Thất bại sau 3 cuộc hôn nhân, nhưng bà mẹ đơn thân nổi tiếng nuôi các con trở thành tỷ phú
Trải qua 3 cuộc hôn nhân, Sara Imas tự cho mình là người vợ thất bại, nhưng bà đã trở thành một người mẹ thành đạt, một mình nuôi dạy hai con trai của tỷ phú ngành công nghiệp kim cương, còn cô con gái út cũng đang theo học tại một trường đại học danh tiếng và sắp trở thành một nhà ngoại giao xuất sắc.
Bà mẹ đơn thân nổi tiếng nuôi các con trở thành tỷ phú
Là tác giả của cuốn sách “Vô cùng hà khắc, vô cùng yêu thương”, bà Sara Imas được mệnh danh là một trong những người mẹ thành công nhất trong việc nuôi dạy con cái.
Bà Sara từng trải qua những cuộc hôn nhân không mấy suôn sẻ. Sau ba lần ly hôn, người mẹ Do Thái này quyết định một mình nuôi dạy ba đứa con nên người.
Bà từng chia sẻ rằng “Tôi là một người vợ thất bại, nhưng tôi sẽ không để cuộc hôn nhân không hạnh phúc của mình làm ảnh hưởng đến sự trưởng thành của các con. Tôi muốn trở thành một người mẹ thành công”.
Và thực tế đã chứng minh điều đó, hai người con trai lớn của bà hiện đã trở thành tỷ phú trong ngành công nghiệp kim cương, còn cô con gái út cũng tốt nghiệp trường đại học danh tiếng và tương lai rộng mở phía trước.
Không phải ngẫu nhiên mà cả ba người con của người phụ nữ đơn thân lại trở nên tài năng và xuất chúng như vậy.
Theo bà Sara, có được trái ngọt này đều là nhờ phương pháp dạy con hà khắc của người Do Thái và những bài học về tình yêu thương cần phải đặt đúng chỗ mà bà tự rút ra trong suốt hành trình một mình nuôi dạy con cái của mình.
Hãy cùng đến với những câu chuyện đời thường của bà Sara đối với ba người con dưới đây để tìm hiểu về những phương pháp dạy con đặc biệt này.
1. Con cái không phải khách đến chơi, việc nhà hãy cùng nhau làm
Bà Sara là con lai (bố là người Do Thái, mẹ là người Trung Quốc) nên bà và các con từng có thời gian định cư khá dài ở Thượng Hải. Đến năm 1992, bà mới quyết định đưa các con trở về quê nội Israel sinh sống, tại đây bà mưu sinh bằng nghề bán nem.
Thời gian đầu khi mới quay lại Israel, hàng ngày sau khi đưa các con đi học tiếng Do Thái, bà lại cặm cụi làm nem mang đi bán, sau đó tự mình chuẩn bị bữa tối và đón các con về. Tất cả mọi việc trong nhà đều là do một tay bà Sara gánh vác.
Một hôm, có người hàng xóm Do Thái đến nhà bà Sara chơi, khi chứng kiến cảnh vất vả này của bà, người đó đã nói rằng “Con cái không phải là khách đến chơi, vậy nên việc nhà hãy cùng làm”.
Sau khi nghe câu nói này bà Sara như bừng tỉnh, bấy lâu nay bà bị ảnh hưởng bởi cách dạy con của người Trung Quốc khi luôn nuông chiều và nghĩ con mình còn bé bỏng, việc quan trọng nhất là việc học chứ không nhất thiết làm việc nhà.
Trong khi đó, người Do Thái lại dạy con hoàn toàn khác, ngay từ khi còn nhỏ họ đã dạy con việc bản thân phải có trách nhiệm với gia đình của chính mình.
Ngoài ra cha mẹ người Do Thái sẵn sàng chi những khoản tiền nhỏ, như một sự khích lệ nếu con cái hoàn thành được việc nhà. Bằng cách này bố mẹ không chỉ nâng cao được trách nhiệm của con cái với gia đình mà còn giúp con hiểu được giá trị của sức lao động.
Sau khi nhận ra phương pháp này, bà Sara chủ động chia từng phần việc nhà vừa sức với mỗi đứa con và yêu cầu chúng có trách nhiệm phải hoàn thành. Việc nhà là việc của chung tất cả các thành viên trong gia đình chứ không phải của riêng bất cứ ai.
2. Đặt niềm tin vào con và khuyến khích phát huy hết khả năng của chúng
Sau khi yêu cầu các con làm việc nhà, bà Sara tiếp tục giao nhiệm vụ bán nem cho ba đứa trẻ.
Mới đầu bọn trẻ rất lo lắng và e ngại việc này, tuy nhiên bà Sara ngỏ ý sẽ trả phần thưởng xứng đáng nếu bọn trẻ có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Thời gian đầu, việc bán nem rất khó khăn và gần như chúng không bán được, nhưng bà vẫn rất kiên nhẫn, đồng thời động viên và luôn thể hiện sự tin tưởng tuyệt đối vào các con.
