Tình chị em môi hở răng lạnh: Ánh Tuyết lấy chồng thay chị
Nhà họ Bao có được hai người con gái xinh đẹp, cô chị tên Ánh Nguyệt, cô em tên Ánh Tuyết. Hai cô gái đều rất mực xinh đẹp. Ánh Nguyệt khéo léo, nhu mì. Ánh Tuyết thì một lòng nhân hậu, luôn nghĩ cho người khác.
Năm đó, cô chị Ánh Nguyệt đã tới tuổi cập kê, cô cũng đã biết thêu thùa, nấu nướng cũng rất giỏi giang. Thấy con gái đã đến lúc yên bề gia thất, Bao phu nhân liền thưa chuyện với chồng mình: “Lão gia à, con gái đã lớn, đã đến lúc gả chồng cho con rồi. Ông xem, Ánh Nguyệt với công tử nhà họ Lý là bạn thanh mai trúc mã, tâm đầu ý hợp. Phu nhân nhà họ cũng nhiều lần ngỏ ý xin Ánh Nguyệt về làm dâu. Huống hồ ông và Lý viên ngoại lại là bạn tâm giao”.
“Đã đến tuổi thật rồi à?”, Bao đại nhân trầm ngâm một lúc. Ông không nói gì thêm. Bao phu nhân hiểu chồng mình sẽ lo chuyện đại sự cho con gái, nên rất yên tâm.
Ánh Tuyết thường đi chùa cầu khấn Bồ Tát phù hộ cho cả gia đình. Hôm ấy, khi trở về, cô gặp một người lạ đi ra từ trong phủ.
Anh Tuyết vào bái kiến cha mẹ, thì được tin chị gái sắp đi lấy chồng. Ánh Tuyết vui sướng vì cô vừa cầu Bồ Tát cho chị gái luôn được hạnh phúc vẹn tròn. Nhưng Ánh Tuyết bỗng nhận ra, khuôn mặt cha rất buồn. Cô xin lỗi cha vì mình đã về muộn để cha mẹ lo lắng. Tuy nhiên cô không phải là lý do khiến Bao đại nhân phải đăm chiêu, suy nghĩ.
Ánh Tuyết và Ánh Nguyệt từ nhỏ đã rất gần gũi, thương yêu nhau. Hai chị em cùng đi thăm ngự hoa viên, chơi xích đu, làm người tuyết. Bốn mùa đều rất vui vẻ thân thiết.
Ánh Tuyết vốn rất quan tâm đến chị, cô luôn ở bên, giúp đỡ Ánh Nguyệt. Biết chị thích hoa cúc, cô còn tự tay trồng rất nhiều cúc cho chị mình. Đến giờ, khi đã khôn lớn, hai chị em vẫn yêu thương nhau không rời.
Hôm đó, hai cô gái đang cùng nhau viết chữ trong thư phòng của cha. Ánh Nguyệt chép bài thơ “Vịnh Cúc” của Bạch Cư Dị. Đang chép tới câu cuối thì cô không nhớ được, liền hỏi em gái. Ánh Tuyết đang chiêm ngưỡng chữ của chị, nghe câu hỏi bất ngờ cũng luống cuống, không thể trả lời. “Để em đi tra lại trong sách của cha nhé, em cũng không nhớ nữa”.
Trong khi tìm cuốn sách, Ánh Tuyết vô tình nhìn thấy tờ thư ghi sính lễ. Nhưng trên thư không phải đề nhà họ Lý, mà là nhà họ Các. vậy là chị gái cô sẽ không được gả cho nhà họ Lý như ý nguyện của chị sao? “Cha làm như vậy nhất định là có điều uổn khúc, nhưng chị gái sẽ ra sao?”.
Câu hỏi này khiến Ánh Tuyết quyết định giả trang làm nam nhi, đi tới nhà họ Các một chuyến, cô muốn tự mình chứng thực điều này.
Đường đi tới nhà họ Các không hề ngắn, trên đường Ánh Tuyết cùng người hầu gái còn bị trộm mất ngân lượng. Hai người chạy đuổi theo, nhưng không thể bắt kịp tên cướp. May thay, một vị công tử khôi ngô, tuấn tú kịp chặn đường tên cướp lấy lại số bạc cho Ánh Tuyết. Chàng công tử tốt bụng đó nhanh chóng rời đi, hẹn ngày tái ngộ, nếu họ còn có duyên phận. Ánh Tuyết hôm đó đã tới phủ nhà họ Các và xác nhận được thông tin.
Thế rồi, ngày rằm tháng tám đến, nhà họ Các đến để xin dâu. Lúc đó, phu nhân và người trong nhà sững sờ, không ai biết rằng, Ánh Nguyệt sẽ được gả cho nhà họ Các, chứ không phải là nhà họ Lý.
