Cửa sắc là cửa tử: Người xưa từ bỏ sắc dục như thế nào?
Cổ nhân xưa có câu: “Vạn ác dâm vi thủ”, trong vạn cái ác tà dâm đứng đầu. “Lễ ký. Lễ vận” có viết: “Ẩm thực nam nữ, nhân chi đại dục tồn yên”. Đại ý là việc ăn uống và tình cảm nam nữ là những ham muốn lớn của con người. Cho nên Nho gia chủ trương lấy lễ ức chế dục, đó là lời dạy của thánh nhân từ xưa đến nay trong việc kìm hãm dục vọng ăn uống và chuyện phòng the.
Đạo gia nói: Người có thể từ bỏ dục vọng nam nữ và ăn uống thì có thể thọ ngang với Trời. Ham muốn nữ sắc không chỉ khiến cho cơ thể mất đi chân khí, mà còn dễ dàng làm cho người ta giảm thọ và phúc đức, học hành cũng không lên cao được. Người tu Đạo nếu không đoạn dục thì ác nghiệp sẽ đầy thân, không cách gì có thể lên Trời được.
Người cổ đại Trung Quốc nói chung thường tự kỷ luật hơn người hiện đại về vấn đề từ bỏ sắc dục. Long Tuân, một cư sĩ Phật giáo vào triều đại nhà Minh, đã viết “thực sắc thân ngôn”, ghi lại nhiều quan điểm và phương pháp của người xưa về ẩm thực và sắc dục, khuyến khích mọi người không sát sinh và tiết chế dục vọng.
Đế vương từ bỏ sắc dục
Lương Vũ Đế cả đời tín Phật, ông từng nói với ngự sử trung thừa Hạ Sâm rằng: “Trẫm đã đoạn tuyệt với chuyện phòng the trong hơn 30 năm nay, cũng không ngủ cùng với phụ nữ trong hơn 30 năm nay”. Lương Vũ Đế sống thọ 85 tuổi.
A Sa Bất Hoa, tể tướng nhà Nguyên, ông đã nhìn thấy sắc mặt của Nguyên Vũ Tông (vị hoàng đế thứ 3 của triều đại nhà Nguyên) ngày càng tiều tụy nên mới khuyên ngăn rằng: “Bệ hạ không biết ăn 8 loại thực phẩm quý hiếm như chân gấu, có hàng vạn thứ quý giá thì bệ hạ không trân quý, lại chỉ đam mê uống rượu, sa vào nữ sắc, việc này giống như là dùng 2 cái rìu mà chặt một cái cây, làm sao mà không đổ cho được”. Đến năm thứ hai thì Nguyên Vũ Tông qua đời khi chỉ mới 30 tuổi.
Ngày xưa có một vị quốc vương rất háo sắc, thường xuyên phóng túng dục vọng của bản thân. Có một vị tăng nhân đã dùng một bài kệ để khuyên ngăn rằng: “Con mắt thì có ghèn mắt, cái mũi thì có nước mũi, miệng thì có nước bọt, bụng thì chứa đầy chất thải. Vậy mà đại vương không có đôi mắt trí tuệ, đến nỗi sa vào nữ sắc mà bỏ bê việc triều chính. Tôi nhìn thấy những việc này mà chán ghét, cho nên mới xuất gia làm hòa thượng”.
Có bài thơ miêu tả về kỹ nữ như sau: “Da bọc thịt xương cũng đều là phân và nước tiểu, bề ngoài làm ra xinh đẹp để mê hoặc người khác. Anh hùng thiên cổ đều là vì cái này, trăm năm đều bị hãm trong cõi trần này”.
Giới văn nhân từ bỏ sắc dục
Lễ bộ thượng thư Tiết Văn Thanh vào triều đại nhà Thanh đã nói rằng: “Tửu sắc khiến người ta hồ đồ, say mê nó sẽ làm tổn hao chí khí, thương tổn sinh mệnh, bại hoại đạo đức, vô cùng nguy hiểm. Người đời cho rằng nó vui thích, tôi thì không biết vui ở chỗ nào. Chỉ muốn tâm được thanh tịnh và ít dục vọng, vậy thì khí sẽ bình ổn, thân thể sẽ thảnh thơi, vậy là vui thích rồi”.