Quả nhiên một thời gian sau, bà phát hiện ra con gái út thành công trong việc “bán lẻ” nem cho các bạn cùng lớp ăn vặt, cậu con trai thứ hai thì thành người “phân phối độc quyền nem Thượng Hải” cho căng tin của trường.
Đặc biệt nhất là cậu con trai cả, vì từng sinh sống thời gian lâu tại Thượng Hải nên cậu biết rất nhiều phương cách kinh doanh của người Trung Quốc.
Chính vì vậy, cậu thường tổ chức những buổi kể chuyện “đưa bạn đi tham quan Trung Quốc”, ai muốn nghe phải mua vé, sau khi vào cửa, người đến nghe kể chuyện sẽ được thưởng thức món nem Thượng Hải hoàn toàn miễn phí.
Sau khi các con hoàn thành nhiệm vụ, bà Sara trả những phần tiền tương xứng cho công sức bỏ ra của ba đứa trẻ.
Thông qua câu chuyện này, chúng ta có thể thấy rằng việc tin tưởng và khích lệ con trẻ phát huy hết khả năng chính là nền tảng đầu tiên khiến chúng có sự tự tin.
Ba đứa con của bà Sara ban đầu tỏ ra rụt rè, nhưng bà luôn tin tưởng và kiên nhẫn chờ đợi. Trong quá trình tìm cách để bán nem này, cả ba đứa trẻ đều tự mình rèn luyện được khả năng giao tiếp, sự tự tin và khả năng tư duy.
Ngoài ra việc tự mình “vất vả” kiếm được tiền giúp cho ba đứa trẻ hiểu được giá trị thật sự của lao động, và đồng tiền không dễ mà có được.
3. Vững chắc đi phía sau trẻ thay vì cầm tay dắt chúng đi
Bà Sara Imas chia sẻ rằng, nếu thật sự yêu con, bố mẹ hãy vững chắc đi đằng sau đứa trẻ, thay vì đi trước hoặc dắt tay chúng đi, bố mẹ càng bao bọc che chở chúng, chúng càng dễ phát triển tính cách nhút nhát hoặc co rúm thụ động khi gặp thử thách.
Trước đó hồi mới đến Israel, Sara thực sự là một “bà mẹ quản gia”, bởi luôn thích lo toan mọi việc cho con cái. Tuy nhiên, không mất nhiều thời gian để bà Sara phát hiện ra rằng các bậc cha mẹ Israel hầu như không làm gì nhiều cho con cái của họ, và bọn trẻ đã chuẩn bị tinh thần cho mọi hoạt động ngoại khóa của chúng.
Một lần, cậu con trai út có kế hoạch đi cắm trại và Sara yêu cầu cậu tự chuẩn bị hành lý. Sau khi cắm trại, Sarah hỏi con trai rằng, chuyến đi chơi lần này có vui không? Cuối cùng, cậu con trai nhỏ nói rằng rất hài lòng về chuyến đi này. Điều không vui duy nhất là cậu bé đã quên mang dao và phải mượn chúng mỗi khi cần.
Sara không quan tâm đến điều đó, nhưng cũng kể từ đó về sau, cậu bé không bao giờ quên những dụng cụ cần thiết trong mỗi hoạt động ngoại khóa của mình. Công tác chuẩn bị của cậu trước mỗi hoạt động được thực hiện rất kỹ lưỡng và thậm chí còn tốt hơn cả sự mong đợi của bà.
Cuối cùng, bà Sara tin rằng chỉ khi cha mẹ không làm quá phận, mọi thứ để tự nhiên thì con cái mới có thể trưởng thành và trở nên tốt hơn, khi cha mẹ biết lùi một bước nhỏ thì con cái sẽ tiến những bước dài.
4. Mỗi sai lầm đều mang theo một bài học quý giá
Một câu chuyện khác là cậu con trai thứ hai của bà Sara từ lâu đã muốn mua một chiếc xe đạp, vì vậy cậu bé đã rất chăm chỉ bán nem để tích góp cho đủ tiền.
Lúc này có một người bạn chủ động giúp cậu liên hệ với người chủ bán xe, và báo cho cậu giá chiếc xe là 150 shekel. Sau khi đưa 150 đồng cho người bạn, cậu con trai của bà Sara mới phát hiện ra rằng chiếc xe đạp đó vốn chỉ có giá 100 đồng shekel mà thôi.
Điều đó đồng nghĩa với việc người bạn kia đã lấy không của cậu tận 50 đồng, bằng tận nửa giá trị chiếc xe. Sau khi biết điều này cậu bé vô cùng tức giận, về nhà cậu giận giữ kể ngay với mẹ rằng mình đã bị lừa.
Nếu trường hợp này rơi vào các gia đình hiện nay, rất có thể một số bậc phụ huynh sẽ mắng con mình ngu ngốc thì phải chịu, hoặc sẽ có phụ huynh đứng ra hỏi xem đứa nào bắt nạt con mình, thậm chí đưa con đến nhà người bạn kia đòi tiền. Tuy nhiên bà Sara không theo cách này.
