Ý nghĩa đằng sau câu chuyện sự tích Bánh Dày Bánh Chưng-Người có đức sẽ được phúc báo
Tự tay làm những chiếc Bánh Dày Bánh Chưng, để dâng lên Thần phật, Tổ tiên trong ngày lễ tết là một nét đẹp văn hóa truyền thống qua hàng ngàn năm của dân tộc Việt. Tuy nhiên sự biến đổi của xã hội đã dẫn đến sự thay đổi trong thói quen và tập quán. Ngày nay còn rất ít người tự mình làm điều đó, đây cũng là sự mai một đáng tiếc của những nét đẹp trong văn hóa truyền thống.
Câu chuyện Bánh Dày Bánh Chưng thì ai ai cũng biết, tuy nhiên càng ngẫm mới thấy câu truyện nhắc nhở người đời nay nhiều điều.
Ngày xưa, đời Vua Hùng Vương thứ 6, sau khi đánh dẹp xong giặc Ân, vua có ý định truyền ngôi cho con.
Nhân dịp đầu Xuân, Hùng Vương mới họp các hoàng tử lại, bảo rằng: Con nào tìm được thức ăn ngon lành, để bày cỗ cho có ý nghĩa nhất, thì ta sẽ truyền ngôi vua cho.
Các hoàng tử đua nhau tìm kiếm của ngon vật lạ dâng lên cho vua cha, hy vọng mình lấy được ngai vàng.
Trong khi đó, người con trai thứ 18 của Hùng Vương, là Tiết Liêu (còn gọi là Lang Liêu) có tính tình hiền hậu, lối sống đạo đức, hiếu thảo với cha mẹ. Vì mẹ mất sớm, không có người chỉ vẽ, nên chàng lo lắng không biết làm thế nào.
Một hôm, Tiết Liêu nằm mộng thấy có vị Thần đến bảo: Này con, vật trong Trời Đất không có gì quý bằng gạo, vì gạo là thức ăn nuôi sống con người. Con hãy lấy gạo nếp loại tốt làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng hình Trời và Đất. Hãy lấy lá xanh bọc ngoài, đặt nhân trong ruột bánh, để tượng hình Cha Mẹ sinh thành.
Tiết Liêu tỉnh dậy, vô cùng mừng rỡ. Chàng làm theo lời Thần dặn, chọn gạo nếp thật tốt làm bánh vuông để tượng hình Đất, bỏ vào chõ chưng chín gọi là Bánh Chưng. Và ông giã xôi làm bánh tròn, để tượng hình Trời, gọi là Bánh Dầy Còn lá xanh bọc ở ngoài và nhân ở trong ruột bánh là tượng hình cha mẹ thương yêu đùm bọc con cái.
Đến ngày hẹn, tất cả các hoàng tử đem thức ăn đến bày trên mâm cỗ. Ôi thôi, đủ cả sơn hào hải vị, nhiều món ngon lành. Hoàng tử Tiết Liêu chỉ có Bánh Dầy và Bánh Chưng. Vua Hùng Vương lấy làm lạ hỏi, Tiết Liêu đem chuyện Thần báo mộng kể, giải thích ý nghĩa của Bánh Dầy Bánh Chưng. Vua cha nếm thử, thấy bánh thơm ngon, khen có ý nghĩa, bèn truyền ngôi Vua lại cho Tiết Liêu con trai thứ 18.
Kể từ đó, mỗi khi đến Tết Nguyên Đán, dân chúng làm bánh Chưng và bánh Dày để dâng cúng Tổ Tiên và Trời Đất.
Ý nghĩa đằng sau câu chuyện -Người có đức sẽ được Thần bảo hộ
Tại sao Thần lại chọn Lang Liêu? Chính do sự chất phát, tính tình hiền hậu, lối sống đạo đức, tấm lòng hiếu thảo với cha mẹ của Lang Liêu nên Thần muốn giúp thừa kế ngai vàng. Ngoài ra Thần muốn lưu lại cho dân tộc Việt ta hai loại bánh quý này, để làm đồ tế lễ Thần, Phật, Tổ tiên trong ngày tết. Đây cũng là điểm khác biệt thể hiện đặc trưng riêng của văn hóa dân tộc Việt và văn hóa Trung Hoa.
Hình dạng bánh Dày hình tròn, bánh Chưng hình vuông tượng trưng cho Trời, Đất, nhắc nhở chúng ta nhớ tới ân điển của Trời, Đất đã ban cho ta cuộc sống. Thần Phật dạy bảo con người phải sống chân thật, thiện lương, hiếu thảo, làm người tốt. Câu chuyện nhắc nhở chúng ta cần coi trọng đạo đức, kính ngưỡng Thần Phật, thờ cúng tổ tiên. Làm được như vậy, Thần Phật sẽ trợ giúp chúng ta trong thời khắc khó khăn.
Lịch sử của các dân tộc các nền văn minh đều cho thấy, Thần Phật không những tạo ra con người, mà trong quá trình con người sinh tồn. Trong quá trình con người sinh sống, Thần tiếp tục bảo hộ, giúp đỡ con người. Thần có thể dùng nhiều hình thức khác nhau để dạy dỗ, trợ giúp con người, như với Lang Liêu được Thần báo mộng, chỉ cho cách làm bánh Dày, bánh Chưng, còn rất nhiều trường hợp, Thần trực tiếp chuyển sinh thành người, sống và sinh hoạt giống như con người, để từ đó dạy con người cách sống, cánh duy trì cuộc sống, cách cư xử…. Từ đó tạo ra văn hóa cho con người tại các vùng miền khác nhau.
Ở Trung Quốc khởi đầu có Hiên Viêm Hoàng Đế từ cách đây 5000 năm, ông giúp dân dẹp loạn, dạy dân cách cai trị đất nước, phân chia bờ cõi, phân chia ruộng đất, dạy người dân trồng ngũ cốc và rau quả theo mùa, thuần dưỡng vật nuôi, dạy dân tạo ra lịch, chữ tượng hình, chế ra đơn vị đo, tạo ra nồi chảo bát đĩa, chày cối, nuôi tằm nhả tơ, làm nguyên liệu may quần áo, xiêm y và giày, làm thuyền, tay chèo, cung tên…
Ở nước ta có Tản Viên Sơn Thánh hay Thần Sơn Tinh, ông đã giúp dân chống giặc ngoại xâm, phòng chống thiên tai, dạy dân làm ra lửa, làm ruộng, săn bắn, dạy dân kéo vó, dạy dân luyện võ, dạy dân dệt lụa, dạy dân múa hát…
Văn hóa truyền thống hiện nay đang ngày càng bị mai một, ngày càng có ít người coi trọng, điều này rất nguy hiểm, bởi vì văn hóa truyền thống thực ra chính là văn hóa do Thần truyền cho con người qua đời này đời khác. Quay ngược lại với văn hóa truyền thống chính là đi ngược với tổ tông nòi giống..
Vậy nên, giữ gìn và nâng cao đạo đức, một lòng thành tâm kính ngưỡng Thần Phật, Tổ tông, duy trì những nét đẹp trong văn hóa truyền thống, thật tâm thờ cúng Thần Phật, Tổ tiên… đây chính là đạo lý quan trọng bậc nhất mà mỗi người cần biết và làm theo, có như vậy cuộc sống mới thực sự ý nghĩa, bình an và hạnh phúc.
Biên tập: Kiên Chính