Vết thương do lời nói sẽ vĩnh viễn không lành
Ông cha chúng ta có câu rằng: “Lời nói chẳng mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Người nói vô tâm, người nghe để bụng, một câu nói vô tình cũng có thể khiến người nghe tổn thương. Có rất nhiều chuyện người nói đã sớm quên nhưng người nghe thì mãi nhớ.
Khi chúng ta sinh ra, ai cũng trong sáng, tốt đẹp nhưng điều gì đã khiến đứa trẻ trong chúng ta lớn lên lại trở nên tệ đi. Bắt nạt trẻ em, bạo lực học đường, bạo lực gia đình,… những tin tức đau lòng vẫn chưa có hồi kết.
Không chỉ là những hành vi bạo hành về thể chất, lời nói cũng có thể để lại những tổn thương tâm lý đau đớn chẳng kém bất kỳ hành vi bạo hành thể chất nào. Tuy lời nói tuy không gây ra vết thương bề mặt nhưng lại khiến người nghe trở nên tự ti, dằn vặt,…
Cũng không chỉ là người lớn mà trẻ nhỏ cũng vậy. Tâm hồn trẻ nhỏ mỏng manh rất dễ bị tổn thương, những lời nói vô tình, những lời bàn tán mà người lớn vẫn thường hay cho rằng chúng còn bé không hiểu gì. Nhưng vô tình đã gây ra tổn thương trong tâm hồn chúng mà chúng ta không hề biết.
Cuộc sống có những giá trị quan trọng mà không thể chỉ học từ sách giáo khoa ở trường. Lời nói thiện tâm quý hơn ngàn vàng. Dù có là lời nói thẳng, lời góp ý thì cũng cần thiện tâm, tránh gây tổn thương cho người nghe. Cổ nhân nói: “Dữ nhân thiện ngôn/ noãn vu bố bạch.” Ý là một câu nói chứa đầy thiện ý thường có sức mạnh vô hình mà to lớn, nó không chỉ làm ấm áp lòng người mà còn cho con người hi vọng và niềm tin.
Có một câu chuyện cổ ở một khu rừng nọ, có một chú Gấu bị thương rất nặng. Nó đi tìm kiếm sự giúp đỡ và đến trước một ngôi nhà nhỏ ven rừng.
Chủ nhân của ngôi nhà đã quyết định chăm sóc chú Gấu đang yếu. Anh cẩn thận lau vết máu trên cơ thể và xử lý vết thương cho chú Gấu. Anh cũng nấu rất nhiều đồ ăn cho chú Gấu. Gấu rất cảm động trước sự chăm sóc tận tình của chủ nhà.
Đến tối, người chủ nhớ ra trong nhà chỉ có một chiếc giường và quyết định cho chú Gấu ngủ cùng. Tuy nhiên, anh ta không thể chịu được mùi khó chịu nồng nặc từ thân thể của Gấu phát ra đã vô tình mắng: “Ôi chú mày thật hôi quá. Tôi không thể chịu đựng được. Mùi này thực sự giống mùi của loài bọ hôi thối nhất trên thế giới…”.
Đêm hôm đó Gấu đã không thể ngủ được. Nó đã hứng chịu những lời lẽ khủng khiếp, nhưng nó cũng không có lời nào để nói. Nó chỉ mong sao trời nhanh sáng. Sáng hôm sau, Gấu rời khỏi nơi đó rất sớm sau khi cảm ơn chủ nhà.
Vài năm sau, vào một ngày Gấu và chủ nhà tình cờ gặp lại nhau. Chủ nhà hỏi: “Lúc đó ngươi bị thương rất nặng, nhưng đến giờ vẫn chưa bình phục sao?”
Chú Gấu trả lời: “Những vết thương thể xác đã lành rồi, nhưng những vết thương lòng sẽ không bao giờ lành”.
