cháy chính mình để soi sáng đường cho những người khác.
Usinxki từng nói: “Nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ câu chuyện châm ngôn đạo đức, bất kỳ một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác”
Câu chuyện về người Thầy và những tờ tiền:
Cuối cùng nó cũng đậu đại học. Người đầu tiên nó muốn thông báo tin quan trọng ấy không phải là ba hay mẹ nó mà là người thầy kính yêu của nó…
Nhà nó nghèo, lại đông anh em, quê nó cũng nghèo nên từ lâu chẳng có mấy ai dám nghĩ đến chuyện cho con vào đại học. Ba mẹ nó cũng vậy, phần vì quá nghèo, phần là vì nghĩ đến điều kiện của con mình “làm sao mà chọi với người ta”!…
Thầy là người duy nhất ủng hộ nó, cho nó niềm tin rằng “mình có thể”. Vui mừng chẳng được bao lâu, bao nhiêu lo lắng tràn về vây lấy nó… Năm năm trời, hàng trăm thứ tiền như bầy ong vo ve trong đầu nó.
Rồi Thầy đến mang cho nó một lô sách, vở mà nó đoán là những bài học “nhân – lễ – nghĩa” của Thầy, dúi vào tay nó một gói nhỏ mà thầy bảo là “bí kíp” rồi dặn chỉ lúc nào khó khăn nhất mới được mở ra. Nó đã không “cảnh giác” thừa.
Gói “bí kíp”mà lúc nhận từ tay thầy nó đã ngờ ngợ là một xấp những tờ tiền 10.000đ bọc trong hai lớp nilon cũ kỹ, những tờ tiền được vuốt phẳng phiu phần nhiều đã nhàu nát mà nó tin rằng thầy đã để dành từ lâu lắm! 900.000đồng, nó cứ mân mê những đồng 10.000 đã cũ mà thèm một góc không có ai để khóc.
Đã hai năm kể từ cái ngày Thầy lặn lội lên Sài Gòn thăm nó, dúi vào tay nó những đồng 10.000 nhọc nhằn rồi lại vội vã trở về. Sau đó thầy chuyển công tác. Hai năm, thỉnh thoảng nó vẫn nhận được những đồng 10.000 của Thầy. Lạ thay, lại vào những lúc tưởng chừng như nó bế tắc nhất!… Hai năm, nó vẫn chưa một lần về thăm Thầy.
Trưa, mới đi học về, mẹ điện lên báo: “Thầy H. mất rồi!”. Nó chỉ lắp bắp hỏi được ba chữ: “Sao Thầy mất?”, rồi sụp xuống khi mẹ cũng nghèn nghẹn ở đầu dây bên kia: “Thầy bệnh lâu rồi mà không ai biết. Ngày đưa thầy vào viện, bác sĩ chụp hình mới biết thầy đã hư hết lục phủ ngũ tạng rồi, chưa ai kịp đi thăm thì thầy đã…”.
Nó bỏ hết mọi sự leo lên xe đò. Trong cái nóng ban trưa hầm hập với cơn say xe mệt mỏi, nó thấy Thầy hiền hậu đến bên nó, dúi vào đôi tay nóng hổi của nó những tờ 10.000 đồng lấp lánh… Đến bây giờ nó mới để ý thấy Thầy đã xanh xao lắm, bàn tay tài hoa khéo léo ngày xưa đã gân guốc lên nhiều lắm… Nó chợt tỉnh, nước mắt lại lăn dài trên má, trái tim nó gào lên nức nở: “Thầy ơi… sao không đợi con về…!?”.
Vì nó cứ đinh ninh: nếu đổi những đồng 10.000 kia thành thuốc, Thầy sẽ sống cho đến khi nó kịp trở về…
Những tờ tiền 10 ngàn đồng mà Thầy đã dúi vào tay nó với lời dặn: “khi nào thật cần mới được mở ra”. Nó đã thực hiện đúng như thế, nó nâng niu trân trọng như một báu vật vô giá bởi trong đó là tình yêu thương Thầy dành cho nó,trong đó là niềm tin, sự động viên, sự san sẻ, sự hy vọng… rất nhiều những tình cảm thiêng liêng nhất mà Thầy muốn trao cho nó, nó biết điều đó và nó giữ gìn như một kho báu để nó hết mình học hành thành người có ích để đáp đền công ơn Thầy.
Thế nhưng, nghiệt ngã thay, nó chưa kịp nói một lời nào với Thầy khi nó vừa cầm trong tay tấm bằng tốt nghiệp đại học và người đầu tiên mà nó muốn tới tận nơi để cảm ơn đó là người Thầy mà nó hằng tôn thờ. Nó đã muộn mất rồi! Thầy đã ra đi!
Nó cảm thấy day dứt đau đớn như vừa đánh mất cái gì lớn lao nhất. Bao nhiêu ấp ủ để chờ cái ngày nó tự hào đến bên Thầy để nói rằng: Con đã xứng đáng niềm mong mỏi của Thầy! Nhưng Thầy đã không thể đợi…
Mỗi ngày đều đang qua đi rất nhanh, chúng ta không thể biết ngày mai điều gì sẽ tới. Hãy kính trọng và biết ơn những người Thầy của mình! Họ là những con người âm thầm gieo mầm tương lai. Họ không chỉ cho ta cái chữ, cái nghĩa, niềm tin và cho ta cuộc đời, mà còn là đốm lửa đã nhen nhóm lên trong tâm hồn mỗi chúng ta trong tương lai. Thầy giống như những bậc thềm đá để chúng ta bước từng bước tiến lên phía trước.
Đừng bao giờ quên ơn một người Thầy!
Tri Ân sưu tầm