Vợ bị tàn tật sau sinh con, chồng ngày nào cũng ân cần chăm sóc
Tháng 11/2018, chị D.T.T và chồng – anh T.V.T đón con đầu lòng ở tuổi 27, đó là thành quả của mối tình 5 năm bền chặt. Thế nhưng, ngày thứ 14 sau sinh, chị T. mất sức, sốt cao làm tia sữa bị tắc, ngực căng phồng trong đau đớn. Vài tiếng sau khi phát cơn sốt, chị ngã quỵ trong nhà tắm, may mắn được chồng phát hiện kịp thời rồi đưa đi cấp cứu ở một bệnh viện gần nhà.
Với người phụ nữ, sinh con là thời khắc họ đối mặt với rất nhiều hiểm nguy, thậm chí mất đi mạng sống. Thế nhưng, không ít người mẹ dẫu biết có thể bước vào “dầu sôi lửa bỏng” vẫn cố gắng để con được bình an.
Như câu chuyện về cuộc đời của chị D.T.T (quê ở huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước), vừa sinh con xong đã phải tháo bỏ tứ chi. Nhờ có nụ cười của con và sự động viên từ chồng, chị T. đã vượt qua những nỗi sợ, mặc cảm và trở lại với cuộc sống bình thường.
Mẹ tháo bỏ tứ chi vì nhiễm trùng máu
Sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bệnh tình của chị T. rất nặng, buộc phải chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Tại đây, chị được xác định là áp xe ngực dẫn đến sốc nhiễm trùng máu, sau đó ảnh hưởng tới đường ruột, suy thận, phải thở máy, lọc máu, chân tay bầm tím và hoại tử dần.
Lúc này, bác sĩ chỉ nói một câu nhưng khiến cả gia đình chị T. như rơi vào hố sâu tuyệt vọng: Nếu may mắn thì giữ được tính mạng, còn chân tay không giữ được”. Người chồng ngồi cạnh, chỉ biết cầu xin bác sĩ sử dụng loại thuốc tốt nhất để chữa trị cho vợ. Anh nuôi hi vọng có thể giữ lại tay chân cho vợ, còn chị T. thì nóng lòng muốn làm phẫu thuật vì sợ “không nhìn thấy mặt con nữa”. Thế rồi, người chồng đành chấp nhận với đề nghị của bác sĩ, đó là cách cuối cùng để giữ mạng sống cho chị T.
Dù đã chuẩn bị tinh thần, thế nhưng ở giây phút tỉnh lại sau cơn mê, chị T. vẫn sốc. Tâm sự với VnExpress, chị nói: “Nhìn tay, nhìn chân cụt ngủn, tôi hụt hẫng, cảm giác như đang mơ ác mộng bị rơi xuống một hố sâu”. May nhờ có sự động viên từ chồng và nụ cười ngây thơ của đứa con trai đầu lòng, người phụ nữ này đã dần chấp nhận thực tại, nỗ lực được sống.
Khoảng một tháng sau, chị T. được trở về với con và gia đình, chồng thì bắt đầu đi làm trả khoản nợ 400 triệu đồng. Cuộc sống dù có khó khăn, vợ chồng chị vẫn không ngừng động viên nhau từng chút.
Cuộc sống mới dù chẳng vẹn nguyên cơ thể nhưng toàn vẹn hạnh phúc
Tập làm mẹ khi chân tay không còn, phải mất hơn 3 tháng, chị T. mới có thể dùng tay cùng con di chuyển trong nhà. Tới tháng thứ 5, chị bắt đầu tập kinh doanh online. Nhìn hình ảnh người phụ nữ tươi cười, dùng 2 cánh tay đã cụt bê từng lọ thuốc, hộp ngũ cốc,… mà dân mạng không khỏi xúc động. Chẳng ai biết rằng, chỉ mới vài tháng trước đó thôi, chị đã rơi vào cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”.
Từng tâm sự với Doanh nghiệp và Tiếp thị, chị T. xúc động: “Nhờ con mà tôi quyết tâm phải lạc quan sống như người bình thường. Dù cuộc sống có khó khăn nhưng thấy con cười là tôi như trút bỏ hết áp lực. Tôi chỉ hi vọng rằng vợ chồng có sức khỏe để chăm sóc, nuôi dưỡng con lớn khôn”.
Nhờ có việc kinh doanh, chị T. bớt buồn, lại có thêm chút kinh phí để mua đồ cho con trai. Ở thời điểm cuối năm 2020, chị đã có thể đi lại bằng xe lăn điện, còn cậu con trai thì biết bò rồi ôm sau lưng để mẹ chở lòng vòng đi chơi trong nhà.
Ở thời điểm hiện tại, chồng chị T. không còn phải đi sớm về khuya, thậm chí còn mở được 2 cửa hàng. Việc kinh doanh giúp anh chị có “đồng vô, đồng ra”, chăm sóc cho con trai. Hình ảnh gia đình hạnh phúc của cặp vợ chồng này khiến không ít người vui lây.
Bác sĩ khuyến cáo sản phụ cần lưu ý khi cho con bú
Liên quan đến trường hợp trên, bác sĩ Lê Thị Kiều Dung – công tác tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM từng chia sẻ với Doanh nghiệp và Tiếp thị một số vấn đề. Theo đó, bác sĩ cho biết áp xe ngực ở phụ nữ mới sinh xuất phát từ việc tắc tuyến sữa, xảy ra khá phổ biến khi mẹ mới cho bé bú.
Nguyên tắc khi cho bú là nếu không hết sữa thì phải vắt hết sữa ra. Thường tâm lý các bà mẹ, nhất là các cụ thường tiếc, cứ nghĩ nếu sữa còn là để dành cho bú cữ sau. Điều này rất sai lầm vì muốn tiết nhiều sữa thì bầu sữa phải trống, kích thích phản xạ tạo tiết sữa mới. Nếu sữa ứ lại trong bầu vú sẽ lắng cặn, làm tắc tuyến sữa, dẫn đến áp xe vú. Chuyện này xảy ra rất nhiều nhưng mọi người không biết” – bác sĩ chia sẻ.
Tuy nhiên, trường hợp phải tháo bỏ tứ chi như chị T. rất hiếm. Đồng thời, có thể do chị T. mắc thêm bệnh lý suy van tĩnh mạch, giãn tĩnh mạch, tăng đông nên mới tắc mạch tứ chi và hoại tử.
Bác sĩ Kiều Dung khuyến cáo, để hạn chế nguy cơ gây suy van tĩnh mạch, huyết khối tĩnh mạch thì phải bảo vệ đôi chân, mang vớ chống giãn tĩnh mạch. Song song, các mẹ cần vệ sinh kỹ vùng kín, vết may tầng sinh môn, tuyến vú để tránh nhiễm trùng.
Nguồn Yan