Lòng không có ý xấu, tâm mang thiện ý, nhưng lời nói không chú ý, lại gây ra hậu quả xấu. Nói thẳng nói thật vốn xuất phát từ thiện tâm, nhưng nếu gây hậu quả xấu thì vẫn là đã tạo ra nghiệp xấu. Người có thiện tâm cũng là muốn hành thiện tích đức, nhưng không chú ý đến mức độ tiếp nhận của người nghe, không khởi tác dụng cho người nghe tốt lên, mà khiến họ bực tức, giận dữ, hay tổn thương thì chính như nói lời ác ngữ vậy.
Trong cuộc sống chúng ta, hạnh phúc hay khổ đau đều khởi đi từ lời nói. Lời nói dịu dàng đằm thắm, dễ thương, lịch sự luôn mang lại một cảm giác ấm áp, an vui, nhẹ nhàng và thoải mái cho người nghe. Khi bình hoà ta có thể bình tĩnh nhẹ nhàng nhưng khi ta bực tức, nóng giận là khi ta dễ nói những điều gây tổn thương người khác nhất.
Người ta thường nói ngôn ngữ chính là thứ vũ khí đáng sợ nhất trên đời này. Một lời trêu chọc vô tâm, một lời đánh giá, chỉ trích,… đều có thể khiến ai đó tổn thương.
Một cậu bé nọ có tính xấu là rất hay nổi nóng. Một hôm, cha cậu đưa một túi đinh cho cậu rồi nói: “Mỗi khi con nổi nóng với ai đó thì hãy chạy ra sau nhà và đóng một cây đinh lên cái hàng rào gỗ”.
Ngày đầu tiên, cậu bé đã đóng tất cả 37 cây đinh. Nhưng sau vài tuần, cậu bé tập kiềm chế dần cơn giận của mình và số lượng đinh đóng lên hàng rào ngày một ít đi. Cậu bé nhận thấy rằng kiềm chế cơn giận của mình dễ hơn là phải đi đóng một cây đinh lên hàng rào.
Đến một ngày, cậu bé đã không nổi giận một lần nào trong suốt cả ngày. Cậu đến thưa với cha và ông bảo: “Tốt lắm, bây giờ nếu sau mỗi ngày mà con không hề nổi giận với ai dù chỉ một lần, con hãy nhổ một cây đinh ra khỏi hàng rào”.
Ngày lại ngày trôi qua, rồi cũng đến một hôm cậu bé vui mừng hãnh diện tìm cha mình báo rằng đã không còn cây đinh nào trên hàng rào nữa cả.
Người cha liền đến bên hàng rào. Ở đó, ông nhỏ nhẹ nói với cậu: “Con đã làm rất tốt, nhưng con hãy nhìn những lỗ đinh còn để lại trên hàng rào xem. Hàng rào đã không giống như xưa nữa rồi. Nếu con nói điều gì trong cơn giận dữ, những lời nói ấy cũng giống như các lỗ đinh này, chúng để lại vết thương khó lành trong lòng người khác. Dù cho sau đó con có nói lời xin lỗi bao nhiêu lần đi nữa, vết thương đó vẫn còn lại mãi. Con hãy luôn nhớ: vết thương tinh thần còn đau đớn hơn cả những vết thương thể xác. Những người xung quanh ta, bạn bè ta là những viên đá quý. Họ khiến con cười và giúp con trong nhiều chuyện. Họ nghe con than thở khi con gặp khó khăn, cổ vũ con và luôn sẵn sàng mở trái tim mình ra với con. Vì thế, hãy nhớ lấy lời cha…”.
Người xưa dạy: “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” chính là để chúng ta có thời gian hòa hoãn, để chúng ta tìm lời thích hợp, tìm lời nói tránh làm tổn thương người nghe rồi mới nói, mới đạt được hiệu quả như mong muốn. Làm sao để mỗi lời nói của chúng ta sẽ thơm ngát như bông hoa, sẽ đậm đà như mật ngọt, góp phần xoa dịu buồn phiền, hoá giải hận thù, đem lại niềm vui cho tất cả mọi người.
Mộc Hương biên tập