Cô Tấm tu Đạo
Ngày xửa ngày xưa, có hai chị em cùng cha khác mẹ, chị tên là Tấm, em tên là Cám. Mẹ Tấm mất sớm, sau đó mấy năm cha Tấm cũng qua đời, Tấm ở với dì ghẻ là mẹ Cám. Bà mẹ kế này rất cay nghiệt, bắt Tấm phải làm hết mọi việc nặng nhọc từ việc nhà đến việc chăn trâu cắt cỏ. Trong khi đó Cám được nuông chiều không phải làm gì cả.
Một hôm mẹ kế cho hai chị em mỗi người một cái giỏ bảo ra đồng xúc tép, còn hứa “Hễ đứa nào bắt được đầy giỏ thì thưởng cho một cái yếm đỏ”. Ra đồng, Tấm chăm chỉ bắt được đầy giỏ, còn Cám thì mải chơi nên chẳng bắt được gì.
Thấy Tấm bắt được một giỏ đầy, Cám bảo chị:
– Chị Tấm ơi, chị Tấm! Đầu chị lấm, chị hụp cho sâu, kẻo về mẹ mắng.
Tin là thật, Tấm bèn xuống ao lội ra chỗ sâu tắm rửa. Cám thừa dịp trút hết tép của Tấm vào giỏ của mình rồi ba chân bốn cẳng về trước. Lúc Tấm bước lên chỉ còn giỏ không, bèn ngồi xuống bưng mặt khóc hu hu. Không biết kiếp trước mình mắc nợ hai mẹ con họ ra sao mà giờ mình cứ bị ức hiếp thế này? Ngồi đây khóc cũng không giúp ích được gì, Tấm nhìn vào giỏ thì thấy vẫn còn một con cá bống. Tấm đem về thả xuống giếng nuôi, mỗi bữa Tấm đều bớt phần cơm của mình lại một phần rồi đem ra giếng gọi:
Bống bống bang bang
Lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta
Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người.
Cứ như vậy người và cá ngày một quen nhau, không gọi đúng như vậy thì cá bống sẽ không ngoi lên, được Tấm cho ăn thường xuyên bống ngày càng lớn lên trông thấy.
Thấy Tấm sau mỗi bữa ăn thường mang cơm ra giếng, dì ghẻ sinh nghi, bèn bảo Cám đi sau theo dõi. Cám nấp ở bụi cây bên bờ giếng nghe Tấm gọi bống, bèn nhẩm lấy cho thuộc rồi về kể lại cho mẹ nghe. Tối hôm ấy dì ghẻ lấy giọng ngọt ngào bảo với Tấm:
– Con ơi con! Làng đã bắt đầu cấm đồng rồi đấy. Mai con đi chăn trâu, phải chăn đồng xa, chớ chăn đồng nhà, làng bắt mất trâu.
Tấm vâng lời, sáng hôm sau đưa trâu đi ăn thật xa. Ở nhà, mẹ con Cám mang bát cơm ra giếng cũng gọi bống lên ăn y như Tấm gọi. Nghe lời gọi, bống ngoi lên mặt nước. Mẹ Cám đã giăng lưới sẵn, bắt lấy bống đem về nhà làm thịt.
Đến chiều Tấm dắt trâu về, sau khi ăn xong Tấm lại mang bát cơm để dành ra giếng, Tấm gọi nhưng chả thấy bống ngoi lên như mọi khi. Biết là có sự chẳng lành cho bống, Tấm buồn bã trở về phòng rồi ngủ thiếp đi lúc nào không biết.