Trình Di, nhà triết học thời Bắc Tống nói rằng: “Dục vọng nảy sinh, phải dùng lễ nghĩa mà ức chế nó”. Chu Hy thời Nam Tống đã hình dung dụng vọng như là đầm lầy, ông nói rằng: “Quan sát đầm lầy để ngăn chặn tâm sắc dục. Sắc dục cùng với đầm lầy dơ bẩn, đều là bùn nhơ nước bẩn. Những thứ ô uế dễ dàng tiêm nhiễm vào con người, phải ngăn chặn nó ngay từ ban đầu”.
Phương Hiếu Nho, một nhà nho vào đầu thời đại nhà Minh nói rằng: “Ài! Đam mê và ham muốn mà so với thanh kiếm thì còn lợi hại hơn. Mọi người thường chỉ cẩn thận coi chừng nóng lạnh xâm nhập bản thân, mà không có đề phòng mối họa ham muốn sắc dục đang ngày càng lớn lên”.
Tiến sĩ Lưu Nguyên Thành vào cuối triều đại Bắc Tống từng nói rằng: “Ta đoạn tuyệt nữ sắc đã được 30 năm, khí huyết và ý thức vẫn giống như năm đó, cả ngày tiếp đón kẻ sĩ bằng hữu, vui vẻ nói chuyện, mặc dù cả đêm không ngủ, đến sáng hôm sau vẫn minh mẫn như không có chuyện gì”. Mà người thời nay đều khen ngợi: Học vấn của Lưu Nguyên Thành có thể nói gọn trong một chữ “Thành”, cũng là nhờ ông không có gần gũi nữ sắc.
Thi sĩ Dương Vạn Lý đã nói dí dỏm về những người háo sắc là: “Diêm vương còn chưa gọi mà bạn đã tự áp giải đến, tại sao vậy chứ?”.
Học giả Tạ Lương Tá, một trong 4 vị tiên sinh của Trình Môn thời nhà Tống nói rằng: “Ta đoạn tuyệt sắc dục đã hơn 20 năm. Một người muốn có thành tựu thì cơ thể phải khỏe mạnh cường tráng, như vậy mới có thể gánh vác trách nhiệm, để được như vậy thì nhất định phải đoạn tuyệt sắc dục”.
Lý Hạo, đại thần nước Hậu Thục thời Ngũ Đại nói rằng: “Trần Thuật Cổ ham mê nữ sắc, phóng túng dục vọng mà bị ma quỷ sỉ nhục. Ta đoạn tuyệt sắc dục đã lâu rồi, sở dĩ ma quỷ không dám đến gần ta, cũng không phải là có pháp thuật gì cả”.
Trong “Hoàng đế nội kinh. Tố Vấn “có nói rằng: “Điềm đạm hư vô, chân khí sung túc, tinh thần vững vàng thì đẩy lùi được bệnh tật, nhàn rỗi mà ít dục, tâm an mà không sợ, ham muốn không thể làm vướng mắt, dâm tà không thể làm bận tâm, cho nên có thể sống đến trăm tuổi mà cơ thể vẫn hoạt bát, bảo toàn được đức mà không gặp nguy nan”.
Vương Văn Mô, một y học gia thời nhà Minh, trong cuốn “Toái kim lục” có nói rằng: “Ta cẩn thận quan sát con người nơi thế gian, đều là vội vội vàng vàng mà đi đến chỗ chết, giống như trăm sông đều đổ về biển vậy. Cái chết của bọn họ có 2 nguyên nhân: Một là xúc phạm đến danh dự địa vị của người khác, một cái khác là mạo phạm đến nữ sắc trong phòng the. Nếu không phải là như vậy, thì trong 1 vạn người mới chỉ có 1 hoặc 2 người là khác đi thôi”.
Lan Hòa biên tập
Nguồn: Tinh hoa