Câu chuyện về chiếc bình nứt: Biến khiếm khuyết bản thân trở thành lợi thế
Trên đời không có ai là hoàn hảo, dù có là bậc vĩ nhân thì vẫn luôn có những khuyết điểm. Tuy nhiên nếu biết chấp nhận và tận dụng thì bạn hoàn toàn có thể biến những chỗ không toàn vẹn đó trở thành lợi thế.
Trong cuộc đời, có không ít lần chúng ta tự chất vấn bản thân vì thấy mình không được tốt đẹp hay may mắn như người khác.
Đã có lúc bạn thấy tự ti, xấu hổ về điều đó. Không những khuyết điểm hoàn toàn không tệ như bạn nghĩ. Chuyện về chiếc bình nứt sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về điều đó.
Câu chuyện người nông dân dùng bình gốm gánh nước
Một người gùi nước ở Ấn Độ có 2 cái bình gốm lớn, mỗi cái được cột vào đầu một đòn gánh để anh ta gánh về nhà.
Vào mỗi buổi sáng, anh đặt đôi quang gánh lên vai, múc nước vào đầy hai chiếc bình này và gánh chúng từ suối vào làng. Mọi việc diễn ra rất suôn sẻ, bởi người nông dân của chúng ta rất chăm chỉ, ông không ngại khó, ngại khổ, làm việc hăng say.
Một trong 2 cái bình còn rất tốt và không bị rò rỉ chỗ nào cả. Cái còn lại có một vết nứt nên sau quãng đường dài đi bộ về nhà, nước bên trong chỉ còn lại có một nửa.
Suốt 2 năm trời anh ta vẫn sử dụng 2 cái bình gùi nước đó, mặc dù lượng nước mà anh ta mang về nhà không còn nguyên vẹn.
Và lẽ dĩ nhiên, cái bình tốt tỏ vẻ hãnh diện về sự hoàn hảo của mình, trong khi cái bình nứt vô cùng xấu hổ và có cảm giác thất bại.
Niềm day dứt của chiếc bình nứt
Một ngày nọ, bên dòng suối, cái bình nứt đã thưa chuyện với người gùi nước:
“Tôi rất xấu hổ về bản thân và muốn nói lời xin lỗi ông. Suốt 2 năm qua, do vết nứt của tôi mà nước đã bị rò rỉ trên đường về nhà, ông đã làm việc chăm chỉ nhưng kết quả mang lại cho ông đã không hoàn toàn như ông mong đợi”.
Người gùi nước nói với cái bình nứt:
“Khi chúng ta trên đường về nhà, ta muốn ngươi chú ý đến những bông hoa tươi đẹp mọc bên vệ đường”.
Chiếc bình nứt đã ngắm nhìn rất kỹ lối mòn từ suối về làng, nhưng nó không thấy gì khác ngoài việc thấy một bên đường tràn đầy những nụ hoa chúm chím.
Cho đến khi đến cuối con đường, chiếc bình thú nhận với người nông dân rằng, nó không tìm thấy điều gì đặc biệt trên suốt dọc đường đi. Ở đó chỉ có những bông hoa. Và chiếc bình vẫn cảm thấy rất tệ bởi nước đã chảy ra rất nhiều, một lần nữa nó lại xin lỗi người gùi nước.
Hoa bên đường cùng nhau khoe sắc thắm
Nghe xong nỗi niềm từ tâm chiếc bình nứt, người nông dân điềm đạm nói:
“Ngươi có thấy rằng những bông hoa kia chỉ nở một bên vệ đường, chỉ phía bên của ngươi không? Thật ra, ta đã biết về vết nứt của ngươi, ta đã gieo một số hạt hoa ở vệ đường phía bên đó, và mỗi ngày khi ta gùi nước về nhà, ta đã tưới chúng bằng nước từ chỗ rò rỉ của ngươi.
Suốt 2 năm qua, nửa đường bên ấy hoa nở rất đẹp, và ta đã hái chúng đem bán, số tiền thu được còn lớn hơn giá trị của những bình nước. Không có vết nứt của ngươi, ta cũng đã không có những bông hoa để làm đẹp suốt dọc con đường”.
Một dòng nước nhỏ từ từ chảy qua khe nứt của chiếc bình nứt. Chúng ta có thể đoán rằng, nó đang khóc.
Chiếc bình im lặng, nó không biết phải nói gì thêm, chỉ biết rằng, nó sẽ nương nhờ cho chủ nhân của mình cho tới khi trở thành những mảnh nhỏ, hòa lại vào với đất, nơi từ đó nó đã lớn lên.
Bài học nhân sinh: Biến khiếm khuyết trở thành lợi thế
Chiếc bình có vết nứt mặc cảm tự ti, cảm thấy mình vô dụng, nhưng người nông dân biết tận dụng nó, hóa ra vết nứt lại trở nên có ích.
Còn chiếc bình lành tưởng chừng rất hoàn hảo nhưng hóa ra nó “khuyết” ở chỗ không thể làm cho những luống hoa ven đường tươi đẹp lên.
Điều đó càng khẳng định không có ai hoàn hảo cả. Và chúng ta cần phải luôn bổ sung cho nhau để tạo ra những giá trị tốt đẹp.
Đã bao lần bạn mặc cảm về những khiếm khuyết của bản thân bạn học không giỏi, hát không hay, bạn không xinh đẹp …
Và điều ấy khiến cho bạn buồn, tự ti. Những khuyết điểm đó giống như những vết nứt, ngày càng hằn sâu khiến bạn không khỏi mặc cảm.
Câu chuyện “Chiếc bình nứt” khép lại mang đến cho chúng ta thật nhiều suy tư. Đối diện với những khiếm khuyết của chính mình, mỗi người cần học cách chấp nhận, đồng thời hướng đến những điều tốt đẹp của bản thân.
Ai cũng có những khuyết điểm nhưng đằng sau những khuyết điểm ấy, mỗi người vẫn luôn có giá trị riêng. Hãy biết cách tận dụng và biến nó thành lợi thế của mình để thành công hơn trong cuộc sống.
Nguồn: songdep
Thái An biên tập