Dạy con tích cực: Làm cha mẹ Quyết đoán bằng cách kết hợp đồng thời “NHU” & “CƯƠNG”
Nhà tâm lý học và phát triển Diana Baumrind sau quá trình nghiên cứu và quan sát mối quan hệ giữa cha mẹ – con cái, dựa trên 3 yếu tố: mức độ can thiệp và chấp nhận con; mức độ kiểm soát con, mức độ cho con quyền quyết định. Bà đã chỉ ra 4 phong cách làm cha mẹ & nuôi dạy con phổ biến.
1. Cha mẹ Thờ ơ – Không can thiệp
2. Cha mẹ Dễ dãi
3. Cha mẹ Độc đoán
4. Cha mẹ Quyết đoán
Dạy con theo Kỷ luật tích cực là thái độ kết hợp đồng thời giữa “NHU”: Nhẹ nhàng, Tình cảm, Kiên nhẫn, Yêu thương và “CƯƠNG”: Kiên quyết, Rõ ràng, Nhất quán, Dứt khoát.
Kỷ luật tích cực cần có sự cân bằng và nhất quán, sẽ không có đòn roi, quát nạt hay doạ dẫm, nhưng cũng không có sự chiều chuộng thái quá, nhu nhược hay “đội con lên đầu”. Mục tiêu hướng đến là dạy con con những cách cư xử tốt và phát huy hành vi tốt, thay vì lấy cảm giác đau đớn từ hình phạt, hay xấu hổ vì bị chì chiết.
Vậy 4 phong cách làm cha mẹ kể trên tương ứng ra sao với việc thực hành Kỷ luật tích cực, kết hợp đồng thời “NHU” & “CƯƠNG”? Và khi dạy con theo từng phong cách đó, con sẽ lớn lên và phát triển theo xu hướng như thế nào?
Cha mẹ Thờ ơ, không can thiệp: chẳng Nhu mà cũng chẳng Cương
Cha mẹ không đòi hỏi hay mong đợi gì nhiều ở con, cũng không phản hồi hay đáp ứng sát sao cho các nhu cầu cảm xúc và kết nối của con. Cha mẹ trong nhóm này thường lạnh lùng, không quan tâm, không đặt ra quy tắc, không can thiệp và không thể hiện nhiều cảm xúc. Lý do có thể là quá bận rộn với công việc, hoặc có vấn đề tâm lý.
Khi lớn lên trong môi trường nuôi dưỡng thờ ơ, con trẻ sẽ thường phát triển những hành vi bốc đồng, nông nổi, dễ lạm dụng chất kích thích và thậm chí phạm tội.
Cha mẹ Dễ dãi: quá Nhu mà chẳng Kiên quyết tí nào
Cha mẹ vô cùng tình cảm, vô cùng ấm áp và vô cùng dễ dãi chiều chuộng theo mọi đòi hỏi của con. Không đặt ra bất kỳ yêu cầu, quy tắc hay nguyện vọng nào, vì họ sợ có thể làm tổn thương con hoặc con nghĩ là cha mẹ không yêu con đủ. “Nhân danh tình yêu con”, họ sẽ chiều theo mọi thứ con muốn.
Khi lớn lên trong môi trường nuôi dưỡng quá dễ dãi, được chiều chuộng thái quá, trẻ sẽ phát triển các hành vi bốc đồng, nông nổi, ích kỷ, xem mình là trung tâm, kỹ năng giao tiếp xã hội kém và thường gặp khó khăn trong việc phát triển những mối quan hệ lành mạnh và vững chắc khi lớn lên.
Cha mẹ Độc đoán: quá Cương mà chẳng Nhẹ nhàng – Tình cảm – Ấm áp tí nào
Cha mẹ mong đợi con phải tuân thủ theo mọi quy tắc, mong đợi và sự sắp đặt của mình, vì “người lớn thì luôn đúng, trẻ con thì biết gì mà nói”. Cha mẹ đặt ra những yêu cầu rất cao và khắt khe và muốn con phải thực thi được tất cả. Khi con không tuân thủ, họ sẽ dùng hình phạt và cảm giác đau lớn để áp chế hành vi của con và thường bỏ qua các nhu cầu cảm xúc, các tâm tư tình cảm của trẻ.
Khi lớn lên trong môi trường nuôi dưỡng quá lạnh lùng, áp lực và độc đoán, trẻ sẽ phát triển nhận định thấp kém về bản thân, cảm thấy thua thiệt, kết quả học tập ảnh hưởng, kỹ năng xã hội yếu, và nghiêm trọng hơn là các rối loạn tâm thần, lạm dụng chất kích thích và các hành vi bộc phát, bốc đồng.
Cha mẹ Quyết đoán: kết hợp đồng thời và cân bằng Kiên quyết – Nhất quán – Dứt khoát và Nhẹ nhàng – Tình cảm – Ấm áp
Cha mẹ đặt ra những quy định và quy tắc rõ ràng cho con hiểu, có mong đợi ở hành vi và cách cư xử của con một cách phù hợp, ưu tiên đồng hành và hỗ trợ dạy dỗ con trước, và áp dụng kỷ luật tích cực cho hành vi sai trái sau. Ưu tiên dạy kỹ năng để con phát triển thành người tự lập – tự tin và có lòng tự trọng, bằng cách thể hiện sự tôn trọng con.
Khi lớn lên trong môi trường nuôi dưỡng tích cực và sự quyết đoán của cha mẹ, trẻ sẽ lớn lên hạnh phúc, năng động, phát triển nhận thức rõ ràng về quy tắc trong xã hội, có các hành vi cư xử phù hợp, văn minh. Từ đó, trẻ sẽ cảm thấy tốt về bản thân, có kỹ năng giao tiếp tương tác xã hội hiệu quả, và sức khỏe tinh thần vững chắc.
Vậy rõ ràng, phong cách làm Cha mẹ Quyết đoán là điều chúng ta ai cũng muốn hướng đến. Tuy nhiên, từ lý thuyết đến thực hành có lẽ là không dễ, vì để có thể trở thành Cha mẹ Quyết đoán, có khả năng nuôi dạy con tích cực và áp dụng kỷ luật tích cực, chúng ta cần phải cân nhắc và hiểu rõ những yếu tố sau:
– Văn hóa xã hội, các giá trị truyền thống và cách vận hành của môi trường mà con đang lớn lên. Ví dụ, trẻ Châu Á, khi cha mẹ hơi nghiêm khắc và áp lực MỘT CHÚT trong chuyện học hành, con thường sẽ đạt điểm cao hơn. Nhưng, có thể cách này không áp dụng được cho trẻ phương Tây, càng áp lực thì kết quả học tập có thể kém đi.
– Tính khí của con và cả của cha mẹ. Hiểu mình – hiểu con, để có thể dung hòa được đặc điểm riêng thì cha mẹ và con cái sẽ tìm được tiếng nói chung, “gặp nhau ở giữa” một cách hòa hợp.
– Điều cha mẹ mong đợi trong đầu và nói ra với mọi người, so với thực tế cách cha mẹ đang hành động và tương tác mỗi hành với con, có giống nhau không? Rất nhiều phụ huynh không nhất quán trong suy nghĩ – lời nói và hành động – cách đối xử trực tiếp lên con, đặc biệt là trong những tình huống căng thẳng, “dầu sôi lửa bỏng”. Vì vậy, phụ huynh hãy tự nhìn nhận và soi sét thực tế cách làm của bản thân mình.
Thanh Tú biên tập
Theo Happy Parenting