Trong mơ Tấm thấy mình là công chúa cưỡi con ngựa bạch có cánh, cả hai rất đẹp và lộng lẫy, được vua cha hết sức yêu chiều nên có thể đi dạo chơi khắp nơi trong vương quốc. Một ngày đang cưỡi ngữa đi dạo thì có hai người vô tình làm bẩn bộ váy lộng lẫy của công chúa và làm con ngựa giật mình. Bộ váy bẩn đã đành, lại còn làm con ngựa hoảng sợ; công chúa rất quý con ngựa của mình nên tức giận, liền ra lệnh xử trảm hai người đó. Vua cha cũng cử một vệ sỹ rất giỏi võ âm thầm đi theo bảo vệ công chúa. Trong mơ màng Tấm nhận thức được người vệ sỹ đó rất giống cha mình, còn hai người bị xử trảm đó là hai mẹ con nhà Cám bây giờ.
Cảm thấy giấc mơ rất kỳ lạ, hôm sau Tấm hỏi đường đi đến một ngôi chùa, nghe nói nơi đó có một vị cao tăng đạo hạnh cao thâm. Rất tiếc hôm đó vị cao tăng đã đi vân du Tấm không gặp được, đành buồn bã trở về ngồi bên suối, bỗng từ xa có một vị đạo sỹ đi tới, Tấm cúi mình chào vị đạo sỹ rồi xin phép được hỏi về giấc mơ của mình, đạo sỹ trả lời:
– Đó không phải là giấc mơ, mà là kiếp trước của con. Người vệ sỹ luôn âm thầm bảo vệ con kiếp trước là cha con kiếp này, vì con kiếp trước chưa từng coi trọng người bảo vệ mình khỏi nguy hiểm nên duyên phận ấy chỉ có vậy, cha con phải mất sớm để đầu thai sang kiếp khác. Hai mẹ con nhà Cám đúng là hai người con đã ra lệnh xử trảm, nên giờ họ chuyển sinh đến để đòi nợ con. Còn con ngựa con hay cưỡi chính là con cá bống, nó cũng là nguyên nhân dẫn đến cái chết của họ nên bị mẹ con họ giết hại rồi, món nợ con ngựa đã trả xong, tương lai nó sẽ giúp con. Giờ con hãy trở về hoàn trả nốt món nợ thì tương lai con sẽ tốt đẹp.
Tấm nghe lời trở về, trong tâm vui buồn lẫn lộn, vậy là cá bống đã chuyển sinh sang một kiếp sống khác, mình sắp được gặp lại rồi, con hai mẹ con nhà Cám mình như thế nào mới trả họ xong nợ đây? Trong tâm đã minh bạch vì sao mình lại khổ nên Tấm hàng ngày dù làm việc vất vả nhưng lúc nào cũng nở nụ cười trên môi, vì thế mà Tấm ngày càng trở nên xinh đẹp.
Ít lâu sau nhà vua mở hội trong 3 ngày 3 đêm. Già trẻ gái trai các làng đều nô nức đi xem, trên các nẻo đường, quần áo mớ ba mớ bẩy dập dìu tuôn về kinh như nước chảy. Hai mẹ con Cám cũng sắm sửa quần áo đẹp để đi trẩy hội. Thấy Tấm cũng muốn đi, dì ghẻ lắc đầu, sau đó lấy ra một đấu gạo trộn lẫn với một đấu thóc, bảo Tấm:
– Khi nào nhặt riêng gạo và thóc ra hai đấu thì mới được đi xem hội.
Nói đoạn, hai mẹ con quần áo xúng xính lên đường. Tấm cảm thấy rất buồn, nhưng chợt nghĩ tới lời vị đạo sỹ nói, nên lại tự nhủ trong tâm: – Có lẽ mình phải trả nợ cho hai mẹ con họ, khi nào xong nợ mình đi xem sẽ không ai ngăn nữa. Đang ngồi nhặt thóc chợt Tấm nhìn thấy một chú hươu vàng rất đẹp đang tiến về phía mình, đang ngạc nhiên thì Tấm nghe thấy con hươu nói:
– Công chúa hãy lên lưng tôi, tôi sẽ đưa đi xem hội.