Mỗi người đều là con người bằng xương bằng thịt nên không thể tránh khỏi lúc nhất thời sơ cơ lầm lỗi. Chính vì vậy, ngay từ khi còn bé nếu con mắc sai lầm thay vì trách mắng hay đứng ra thay con giải quyết vấn đề, thì hãy tìm cách chỉ ra cho con cốt lõi vấn đề nằm ở đâu sau đó để con tự rút ra bài học.
Sau khi nghe câu chuyện của đứa con trai thứ hai, bà Sara đã bình thản hỏi ngược lại con trai rằng: “Chẳng phải là con cần chiếc xe đó sao, nếu không có cậu ta con có mua được chiếc xe đó không?”
Trên thế gian này không có gì là miễn phí cả, chính vì vậy 50 đồng kia là phí phục vụ. Khi chúng ta có năng lực thực hiện được điều mà người khác mong muốn, chúng ta hoàn toàn có thể dùng nó để kiếm tiền. Đây chính là một trong những bài học kinh doanh đầu đời vô cùng quý giá, tạo tiền đề cho sự thành công của các con bà sau này.
Nhưng bà Sara nhấn mạnh rằng bà không đồng tình với cách làm lừa dối và chộp giật của cậu bạn đó, và khuyên con mình phải kinh doanh chân chính.
5. Nỗ lực của cha mẹ là tấm gương phản chiếu các con
Khi Sara đưa các con quay trở về Israel, bà đã là một người mẹ trung niên 42 tuổi. Tuy nhiên lúc này bà lại bị rào cản ngôn ngữ, khó giao tiếp được với mọi người xung quanh.
Tuy nhiên, Sara không bỏ cuộc, vì bà biết nếu bản thân chọn rút lui trong môi trường bất đồng ngôn ngữ này, thì các con cũng sẽ nhìn vào đó và chọn tương tự. Nếu thế, một gia đình ẩn cư như vậy làm sao có thể nuôi dạy những đứa trẻ nhanh chóng trưởng thành?
Sara bắt đầu tích cực học tiếng Do Thái và giám sát bọn trẻ để chúng học hành chăm chỉ mỗi ngày. Cuối cùng, trong vòng chưa đầy nửa năm, bà đã có thể giao tiếp trôi chảy tiếng bản địa với người dân địa phương.
“Con thật hạnh phúc khi có một người mẹ như mẹ. Con muốn học hỏi ở mẹ”. Cậu con trai nhỏ của Sara đã nói điều này khi anh trở thành người giàu có tầm cỡ thế giới trước năm 30 tuổi, một trong những điều nổi bật nhất của anh là kết quả học tập và khả năng ghi nhớ.
Và đây cũng là một kỹ năng chuẩn mực mà anh ấy thừa hưởng từ mẹ của mình, bất kể đi đâu, anh ấy cũng sẽ ghi lại tất cả các loại thông tin hữu ích, khám phá những gì anh ấy cần thành thạo trong các lĩnh vực khác nhau và tìm cơ hội kinh doanh.
Có thể nói, nỗ lực thành tựu cuộc sống của cha mẹ chính là cách giáo dục tốt nhất cho con cái. Chúng ta làm việc chăm chỉ để sống tốt đẹp hơn, không chỉ để tích lũy thêm của cải cho con, cũng không phải chỉ để cho con một cuộc sống no đủ, mà còn là để thế hệ sau hiểu cuộc đời không hối tiếc là như thế nào, và cuối cùng giúp con có một cuộc sống ý nghĩa như mơ ước của chính mình.
Lựa chọn phương pháp dạy con như thế nào là tùy ở bạn
“Tình yêu đối với con cái của một số cha mẹ Trung Quốc giống như hình bào thai, họ luôn muốn bao bọc lấy chúng trong tình yêu thương vô điều kiện của mình suốt cuộc đời.
Còn tình yêu của các bậc cha mẹ người Do Thái đối với con cái thì tựa như một ngọn đuốc, nó được dằn sâu trong lòng, dưới biểu lộ sắt đá và cứng cỏi, họ chỉ làm một ngọn lửa rực sáng, soi rọi con đường phía trước cho con, để chúng có thể tự học cách sinh tồn, vươn lên trong cuộc đời.”
Đây là những lời đúc kết tâm đắc của bà Sara về phương pháp dạy con của mình trong tác phẩm “Vô cùng hà khắc, vô cùng yêu thương”.
Hiện tại vẫn còn rất nhiều ý kiến trái chiều nhau cho rằng cách dạy con của bà khá cứng rắn, tàn nhẫn và không phải đứa trẻ nào, và không phải ở môi trường nào cũng phù hợp. Vậy nên cũng cần xét đến nhân tố con người và yếu tố hoàn cảnh.
Nếu là bạn, bạn sẽ lựa chọn phương pháp dạy con như thế nào? Xuất phát từ tấm lòng yêu thương vô hạn của cha mẹ với con cái, chúng tôi tin rằng mỗi con người chúng ta sẽ tìm được phương pháp tốt nhất giáo dục con mình. Lựa chọn cách thể hiện tình yêu và dạy dỗ con cái như thế nào là tùy ở bạn.
Nguồn: webtretho
Thái An biên tập