Thiền sư cõng cô gái qua sông có giống gánh nặng loài kiến cõng hạt gạo gặp trên đường?
Đời này, trên lưng cõng càng nặng thì trong tâm càng phải sớm bỏ xuống, cần phải làm được như thế.
Tiếc rằng, nhiều người trong số chúng ta, trên lưng cõng quá nhiều, trong tâm cõng còn nhiều hơn, lại thêm gánh nặng cho chính mình.
Từ câu chuyện sư huynh cõng cô gái qua sông
Chuyện kể rằng, một ngày nọ, hai hòa thượng đi đến bờ sông thì gặp trận mưa to. Lúc này, có một phụ nữ ướt sũng đang co ro run rẩy chưa biết làm thế nào để qua sông.
Sư huynh không ngần ngại cõng cô gái, rồi điềm nhiên lội qua sông. Vị sư đệ nhìn thấy, muốn ngăn nhưng lại thôi, suốt chặng đường sau đó cứ canh cánh trong lòng.
Buổi tối, khi đến nghỉ ở một quán trọ, cuối cùng không nén nổi, hỏi:
“Sư huynh, Phật môn giới gần nữ sắc, sao sư huynh lại cõng một cô gái qua sông như vậy được?”
Sư huynh điềm nhiên trả lời:
“Huynh cõng cô gái trên lưng nhưng đã đặt xuống từ lâu rồi, sao đệ đến giờ vẫn còn cõng cô ấy trong lòng mãi vậy?”
Đến câu chuyện loài kiến cõng hạt gạo gặp trên đường
Khi còn nhỏ, tôi thường nằm trên mặt đất ngắm nhìn kiến bò, cảm thấy rất vui thích, dần dà những cảm xúc cứ nảy sinh với nhiều ý tưởng.
Loài kiến khi rời tổ, trên mình chúng chẳng mang vật gì, nhẹ nhàng tự do tự tại. Trên đường đi, gặp một hạt gạo, liền cõng trên lưng, gặp một cái lá cây, cũng cõng trên lưng, gặp cọng cỏ, cũng cõng trên lưng.
Với kiến thì hạt gạo cũng như chức vụ của người, chiếc lá cũng như danh tiếng của người, cọng cỏ cũng như một món tiền lớn của người, hoặc cơ hội một chuyến đi nước ngoài…
Nhưng có người nào như kiến, trên thân không mang theo bất cứ vật gì không? Thực sự không có, cũng không thể có khả năng có. Nhưng trên thân mang theo vật là một việc, mà trong tâm có mang theo vật không lại là một việc khác.
Người cũng giống như kiến, đi qua chặng đường sẽ để lại dấu chân
Xưa nay loài kiến chưa từng suy nghĩ đến phía trước con đường của nó là gì. Chúng chỉ cắm cúi bò lên phía trước, cẩn thận, nghiêm túc, tỉ mỉ, để lại dấu tích trên bãi cát, hoặc là đường thẳng ngay ngắn, hoặc là đường xiên xiên vẹo vẹo.
Con người nhìn thấy vết tích này sẽ nói, một con kiến đã bò qua đây. Đây có thể xem là giá trị của cuộc đời kiến.
Còn con người, cứ phải biết chắc chắn ở phía trước có vườn hoa, trong vườn hoa có chim hót, có hoa tươi cỏ xanh, có người vỗ tay thì mới chịu bỏ sức ra bước tới?
Với những người như vậy, “cuối cùng bước đến đâu” sẽ trở thành tiêu chuẩn phán đoán cuộc đời có giá trị hay không. Còn đối với dấu chân con người để lại phía sau lại chẳng có ai để mắt tới.
Con người sống ở đời cũng giống như con kiến dốc hết sức, làm hết bổn phận tiến bước về phía trước. Trên suốt quãng đường, tự nhiên sẽ để lại các dấu chân.
Đó chính là giá trị đích thực của đời người. Nếu không phải như vậy, thì con người chỉ nên đứng nguyên một chỗ mà thôi. Vì chẳng ai có thể chắc chắn phía trước có vườn hoa.
Nhân sinh cảm ngộ: Lưng cõng càng nặng tâm càng buông sớm
Đời này, trên lưng cõng càng nặng thì trong tâm càng phải sớm bỏ xuống, cần phải làm được như thế.
Tiếc rằng, nhiều người trong số chúng ta, trên lưng cõng quá nhiều, trong tâm cõng còn nhiều hơn, lại thêm gánh nặng cho chính mình.
Cũng có người trên lưng chưa từng cõng nặng, thấy người khác cõng, thì nóng mắt, sốt ruột, trong lòng bỗng cõng gánh nặng lớn. Bỏ cái gánh nặng trong lòng xuống, trong lòng sẽ rộng mở hơn, thanh thản hơn, nhàn nhã hơn, tự do hơn và tâm hồn nhẹ nhàng phơi phới.
Loài kiến chỉ sống bởi bổn phận của nó, cần cù, chịu khó, kiên trì, tiết kiệm. Kiến chỉ âm thầm làm mà chẳng nói năng gì, càng không tự cho mình là đúng, cũng chẳng vểnh râu khoe khoang. Coi người là kiến, không phải miệt thị coi nhẹ con người, trái lại nâng cao con người.
Suy cho cùng, năm tháng trôi qua, ta nhận ra có những thứ cần phải buông bỏ để tâm hồn được bình yên. Cái gì bỏ qua được thì hãy cho qua, khoan dung và tha thứ cho người khác, Chẳng phải như vậy ta mới ung dung tự tại mà bước tiếp trên con đường nhân sinh?