Hươu vàng, ngẩng đầu lên nói với đàn chim sẻ rồi, Tấm chưa hiểu chuyện gì thì bầy chim sẻ đã xa xuống chỉ trong chốc lát đã nhặt xong ra hai đấu một đấu gạo, một đấu thóc. Tấm lúc này đã đoán ra được hươu vàng chính là cá bống đã đầu thai, cũng chính là ngựa bạch mà kiếp trước mình rất trân quý, lời vị đạo sỹ đã ứng nghiệm. Tấm rất vui liền chạy đến ôm cổ hươu, nhưng lại chần chừ không nhảy lên lưng, hươu nhìn một cái liền hiểu ngay, cô công chúa diễm lệ ngày xưa giờ lại mặc một bộ quần áo rách nát thì sao dám đi dạ hội. Hươu cúi đầu xuống bảo Tấm hãy gỡ lấy Nhung rồi đi đến kinh đô đổi lấy một bộ trang phục.
Không mất bao lâu Tấm đã sắm được một bộ trang phục lộng lẫy để dạ hội. Giống như ký ức ùa về Tấm rất cao hứng cưỡi hươu phóng như bay đi ngắm cảnh quanh kinh đô. Nhưng khi phóng qua một cây cầu đá, Tấm đánh rơi một chiếc hài xuống nước, không cách nào mò lên được.
Khi đoàn xe giá chở vua đi qua cầu, con voi ngự bỗng nhiên cắm ngà xuống đất kêu rống lên, không chịu đi. Vua sai quân lính xuống nước thử tìm xem, họ mò được một chiếc hài thêu rất tinh xảo và xinh đẹp. Vua ngắm nghía chiếc hài hồi lâu rồi hạ lệnh cho rao mời tất cả đám đàn bà con gái xem hội ướm thử, hễ ai đi vừa chiếc hài thì vua sẽ lấy làm vợ.
Đám hội lại càng náo nhiệt vì các bà, các cô chen nhau đến chỗ thử giầy. Cô nào cô ấy lần lượt kéo vào ngôi lầu giữa bãi cỏ rộng để ướm một tí cầu may. Nhưng chẳng có một chân nào đi vừa cả. Mẹ con Cám cũng trong số đó. Đến khi Tấm đặt chân vào hài thì vừa như in. Nàng mở khăn lấy luôn chiếc thứ hai đi vào. Hai chiếc hài giống nhau như đúc. Bọn lính hầu hò reo vui mừng. Lập tức vua sai đoàn tỳ nữ rước Tấm vào cung. Lúc này mẹ con nhà Cám đã nhận ra người xỏ vừa chiếc hài chính là Tấm trong tâm ghen tỵ nổi lên nhưng cũng chỉ đưa ánh mắt hằn học nhìn Tấm bước vào trong kiệu.
Tuy sống sung sướng trong hoàng cung. Tấm vẫn không quên ngày giỗ cha. Nàng xin phép vua trở về nhà để soạn cỗ cúng giúp dì. Mẹ con Cám thấy Tấm sung sướng thì ghen ghét đố kỵ. Nay thấy Tấm về, lòng ghen ghét lại bùng bốc lên. Nghĩ ra được một mưu, mụ dì ghẻ bảo Tấm:
– Trước đây con quen trèo cau, con hãy trèo lên xé lấy một buồng cau để cúng bố.
Tấm vâng lời trèo lên cây cau, lúc lên đến sát buồng thì ở dưới này mụ dì ghẻ cầm dao đẵn gốc. Tấm chưa kịp xé buồng cau thì cây cau đã đổ. Tấm ngã lộn xuống ao rồi tắt thở. Mụ dì ghẻ vội vàng lột áo quần của Tấm cho con mình mặc vào cung nói dối với vua rằng Tấm không may bị rơi xuống ao chết đuối, nay đưa em vào để thế chị. Vua nghe nói trong bụng không vui, nhưng không biết phải làm thế nào cả.
