Tiền bất chính không thể lấy, có được rồi cũng chóng tiêu tan
Tục ngữ có câu: “Quân tử yêu tiền tài, dùng nó cho việc đạo”. Vậy nếu không thì sao? Có những người rất biết cách kiếm tiền, nhưng rồi cuối cùng cũng phải tiêu hao sạch sẽ, vậy nguyên nhân ẩn khuất phía sau đó là gì? Ba câu chuyện nhỏ dưới đây sẽ nói cho bạn biết điều này.
Một lần tham lam ăn cắp, vị lão sư bị phạt nghiện rượu nặng, tiêu hao hết tiền tài
Khương Ứng Triệu là người ở huyện Sùng Đức, Chiết Giang, bình thường là người rất cẩn thận và đôn hậu. Ông nổi tiếng xưa nay rất ghét rượu, nên tuyệt nhiên không bao giờ đụng tới rượu.
Bình thường ông làm nghề dạy học trong thôn, học sinh đi theo học ông rất đông.
Một hôm, Khương Ứng Triệu đang trên đường về thì gặp phải một người hàng xóm say xỉn, ông bèn dìu người đó về nhà. Nhưng trong lúc vô ý, ông phát hiện trong tay áo của người hàng xóm có vài ngân lượng, do đó, nhân lúc người hàng xóm còn xỉn ông đã lén trộm đi.
Đêm đó, một học sinh đang học trong nhà ông, đột nhiên nghe thấy có tiếng người đẩy cửa vào. Người đó bỗng tiến đến và nói: “Người chủ nhà này thật kém đức hạnh. Thượng đế coi ông ta là một người thận trọng, nên mới không nỡ giết ông ta nhanh như vậy. Tạm thời Ngài đã phái ta đến đây để quấy phá ông ta”.
Sau khi trời sáng, học sinh đã đem chuyện này nói cho Khương Ứng Triệu. Ông nghe xong thì cảm thấy vừa kinh ngạc vừa sợ hãi. Từ đó, ông bỗng nhiên mắc tật thích rượu, thường hay say khướt. Ông của hiện tại và lúc trước bỗng trở thành như hai con người hoàn toàn khác nhau.
Cứ như vậy được nửa năm, tiền ông mua rượu nhiều gần bằng số tiền mà ban đầu ông trộm được.
Học sinh của ông từ lúc thấy thầy giáo cả ngày cứ uống rượu say khướt như thế, thật khó mà dạy học, nên cũng đều giải tán. Ông bỗng chốc mất đi kế sinh nhai của mình, nên gia cảnh trở nên túng quẫn. Người nhà họ Khương thấy vậy, khuyên bảo ông hãy cai rượu nhưng ông vẫn không nghe.
Một hôm, Khương Ứng Triệu đến một quán rượu, gặp một cô gái có ý định bừa bãi với ông.
Khi đó, ông suy nghĩ: “Trước đây vì một lần sai lầm mà đi đến bước này. Đời người lại ngắn, chớp mắt là trôi qua, sao cho phép bản thân lại tiếp tục sai?”,
Nghĩ vậy, ông liền từ chối cô gái ấy, không muốn làm ra chuyện bất nghĩa nào nữa.
Một đêm nọ, ông nằm mơ thấy một vị thần. Vị Thần này nói: “Ta chính là tửu nghiệt (rượu ác). Vì người trước đây đã lấy tiền của người khác, nên ta đến để khiến ngươi hoang phí. Đêm qua, ngươi đã từ chối cô gái lầu xanh ấy, làm được việc tốt. Thượng đế đã sai ta trở về”.
Sáng ngày hôm sau, Khương Ứng Triệu tự dưng phục hồi lại trạng thái trước kia là ghét rượu. Thấy thầy giáo không còn nghiện rượu nữa, học sinh từ đó cũng trở về bên cạnh ông. Nhà của họ Khương cũng trở nên tốt lên từng ngày, và thành người giàu có.
Quan huyện lấy tiền bất chính, quỷ sai phái cô gái lầu xanh đến phá tiền tài
Vào thời nhà Thanh, ở huyện Hiến có một vị quan lại họ Vương, hiểu biết nhiều điều về hình pháp nên hay giúp người muốn thoát tội viết cáo trạng, nhờ vậy mà ông kiếm được rất nhiều tiền cho việc này.
Nhưng có một điều, hễ người họ Vương này tích được một khoản tiền thì chắc chắn sẽ có một chuyện khác xảy ra ngoài ý muốn, khiến cho tiền ông ta kiếm được phút chốc hết sạch.