“Lão gia, tại sao lại là nhà họ Các, chẳng phải ông đã nói sẽ gả Ánh Nguyệt cho nhà họ Lý sao?”, Phu nhân hỏi.
“Ta cũng không có cách nào, vì đã hứa hôn rồi.”, Bao đại nhân trả lời trong cay đắng.
“Hứa hôn là sao?”
“Trong một tiệc rượu cách đây mười năm, khi đó, tôi đã trót hứa gả con gái cho nhà họ Các, giờ họ đang tới để thực hiện lời hứa, nên không thể không gả con đi”.
Ánh Nguyệt nghe cha nói xong, liền khóc không ngừng. Cô không muốn bị gả cho nhà họ Các. Việc hôn sự này đối với cô là một nhiệm vụ quá nặng nề.
Khi nhìn thấy y phục cưới được đưa đến, Ánh Nguyệt hét lên “con không muốn lấy chồng”. Cô hất tung khay y phục rồi chạy ra khỏi phòng. Cùng lúc đó Bao đại nhân đứng ngồi không yên trong phòng khách. Ông biết gả Ánh Nguyệt cho nhà họ Các là trái với ý nguyện của con gái yêu. Nhưng lời đã nói ra năm đó không thể rút về. Ông rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Cùng lúc Ánh Nguyệt bỏ ra ngoài, người hậu vội vã chạy tới gọi Bao phu nhân và Ánh Tuyết. Bao đại nhân vừa tự tử. Hai người phụ nữ nhanh chóng chạy tới phòng khách. Thật may mắn, có người kịp phát hiện và ngăn Bao đại nhân kết liễu mạng sống.
Chứng kiến cảnh cha muốn tự tử, chị gái hóa ngẩn ngơ, Ánh Tuyết không thể cầm nước mắt. Từ đầu, cô đã biết câu chuyện hôn nhân này có uẩn khúc. Nay chứng kiến cha vì không thể làm trọn đạo nghĩa với người ngoài, không trọn trách nhiệm làm cha với con gái, Ánh Tuyết càng thêm mười phần thương cha.
“Cha à, con có cách. Khi xưa, cha hứa gả con gái cho nhà họ Các, đều không nói rõ là sẽ gả chị con. Vậy thì, nay cha hãy gả con đi, con sẽ lấy chồng thay chị. Như thế cha cũng không bị xem là thất tín », Ánh Tuyết nhìn cha mẹ, nói với vẻ thành kính và nghiêm túc.
« Sao lại có thể như vậy được, ta sao có thể để con chịu thiệt », cha mẹ Ánh Tuyết đều nước mắt lưng tròng nhìn cô. Họ biết, dù không nỡ, nhưng đây là phương cách cuối cùng.
Ánh Tuyết sau đó đã thay xiêm y để chuẩn bị lên đường. Trước khi đi, cô tới trước cha mẹ, quỳ xuống để từ biệt : «Cha mẹ, con gái đi đây». Bao đại nhân và Bao phu nhân tiễn con gái lên đường, mắt nhòe lệ.
Đêm hôm đó, khi chiếc khăn chùm đầu được vấn lên, là khi Tân Nương và Tân Lang được nhìn thấy nhau lần đầu tiên. Nhưng đúng thật là « Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ », Tân Lang của Ánh Tuyết lại chính là chàng công tử khí chất hơn người đã giúp cô lấy lại ngân lượng trong lần đến thăm Các phủ.
Quay trở lại Bao phủ, Ánh Nguyệt từ sau ngày đón dâu vẫn chưa trở lại bình thường. Cô vẫn ở trong trạng thái ngẩn ngơ. Hôm đó, dưới trời tuyết rơi, Ánh Nguyệt vẫn một mình ngồi đắp người tuyết.
« Người tuyết tuy đời sống thật ngắn ngủi, nhưng lúc nào cũng cười rạng rỡ, vì nó biết rằng cuộc sống của nó khiến người nhìn ngắm được hạnh phúc. Chỉ cần làm cho người khác hạnh phúc là có thể mỉm cười rồi. », Một gióng nói quen thuộc cất lên sau lưng Ánh Nguyệt.
« Là có thể mỉm cười rồi », Ánh Nguyệt lặp lại câu nói ấy. Ký ức xưa khi cô cùng em gái và cha làm người tuyết ùa về. Cô quay lại và thấy em gái đã đứng đó. Hai chị em ôm chầm lấy nhau, đã quá lâu rồi họ không được ở bên nhau. Cuối cùng, Ánh Nguyệt cũng đã bước ra khỏi trạng thái ngẩn ngơ, để hội ngộ với em gái từ Các phủ về thăm nhà. Từ ngày ấy, tiếng cười lại đong đầy trong Bao Phủ.
Huệ Bình sưu tầm