Thói quen tạo nên tính cách, 7 thói quen cần sửa để có một vận khí tốt
Có câu nói: “Thói quen tạo nên tính cách, tính cách tạo nên vận mệnh”. Muốn cải biến cuộc đời mình, trước hết cần điều chỉnh tâm tính, tu chính lại hành vi của bản thân. Phúc từ đó mà ra, vận khí tốt cũng từ đó mà đến.
1. Lười biếng
Cổ ngữ nói: “Thiên Đạo thù cần”, ý nói đạo Trời ban thưởng cho người cần cù, chăm chỉ. Đạo lý này nói rõ ràng rằng, siêng năng cần cù có thể xoay chuyển được nghịch cảnh trong cuộc đời con người.
Người không chịu cần cù lao động, lười biếng không chịu dốc sức ra, không chịu nỗ lực thì tương lai nhất định sẽ mịt mờ. Do đó để có vận khí tốt, trước hết cần bỏ tính lười biếng.
Chỉ có trải nghiệm rồi thì mới biết thành tựu một việc cũng không dễ dàng gì. Quyết tâm và động lực để thành công một việc gì cũng phải dựa vào sự hăng hái và kiên trì. Chỉ có kiên trì nỗ lực không mệt mỏi, thì mới có thể đạt được thành công.
Trong “Chu Dịch” có viết rằng: “Trời vận hành mạnh mẽ, người quân tử tự cường không ngừng nghỉ”. Con người chỉ cần sống là phải học cách tôi luyện bản thân từ trong khó khăn gian khổ, chứ không nên chìm đắm trong an lạc.
Đời người có được phải có mất, có bỏ công sức ra thì mới có hồi báo, đây là đạo lý bất biến trong đời người. Người lười nhác chỉ muốn “ngồi mát ăn bát vàng” thì nhất định không thể có được thành tựu trong đời. Cho dù họ có thể đạt được chút lợi ích hay danh vọng thì cũng chỉ là nhất thời ngắn ngủi mà thôi.
Con người ai cũng có khả năng tiềm tàng, nhưng phải thông qua lao động thì khả năng ấy mới được bộc lộ ra. Có tích cực lao động mới có thể nhận ra điểm ưu tú của bản thân, cũng có được thu hoạch trong cuộc đời.
2. Sợ khổ
Cổ ngữ nói: “Phong sương cô lộ chi cảnh, dịch sinh kì kiệt”, nghĩa là nơi gió sương gian khổ, cô độc thường dễ dàng xuất sinh anh tài tuấn kiệt. Từ xưa đến nay, những nhân vật được lưu danh thiên cổ phần lớn đều sinh ra và sống trong gian khổ hoặc trải qua những đau khổ mà người thường khó chịu đựng được.
Trong cuộc sống chúng ta không khó nhận ra rằng, con đường dẫn tới thành công luôn gập ghềnh gian nan, chỉ có người không ngừng kiên định, ngoan cường dốc sức ra làm mới có thể đi tới thành công.
Những người động một chút là phàn nàn rằng cuộc sống sao mà khổ cực, công việc sao mà mệt mỏi, chính là những người chưa nguyện ý xuất phát. Bởi vậy, thành công đối với những người này chỉ là khái niệm xa vời mà thôi.
3. Nhát gan
Cổ nhân giảng: “Thất chi đông ngung, thu chi tang du” (mất khi mặt trời mọc, được khi mặt trời lặn), ý nói rằng, lúc ban đầu bị thất bại ở phương diện này, nhưng cuối cùng lại thành công ở một phương diện khác. Bởi vậy, khi đã xác định được mục tiêu thì đừng sợ hãi thất bại mà không dám tiến tới.
Trong cuộc sống những người nhát gan luôn biểu hiện ra một bộ dạng sợ điều này sợ điều khác, không bao giờ dám nếm trải, chỉ có thể đứng yên tại chỗ. Những người như vậy chắc chắn sẽ không thể nắm bắt cơ hội, bởi vì đầu tư luôn đi cùng với mạo hiểm. Hơn nữa, đời người bên cạnh những lúc bình yên cũng luôn có sóng gió phải đối mặt. Vì vậy, thay vì nhát gan sợ hãi hãy học cách tiếp nhận, dũng cảm đối mặt.