Cùng lúc đó, có một cậu bé học đạo ở miếu Thành Hoàng. Một đêm nọ, cậu bé trong lúc đang đi lại giữa các phòng hai bên phía Đông và Tây, thì nhìn thấy có hai con quỷ đang cầm sổ sách hạch toán.
Một con quỷ trong đó nói: “Năm nay ông ta kiếm được rất nhiều tiền, nên dùng cách gì để tiêu hết khoản đó?”. Đang trong lúc trầm mặc suy nghĩ, một con quỷ khác lại nói: “Thúy Vân là đủ, không cần quá phiền phức”.
Do trong miếu Thành Hoàng thường hay gặp quỷ, nên cậu bé nhìn thấy mãi cũng quen rồi, không còn thấy sợ nữa, chỉ là cậu ta không biết Thúy Vân là ai, cũng không biết lũ quỷ đang muốn tiêu tiền của ai.
Không lâu sau, trong huyện xuất hiện một cô gái lầu xanh tên là Thúy Vân, vị họ Vương đó rất yêu thương cô ấy. Vì cô ấy, mà tiền tích lũy đều tiêu sạch hết tám chín phần, cuối cùng còn mang thêm căn bệnh lở loét.
Vị họ Vương phải chạy vạy khắp nơi để chữa bệnh, kết quả là khoản tiền còn sót lại đều tiêu sạch, vậy mà cũng đâu dễ gì trị được những vết loét đó.
Có người tính toán rằng, số tiền họ Vương đó viết cáo trạng kiếm được, nhắm khoảng ba bốn vạn lượng cũng tương đương với số tiền ông ta đem tiêu mất.
Rồi không chỉ tiền bạc trong chớp mắt đã không còn, mà vị họ Vương sau này còn đột nhiên phát cuồng rồi chết, tiền để người nhà mua quan tài cho ông ta cũng không có mà mua.
Kiếm tiền từ quốc nạn, bị bạn bè lừa gạt
Lấy tiền bất chính rất dễ bị phá tiền, điều này không chỉ xảy ra ở thời cổ đại mà ngay cả thời hiện đại cũng có.
Điển hình hồi đầu năm 2020, Trung Quốc có xảy ra trận đại dịch virus Vũ Hán. Trong nước, một vài cửa hàng nhìn thấy cơ hội kinh doanh đã đến, nên tranh thủ sản xuất ra hàng loạt khẩu trang. Tuy nhiên, nếu trong tình huống thông thường, thì chi phí khẩu trang khá thấp, giá cả cũng hợp lý. Nhưng trong tình huống dịch bệnh, những khẩu trang này đã lên từ vài tệ cho đến vài trăm tệ.
Người viết có quen một vị thương gia, ông này cũng hiểu rõ thời thế hiện tại, nên cũng sản xuất ra hàng loạt khẩu trang để tiêu dùng ở những khu vực Châu Âu và Trung Quốc. Thế là chỉ trong ba tháng ngắn ngủi, tiền ông thu về được có khi lên đến ngàn vạn tệ.
Trong thời gian dịch bệnh, nhưng vị thương gia này lại nhanh chóng phát tài, trong tay toàn là tiền nên ông ấy muốn đầu tư thêm nhiều lĩnh vực sinh thêm lãi, do đó ông đã cùng với một người bạn hợp tác ký một bản đầu tư.
Tuy nhiên, vị thương gia này đã không ngờ rằng, người bạn mình tin tưởng đã ôm tiền bỏ trốn, lừa hết của ông khoảng hơn bảy trăm vạn. Tai họa đến bất ngờ, vị thương gia trong một đêm mà tức giận đến mức ngất xỉu.
Vậy nên trong giới làm ăn, rất nhiều thương nhân cũng biết được điều này, họ thường ghi nhớ một câu rằng: Không kiếm tiền từ việc gây tổn thất cho quốc gia.
Cho đến giờ, vẫn còn rất nhiều người tin tưởng vào đạo lý ấy, nếu lấy tiền của người đang gặp nguy hiểm thì không hợp với đạo nghĩa, là không thể lấy.
Thực ra, ba câu chuyện nhỏ vừa kể trên, cho dù là xưa hay nay, dẫu thời gian hay địa điểm có thay đổi, nhưng đều giảng chung một đạo lý rằng, đồng tiền mà bất chính thì đến cũng nhanh mà đi cũng nhanh.
Đức hạnh không có, không hợp với phúc phận. Thì như trong “Chu Tử Trị Gia Cách Ngôn” từng nói: “Đức không xứng vị, tất có tai ương”. Lời này thật hay.
Chúc Di (Tinhhoa dịch)
Nguồn Epoch Times