Lại nói chuyện Tấm chết hóa thành chim Vàng anh, chim bay một mạch về kinh đến vườn ngự. Thấy Cám đang giặt áo cho vua ở giếng, Vàng anh dừng lại trên cành cây, bảo nó: – Phơi áo chồng tôi, phơi lao phơi sào, chớ phơi bờ rào, rách áo chồng tôi.
Rồi chim Vàng anh bay thẳng vào cung rồi đậu ở cửa sổ, hót lên rất vui tai. Vua đi đâu, chim bay đến đó. Vua đang nhớ Tấm không nguôi, thấy chim quyến luyến theo mình, vua bảo:
– Vàng ảnh vàng anh, có phải vợ anh, chui vào tay áo.
Chim vàng anh bay lại đậu vào tay vua rồi rúc vào tay áo. Vua yêu quý vàng anh đến ăn ngủ cũng để bên cạnh. Vua sai làm một cái lồng bằng vàng cho chim ở. Từ đó, ngày đêm vua chỉ nói chuyện với chim, không tưởng đến Cám.
Cám vội về mách mẹ. Mẹ nó bảo cứ bắt chim làm thịt ăn rồi kiếm điều nói dối vua. Trở lại cung vua, nhân lúc vua đi vắng, Cám bắt chim làm thịt nấu ăn rồi vứt lông chim ở ngoài vườn.
Lông chim vàng anh chôn ở vườn hoá ra hai cây xoan đào. Khi vua đi chơi vườn ngự, cành lá của chúng sà xuống che kín thành bóng, như hai cái lọng. Vua thấy cây đẹp rợp bóng, sai lính hầu mắc vọng vào hai cây rồi nằm chơi hóng mát. Khi vua đi khỏi thì cành cây lại vươn thẳng trở lại. Từ đó, không ngày nào Vua không ra nằm hóng mát ở hai cây xoan đào.
Cám biết chuyện ấy lại về nhà mách mẹ. Mẹ nó bảo, cứ sai thợ chặt cây làm khung cửi rồi kiếm điều nói dối vua. Về đến cung, nhân một hôm gió bão, Cám sai thợ chặt cây xoan đào lấy gỗ đóng khung cửi. Thấy cây bị chặt, vua hỏi thì Cám đáp:
– Cây bị đổ vì bão, thiếp sai thợ chặt làm khung cửi để dệt áo cho bệ hạ.
Khi khung cửi đóng xong. Cám ngồi vào dệt lúc nào cũng nghe thấy tiếng khung cửi rủa mình:
Cót ca cót két
Hãm hại người thân
Lấy tranh chồng chị.
Là người xấu xa.
Thấy vậy Cám sợ hãi, vội về nhà mách mẹ. Mẹ nó bảo đốt quách khung cửi, rồi đem tro đi đổ cho xa để được yên tâm. Về đến cung, Cám làm như lời mẹ nói. Nó đem tro đã đốt đi đổ ở lề đường cách xa hoàng cung. Đống tro bên đường lại mọc lên một cây thị cao lớn, cành lá xum xuê. Đến mùa có quả, cây thị chỉ đậu được có một quả, nhưng mùi thơm ngát tỏa ra khắp nơi. Một bà lão hàng nước gần đó có một hôm đi qua dưới gốc, ngửi thấy mùi thơm, ngẩng đầu nhìn lên thấy quả thị trên cành cao, bèn giơ bị ra nói lẩm bẩm:
– Thị ơi thị rơi bị bà, bà để bà ngửi chứ bà không ăn.
Bà lão nói vừa dứt lời, thì quả thị rụng ngay xuống đúng vào bị. Bà lão nâng niu đem về nhà cất trong buồng, thỉng thoảng lại vào ngắm nghía và ngửi mùi thơm. Ngày nào bà lão cũng đi chợ vắng. Từ trong quả thị chui ra một cô gái thân hình bé nhỏ như ngón tay, nhưng chỉ trong chớp mắt đã biến thành Tấm. Tấm vừa bước ra đã cầm lấy chổi quét dọn nhà cửa sạch sẽ, rồi đi vo gạo thổi cơm, hái rau ở vườn nấu canh. Đoạn Tấm lại thu hình bé nhỏ như cũ rồi chui vào quả thị. Lần nào đi chợ về, bà lão hàng nước cũng thấy nhà cửa ngăn nắp, cơm ngon, canh ngọt sẵn sàng, thì lấy làm lạ.
