Hành trình xuyên đêm của cô gái 9X và những chuyến xe yêu thương
Tối 1/8 Nhung lướt qua bài đăng xin giúp đỡ của một người mẹ có con ung thư nhờ đưa từ Hát Lót, Mai Sơn, Sơn La xuống Hà Nội để kịp lịch hóa trị. Cô gái tặc lưỡi: “Nhóm đông người, chắc sẽ có người nhận” rồi dỗ mình vào giấc ngủ nhưng không thành. Hai tiếng sau, Nhung thấy không ai hồi đáp.
Vừa kết thúc hành trình hơn 300 km từ Hà Nội lên Sơn La, Lê Thị Nhung lại nhận “cuốc xe” xuyên đêm lên tỉnh này đón bệnh nhân nghèo xuống thủ đô chữa trị.
“Có lẽ mọi người đang bận”, cô chủ một quán cafe ở Bắc Ninh tự lý giải rồi gọi điện cho trưởng nhóm nhận cuốc xe này. “Em có đi được không? Vừa về hôm qua còn chưa nghỉ ngơi gì?”, anh anh Nguyễn Bình Minh, người phụ trách “Những chuyến xe yêu thương” hỏi. “Được ạ!”, cô gái sinh năm 1992, đáp.
Nhung liên hệ với người phụ nữ, đề nghị gửi ảnh hai mẹ con và giấy hẹn của bệnh viện để yên tâm không giúp đỡ nhầm người. “Tên bệnh nhân là nữ, ghi tuổi là 44t, nhưng trong ảnh là một bé cắt tóc ngắn. Tôi mình bị lợi dụng”, Nhung ngần ngại.
Đi qua những con đường quanh co vùng Tây Bắc giữa đêm tối không làm khó được cô gái từng lái xe xuyên Việt. Đúng nửa đêm, Nhung có mặt trong căn nhà nhỏ ở Hát Lót.
Cô bé trong bức ảnh xuất hiện trước mặt Nhung xanh xao, cứ khóc ngằn ngặt khi thấy mẹ bê đồ ra xe. Sợ những đợt tiêm truyền đau đớn, bé chẳng muốn rời nhà. Người mẹ trẻ Nguyễn Thị Hải Yến cho biết, ngôi nhà đang ở này là được người quen cho mượn. Chị mở tiệm tạp hóa để kiếm sống, nhưng con bị bệnh một năm trước nên đành đóng cửa.
Xe cộ vào Hà Nội bị cấm, tôi chẳng biết làm thế nào đưa con đến viện, mà ngày mai đã đến lịch truyền hóa chất rồi. Tôi đăng tin cầu may, thấy chẳng ai nói gì thì thất vọng lắm, nghĩ chắc không được đâu. Khi chị Nhung gọi, tôi cứ hỏi ‘chị có chắc không để em chuẩn bị đồ'”, người mẹ 27 tuổi, nói. Yến thu dọn giường để Nhung nghỉ lại qua đêm, định sáng hôm sau lên đường. Nhưng vị khách gạt đi: “Phải đi luôn để bé kịp lịch điều trị”.
Qua chốt kiểm dịch ở Sơn La, đáng lẽ cán bộ kết thúc ca trực vào 12h khuya, nhưng mọi người vẫn đợi đến 2h sáng để hỗ trợ người trên xe Nhung test nhanh. “Các anh biết tôi đi làm thiện nguyện nên nhiệt tình hỗ trợ. Nhiều người còn cho số điện thoại, bảo gặp khó khăn gì trên đường cứ gọi điện”, cô gái kể.
Tuy nhiên, lái xe từ thiện trong thời gian nhiều địa phương giãn cách vì dịch bệnh, vẫn có chốt gây khó cho nữ tài xế. Cô tốn nhiều thời gian trình bày, năn nỉ, thậm chí khóc lóc vẫn không được cho qua.
“Ngay ngày hôm trước tôi cũng đi cùng tuyến đường đó và có khai báo y tế ở chốt đối diện nên chạy sang đó nhờ cán bộ chốt đó nói giúp mới được cho qua. Tôi bật khóc suốt chặng đường dài vì tủi thân. Mùa dịch, chẳng ai muốn ra đường cả”
Quyết định lái xe thiện nguyện giữa mùa dịch của Nhung khiến bố mẹ lo lắng, nhưng được chị gái và em trai nhiệt tình ủng hộ. Em Nhung khi rảnh rỗi sẽ làm phụ lái cho chị.
Nhờ tham gia vào nhóm “Những chuyến xe yêu thương” Nhung thấy cuộc sống của mình ý nghĩa hơn, biết mình hạnh phúc hơn rất nhiều người để trân trọng thêm những gì đang có.
Anh Bình Minh cho biết, anh sáng lập nhóm tháng 6/2020, với tâm nguyện – “làm đẹp cho đời”, như kỳ vọng của bố mình với con trai. Ban đầu, nhóm đặt mục tiêu đưa bệnh nhân khó khăn từ viện về nhà trong bán kính 300 km, nhưng nhiều thành viên của nhóm đã “phá vỡ” giới hạn đó.
“Nhung là một trong những tài xế như vậy. Em ấy không ngại đưa bệnh nhân về vùng sâu, vùng xa, đêm hôm cũng đi. Nhóm có ba tài xế nữ thường xuyên hoạt động, nhưng Nhung là tích cực nhất, em tận tâm và chưa có gia đình nên ít vướng bận hơn người khác”, anh trưởng nhóm nói.
Sáng 2/8, người mẹ trẻ Nguyễn Thị Hải Yến cùng với con gái nhập viện đúng theo giấy hẹn của bác sĩ. Trở lại phòng điều trị, chị kể với các gia đình bệnh nhi khác về “Những chuyến xe yêu thương”, chia sẻ số hotline của nhóm. “Hôm nay, một bé ở Bắc Giang đã được nhóm của Nhung chở miễn phí về nhà. Chúng tôi thấy may mắn, bớt buồn tủi, khi những người xa lạ cũng đang đồng hành cùng mình lúc khó khăn như thế này”, chị nói.