Tự làm giò lụa chay cực đơn giản cho ngày rằm tháng Tám
Tháng 8 là mùa của những lễ hội, những dịp này người người nô nức rủ nhau đi lễ, đi chùa và đặc biệt là rủ nhau háo hức vào bếp làm những chiếc bánh trung thu cúng Tết. Trong những ngày này đi đâu chúng ta cũng thấy cái hương vị cổ truyền trong những mâm cơm, phảng phất vài ba cây hương làm lễ. Tục truyền rằng, những ngày rằm như vậy, yếu tố ăn chay hạn chế sát sinh, ăn mặn cũng rất quan trọng, bởi văn hóa người Việt luôn đặt chữ Nghĩa trong từng lời ăn, tiếng nói và cách ăn uống cũng vậy. Để làm phong phú và đa dạng hơn trong mâm cơm ngày Tết cổ truyền này, VĐH xin hướng dẫn bạn cách làm giò lụa chay trong mâm cơm ngày Tết, hi vọng với bài viết này sẽ giúp bạn có thêm một món tủ để chúng ta có dịp quây quần bên nhau trong ngày Tết đoàn viên.
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
500 gram phù trúc tươi (hay còn gọi là váng đậu)
3 gốc hành boa rô (Hay còn gọi là cây tỏi tây)
Dầu ăn
Lá chuối, lạt tre
Gia vị: muối, hạt nêm, hạt tiêu trắng
Phần thực hiện:
Bước 1: Làm sạch hành boa rô và xắt nhỏ
Bước 2: Cho 1 bát nhỏ dầu ăn vào chảo. Đợi dầu ăn nóng, các bạn trút hành boa rô đã xắt nhỏ vào. Phi hành trên lửa nhỏ, đến khi hành hơi xém vàng thì các bạn vớt hành ra và đặt hành trên giấy thấm dầu cho lượng dầu ăn được trôi bớt nhé. Chú ý vặn nhỏ lửa chiên hành để hành không bị cháy. Phần dầu ăn chiên hành này các bạn sẽ giữ lại, chúng mình sẽ dùng để ướp phù trúc ở những bước sau.
Bước 3: Chuẩn bị sẵn 1 tập lá chuối để gói giò. Các bạn cắt lá chuối thành những miếng lá chuối có chiều ngang khoảng 15cm để gói giò
Bước 4: Chuẩn bị 1 chậu nước ấm, các bạn cho phù trúc tươi đã chuẩn bị vào rửa. Đến khi nước bắt đầu đục, các bạn lại dùng chậu nước ấm sạch khác rửa sạch phù trúc, sau đó dùng tay vắt nhẹ cho phù trúc được ráo nước. Nếu dùng phù trúc khô, các bạn phải ngâm mềm phù trúc khoảng vài tiếng trong nước ấm cho mềm rồi mới đến công đoạn rửa và vắt khô phù trúc nhé.
Bước 5: Để món giò lụa chay có hương vị đặc biệt, chúng ta đem ướp 500 gram phù trúc với 2 thìa dầu ăn vừa chiên hành boa rô, 1 thìa cà phê muối cho món giò lụa chay được đậm đà, 1 thìa hạt tiêu, 1/2 thìa cà phê tiêu hạt, 1/2 thìa cà phê hạt nêm. Nếu thích ăn đậm đà hơn, các bạn có thể nếm thử 1 chút và tăng thêm chút hạt nêm (nếu thích)
Bước 6: Trải 2 tấm lá chuối lên một mặt phẳng rộng rùi cho phù trúc vào 1 góc như hình dưới. Cuộn tròn lại cho thật chặt tay. Dùng lạt buộc xung quanh phần giữa thân chả giò. Để gói dễ hơn, các bạn có thể cố định trước bằng dây chun, sau đó mới buộc lạt để cây giò không bị xê dịch.
Bước 7: Sau khi đã dùng lạt cố định ở thân, các bạn gấp 1 đầu lá chuối lại rồi dựng chả lên, ấn đều phù trúc xuống. Sau đó, các bạn gấp lá chuối lại, lấy 2 miếng lá chuối cắt nhỏ phủ hình chữ thập lên rồi dùng lạt buộc lại để đòn chả được kín nhé
Bước 8: Làm tương tự đầu bên kia, sau đó buộc thêm 2 lạt ở giữa nữa, để đòn chả được chắc và kín. Tiếp đến là công đoạn hấp giò lụa. Nếu hấp nhìêu, các bạn chuẩn bị 1 nồi nước lớn, đổ nước xuống đáy nồi sao cho lượng nước đổ vào không được ngập rá hấp. Xếp giò lụa vào rồi đem hấp ở lửa vừa chừng 3 tiếng. Nếu chỉ hấp khỏang 1,2 đòn các bạn có thể sử dụng ngay nồi cơm điện để hấp giò, món giò cũng sẽ rất thơm ngon đấy.
Giò lụa chay chín, các bạn để trong nồi cho đến khi giò nguội thì vớt ra (mục đích là để giò co lại). Khi ăn thái thành từng miếng vừa ăn như giò lụa thịt, món giò lụa chay về hình thức giống y như giò lụa thịt, hương vị có phần nhẹ nhàng hơn và ăn cũng rất lâu ngấy. Món này cũng rất phù hợp cho những ngày rằm lễ Tết. Nếu các bạn là tín đồ của các món chay thì đừng quên món giò lụa chay cực đơn giản mà VĐH vừa chia sẻ nhé, chúc các bạn thành công và ngon miệng với món ăn này!