Mở rộng lòng yêu thương hết thảy, bạn sẽ cảm nhận được dư vị của hạnh phúc
Trên đời này không có nỗi đau nào là tồn tại vĩnh viễn, nỗi đau có sâu đến đâu thì thời gian trôi qua, cũng sẽ lành lại theo năm tháng. Hãy học cách thưởng thức những điều ngọt ngào thay vì cố sức gặm nhấm những nỗi đau, nỗi buồn trong quá khứ.
Hãy quên đi muộn phiền của ngày hôm qua, mở rộng tấm lòng chào đón những điều mới mẻ của ngày hôm nay. Hãy trân trọng mỗi ngày trôi qua và hãy cố gắng sống vui, sống có ý nghĩa. Bạn sẽ tìm thấy hạnh phúc trong cuộc đời mình.
1. Bài học về sự thấu hiểu
Có một con lợn, một con cừu và một con bò, bị nhốt trong cùng một chuồng.
Một lần nọ, người chăn nuôi bắt được con lợn, nó lớn tiếng kêu hét và đối kháng quyết liệt. Cừu và bò chán ghét tiếng la hét của nó, bèn nói: “Người chăn nuôi thường bắt chúng tôi, nhưng chúng tôi không hề la hét lớn tiếng”.
Lợn sau khi nghe xong bèn trả lời: “Bắt tôi và bắt hai bạn là hai chuyện khác nhau, họ bắt các bạn chỉ để lấy lông và sữa, nhưng bắt tôi, lại là muốn lấy mạng của tôi!”
Những người ở lập trường khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, thường sẽ rất khó để cảm nhận và hiểu rõ cảm xúc của đối phương, do đó thường cười trên nỗi đau, sự thất vọng, khó khăn của người khác. Sống trên đời, chúng ta cần có một tấm lòng rộng lớn, bao dung thấu hiểu.
2. Bài học về cảm xúc
Một đứa trẻ chạy lên núi và hét to về phía thung lũng: “Này….” Ngay sau đó, tiếng vang “Này….” vọng lên từ mọi hướng. Ngọn núi lớn đã “đáp lại” lời của đứa trẻ.
Đứa trẻ vô cùng ngạc nhiên và hét to lên một lần nữa: “Bạn là ai?” Ngọn núi lớn cũng trả lời: “Bạn là ai?” Đứa trẻ hét lên, “Tại sao bạn không nói với tôi?” Ngọn núi cũng vọng lại: “Tại sao bạn không nói với tôi ? ”
Đứa trẻ không nén nổi tức giận và hét lên: “Tôi hận bạn ” cậu bé ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng, âm thanh cả thế giới vọng truyền lại chính là: “Tôi hận bạn, tôi hận bạn…”
Đứa trẻ chạy về nhà khóc lóc kể lại mọi chuyện với mẹ, người mẹ nói: “Con yêu, con quay lại ngọn núi đó và hét to “Tôi yêu bạn”, thử xem kết quả sẽ như thế nào, được không?”
Đứa trẻ lại chạy lên núi.
Qủa nhiên lần này đứa trẻ nhận lại sự ấm áp, yêu thương bởi lời hồi đáp “Tôi – yêu – bạn, Tôi – yêu – bạn”, đứa trẻ mỉm cười, những ngọn núi cùng mỉm cười với cậu.
Khi bạn đối xử chân thành với người khác thì bạn cũng sẽ được người khác đối xử chân thành với mình. Vì vậy, đừng ngại thể hiện tình yêu thương chân thành, sự bao dung, vị tha của bản thân với người khác.
Đôi khi, chúng ta luôn phàn nàn về thái độ thờ ơ, lạnh nhạt và tâm trạng không tốt của người khác, nhưng chúng ta không biết rằng bản thân chính là tấm gương phản chiếu cho đối phương. Nếu bạn gặp phải tình huống tương tự như vậy, hãy tự hỏi bản thân mình đã làm gì.
3. Bài học về kĩ năng sống.
Có một ông lão đang câu cá bên sông, một đứa trẻ đi ngang xem ông câu cá, ông lão kĩ năng thuần thục nên chẳng bao lâu đã câu được một rổ đầy cá, ông lão thấy đứa trẻ dễ thương nên muốn đưa cho cậu bé hết thảy rổ cá, đứa trẻ nào đứa nấy lắc đầu, ông già ngạc nhiên hỏi: “Sao con không muốn?”
Đứa trẻ trả lời: “Cháu muốn cái cần câu trong tay ông.” Ông lão hỏi: “Cháu muốn cái cần câu để làm gì?” Đứa trẻ nói: “Giỏ cá này trong chốc lát sẽ ăn hết. Nếu cháu có được cái cần câu, cháu cũng có thể tự mình câu cá, cả đời cũng không hết”.
Có nhiều người nhận định rằng, đứa trẻ này quả thật là thông minh. Kì thực không phải như thế, nếu cậu bé không hiểu kỹ năng câu cá, nếu có cần câu cũng vô dụng, vì điều quan trọng của câu cá không phải là “cần câu”, mà là “kỹ thuật câu”.
Nhiều người nghĩ rằng trên đường đời đã có “cần câu cá” thì không còn sợ mưa gió trên đường, sẽ khó mà sa chân lỡ bước. Giống như đứa trẻ nhìn ông lão câu cá và nghĩ rằng chỉ cần có cần câu thì cá sẽ nhiều vô kể, hay như một nhân viên nhìn sếp của mình và nghĩ rằng chỉ cần họ ngồi trong văn phòng, thì thành công và tiền tài sẽ tự nhiên đến.
Mọi thành quả đều phải đánh đổi bằng mô hôi, nước mắt, đạt được thành công ắt phải thông qua quá trình rèn luyện, tích lũy không ngừng. Bạn biết được thành quả của họ nhưng có lẽ bạn không biết được những khó khăn mà họ đã phải trải qua để có được thành quả đó.
4. Bài học về sự đố kỵ
Hai con hổ, một con bị nhốt trong chuồng, cả ngày được chủ cho thức ăn, nhưng luôn cảm thấy cô độc, và một con ở nơi hoang dã, có một cuộc sống tự do, nhưng hằng ngày phải vất vả kiếm ăn.
Hai con hổ nghĩ rằng chúng đang ở trong một môi trường tồi tệ và ghen tị đối phương. Chúng quyết định trao đổi thân phận, lúc đầu cảm thấy rất vui vẻ. Nhưng sau một thời gian, cả hai con hổ đều chết: một con chết vì đói và con còn lại chết vì u uất, chán nản.
Đôi khi, người ta làm ngơ trước hạnh phúc của chính mình, phóng đại sự bất hạnh của bản thân và luôn nhìn chằm chằm vào hạnh phúc của người khác, từ đó đố kị và ganh tức đến khó chịu.
Thực tế, cuộc sống của bạn đã đủ khiến người khác ngưỡng mộ rồi, chỉ có điều, bạn dành thời gian đó để ngưỡng mộ, đố kị người khác, nên bản thân không nhận ra mà thôi.
Nguồn: Secretchina
Lan Hòa biên tập