Vì sao trước khi xử trảm, tử tù thời cổ đại được cho ăn một bữa cơm thịnh soạn kèm miếng thịt sống
Con người không dễ dàng đến thế gian này, vì vậy khi họ rời đi, họ đều mong được đối xử tử tế nhất có thể, điều này không chỉ đúng đối với những người thuận theo quy luật sinh lão bệnh tử mà qua đời mà nó còn đúng cho cả những người phạm tội nặng phải xử trảm.
Xã hội cổ đại đề cao sự “nhân từ” và coi trọng tính mạng. Về cơ bản, các quan chức sẽ chọn xử trảm tù nhân sau tiết thu và trước khi bắt đầu mùa đông.
Đối với người xưa, “Thu hậu vấn trảm” không chỉ thuận theo thiên thời mà còn là một con đường sống cho các tử tù. Các tù nhân bị kết án tử ở nhiều vùng khác nhau thường được quan lớn trong triều xem xét lại trước khi hành hình.
Nhưng vì việc di chuyển trong thời cổ đại lạc hậu, phải mất vài tháng để chuyển tin tức đến Kinh thành, nên trong quá trình này, người thân của tử tù vẫn còn cơ hội để tìm bằng chứng mới và lật ngược bản án. Chính vì thế, “Thu hậu vấn trảm” cũng ngăn chặn sự bất công ở một mức độ nhất định.
Điều này cũng là tuân theo Thiên ý, mùa thu, vào thời điểm này mọi thứ đang dần khô héo, và việc xử tử tội phạm xảy ra là lẽ đương nhiên.
Về ngày xử trảm cũng có nhiều quy định phức tạp, ví dụ như xử trảm phải vào lúc giờ ngọ ba khắc (tức 11 giờ 45), giờ khác ngoài thời điểm này là không phù hợp.
Người xưa cho rằng, đây là khoảng thời gian dương khí nhất trong ngày, chọn hành hình vào thời điểm này có thể ngăn chặn quỷ hồn quay trở lại trần gian làm điều không tốt cho người khác.
Trước khi xử trảm những tên tội phạm này, tử tù sẽ được ăn một bữa cơm cuối cùng. Bữa ăn cuối cùng này được gọi là “bữa cơm đoạn đầu” hay còn gọi là “bữa cơm từ biệt”.
“Bữa cơm đoạn đầu” là bữa ăn cuối cùng trong cuộc đời tử tù, chính vì thế nha dịch của quan phủ đều cố gắng chuẩn bị thịnh soạn nhất có thể. Điều kiện sống ngày xưa rất khó khăn, dân thường có thể không được ăn thịt trong nửa năm nhưng trong các “bữa cơm đoạn đầu” ngoài cơm thì ít nhất phải có hai món, thịt và rau.
Tuy nhiên, dù được cung cấp một bữa ăn ngon nhưng hầu hết các tử tù đều không thể nuốt trôi được. Bởi vào thời điểm này họ rất lo lắng, cảm xúc không thường ổn định. Cũng có lúc thì có một vò rượu cho những người thích uống rượu để họ lặng lẽ lên đường trong cơn say.
Trong các đạo luật phong kiến cũng có nhiều quy định khác nhau về xử trảm. Chẳng hạn thời nhà Tống đã quy định rõ rằng một “bữa cơm đoạn đầu” không dưới 5.000 xu. Vào thời điểm đó, số tiền này là một khoản khổng lồ. Dù những quan chức ở các cấp đều biển thủ một ít nhưng số tiền còn lại cho “bữa cơm đoạn đầu” không hề ít.
Người xưa quan niệm không nên làm ma đói nên dù có phạm lỗi gì đi chăng nữa thì khi chết thì coi như đã trả hết nợ, nên bữa cơm ăn no trước khi xử trảm cũng là một thiện chí đối với những người này.
Vào thời nhà Minh và nhà Thanh, cơm trảm có một chút đặc biệt, ngoài đồ ăn chín còn có một miếng thịt sống được đặt trong bát.
Vào thời cổ đại, hầu hết người dân đều tin vào luân hồi và địa ngục, họ tin vào thuyết luân hồi chuyển thế. Tương truyền sau khi bị xử trảm, linh hồn sẽ lìa khỏi xác, bị hắc bạch vô thường áp giải linh hồn về âm phủ, rồi giao cho quỷ đầu bò, mặt ngựa áp giải đến nơi xét xử.
Sau khi xét xử họ phải bước qua cầu Nại Hà đến uống canh Mạnh Bà rồi mới chuyển sinh. Bên cạnh cầu Nại Hà luôn có một con chó hung hãn. Một khi hồn ma bị con chó hung ác này nuốt chửng, hồn ma sẽ không thể tái sinh.
Vì vậy, viên quản ngục bỏ một miếng thịt sống vào bát của người tù để cho người tù đem xuống âm phủ cho con chó dữ ăn để có thể tái sinh thuận lợi. Cho nên tử tù chẳng những không nổi giận mà còn rất cảm kích khi thấy miếng thịt sống đấy.
Đặt miếng thịt sống vào bát cơm của tử tù tưởng là hành động khinh người của người thời cổ đại nhưng nó có thể làm giảm bớt áp lực tâm lý cho tử tù. Hơn nữa, đây cũng được xem như “lòng nhân đạo” của người xưa.
Thời cổ đại, mọi người chịu ảnh hưởng của Nho giáo rất sâu sắc, do đó các vị Hoàng đế khi cai trị đất nước cũng chú ý ít nhiều đến sự nhân đạo, phép tắc, ngay cả tử tù cũng sẽ để họ được hưởng phẩm giá cuối cùng. Và “bữa cơm đoạn đầu” thời cổ đại chính là biểu hiện của tư tưởng đó.
Thiên Hà biên tập
Nguồn: soundofhope