Một hôm bà hàng nước giả vờ đi chợ, đến nửa đường lại lén trở về, nấp ở bụi cây sau nhà. Trong khi đó, Tấm từ quả thị chui ra rồi cũng làm việc như mọi lần. Bà lão rón rén lại nhìn vào khe cửa. Khi thấy cô gái xinh đẹp thì bà mừng quá, bất thình lình xô cửa vào ôm choàng lấy Tấm, đoạn xé vụn vỏ thị. Từ đó Tấm ở với bà hàng nước, hai người thương nhau như hai mẹ con. Hàng ngày Tấm giúp bà lão các việc thổi cơm, nấu nước, gói bánh, têm trầu để cho bà bán hàng.
Một hôm vua đi chơi ra khỏi hoàng cung, Thấy có quán nước bên đường sạch sẽ, bèn ghé vào. Bà lão mang trầu nước dâng lên vua. Thấy trầu têm cánh phượng, vua sực nhớ tới trầu vợ mình têm ngày trước cũng y như vậy, liền hỏi:
– Trầu này ai têm?
– Trầu này con gái lão têm – bà lão đáp.
– Con gái của bà đâu, gọi ra đây cho ta xem mặt.
Bà lão gọi Tấm ra. Tấm vừa xuất hiện, vua nhận ra ngay vợ mình ngày trước, có phần trẻ đẹp hơn xưa. Vua mừng quá, bảo bà lão hàng nước kể lại sự tình, rồi truyền cho quân hầu đưa kiệu rước Tấm về cung. Cám Thấy Tấm trở về và được vua yêu thương như xưa, thì không khỏi ghen tỵ. Một hôm, Cám hỏi chị:
– Chị Tấm ơi, chị Tấm! Chị làm thế nào mà đẹp thế?
– Chị không làm gì cả, chỉ sống thiện lương nên được trời cho như thế!
Cám không tin, cho rằng Tấm giấu mình bí quyết nào đó nên về nhà nói với mẹ. Hai mẹ con suy đi ngẫm lại thì chỉ thấy rằng từ lúc Tấm trèo cây cau ngã xuống có thể không chết mà lại được trẻ lại. để chắc chắn hai mẹ con ra nơi giấu chôn xác của Tấm khi xưa thì quả thật không có gì ở đó cả. Thế là về nhà Cám cũng trèo lên hái cau để mẹ chặt gốc với mong muốn được trẻ lại xinh đẹp như Tấm, sau khi cây đổ xuống Cám chết đã được mấy ngày, thân xác đã bắt đầu thối rữa, mẹ Cám bắt đầu hoang mang, tinh thần trở nên điên đảo, chẳng bao lâu thân xác héo khô rồi mất.
Còn nói về Tấm, sau khi đã chuyển sinh qua rất nhiều lần, làm chim vàng anh, làm cây xoan đào, làm khung cửi, làm quả thị, trong tâm đã cảm nhận được thế nào là nhân quả luân hồi, thiện ác hữu báo nên một đời sống tốt, làm rất nhiều việc thiện, sau khi con đã trưởng thành được vua lập làm thái tử, cô Tấm ngày nào giờ cũng đã trở thành Thái hậu. Trong lòng không con vướng bận nữa nên Tấm rời khỏi hoàng cung, tìm đến một đạo viện thanh tịnh hằng ngày ngỗi tĩnh tâm đọc kinh sách. Nghe nói sau này tại đạo viện đó Tấm đã đắc đạo thành tiên.
Tác giả: Cửu Liên Hoa