4. Lười học hỏi
Nhà triết học Francis Bacon từng nói rằng: “Tri thức chính là sức mạnh”. Đời người là hữu hạn nhưng tri thức, sự hiểu biết là không có giới hạn, bởi vậy phải lấy “sự học là vô chừng” để nhắc nhở bản thân luôn ham học hỏi. Học hỏi ở đây không chỉ là những kiến thức chuyên môn, những tri thức khoa học mà còn bao gồm cả những đạo lý nhân sinh, cách đối nhân xử thế. Những điều này giúp ích rất nhiều cho con người trong hành trình của cuộc đời.
Đối với bất kỳ ai, chỉ cần nỗ lực học tập, đọc nhiều sách vở thì kiến thức sẽ không ngừng tăng lên. Trong nguồn thời gian hữu hạn hãy gắng sức để hoàn thiện, nâng cao năng lực của mình, như vậy thì khi thời cơ đã chín muồi mới có thể nắm bắt được.
5. Bảo thủ
Người bảo thủ có suy nghĩ rất cứng nhắc, thường theo xu hướng bảo tồn hiện trạng, không thích thay đổi, luôn bảo vệ quan điểm của mình, gần như không tiếp nhận những ý kiến cũng như lời khuyên của người khác.
Đối với những người này mà nói, họ luôn cho rằng họ đúng. Hơn nữa, khi có người khác chỉ ra lỗi lầm thì họ lập tức khó chịu, nổi giận đùng đùng. Cũng có người khi người khác chỉ ra thiếu sót của bản thân thì biểu hiện thống khổ, làm ra một số hành vi quá khích. Còn có người khi nghe được góp ý liền ở sau lưng bài xích, tìm người cùng ý kiến với mình để trả đũa.
Những người không chịu lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người khác thì rất khó để nhìn ra những thiếu sót của bản thân, vậy nên những người này cũng rất khó tiến bộ, càng khó để vận khí trở nên tốt.
6. Ham hưởng thụ
Cổ ngữ có câu: “Nghiệp được tinh luyện từ cần cù, phóng túng được tinh luyện từ vui chơi; hành sự thành tại suy nghĩ, bại là do tùy thích”. Nếu một người cứ chìm đắm trong du ngoạn hưởng lạc, mà coi nhẹ công việc, thì cho dù anh ta có sở hữu đống gia sản khổng lồ cũng cạn kiệt trong một thời gian ngắn.
Vì thế ai cũng phải học cách ước chế bản thân, tạo ra cho mình một điểm dừng, một giới hạn, để không bị những vui thú trong cuộc sống làm mê mờ, cuốn đi, lúc nhận ra thì đã muộn.
7. Ngạo mạn
Phàm là người ngạo mạn thường tự đề cao mình, tự cho rằng bản thân mình có một ưu thế, điểm mạnh nào đó hơn người khác. Ưu thế này có thể thuộc về tinh thần, cũng có thể thuộc về vật chất.
Người ngạo mạn luôn đặt mình ở trên cao, dùng ánh mắt hơn người để đánh giá thế giới và người khác. Biểu hiện bên ngoài của người này, bất luận là có vẻ thanh cao, hay cuồng vọng tự phụ, thì bản chất đều là đề cao bản thân mình, xem thường người khác.
Người ngạo mạn thông thường luôn thờ ơ với hết thảy ý kiến, tình cảm, lợi ích của người khác. Người này thường tạo ra một khoảng cách với tập thể, vì thế rất khó để phối hợp hay hợp tác với họ. Những người này dần dần trở thành người cô độc cả trong sự nghiệp và cuộc sống. Do đó, họ trở nên rất đáng thương.
Chân Nhiên biên tập