Người ở cảnh giới cao nhìn thấy ai cũng thuận mắt, biết đặt vị trí của bản thân vào người khác để hóa giải mâu thuẫn
Vạn sự vạn vật, đều là phản ánh từ nội tâm, trong tâm như thế nào, thì sẽ nhìn thấy thế giới như thế ấy. Người ở cảnh giới cao biết hoán đổi và đặt mình vào vị trí của người khác mà suy xét vấn đề, biết thấu hiểu và tôn trọng ngươi khác. Vậy nên họ rất ít khi bình phẩm và chỉ trích người khác, nhìn ai cũng thấy thuận mắt, đó chính là một loại trí huệ, hơn nữa là một loại tu hành.
Nhìn người khác không thuận mắt là bởi vì cảnh giới bản thân không đủ cao
Tương truyền khi Tô Thức còn trẻ đã cùng tham thiên với Phật Ấn. Có lần trong lúc tham thiên, Tô Thức cảm thấy bản thân mình có nhiều thể ngộ nên nói với Phật Ấn rằng: “Đại Sư, ông xem tôi ngồi ở đây giống thứ gì?”
Phật Ấn nói: “Nhìn ông trông giống một vị Phật tôn nghiêm”
Tô Thức cười nói: “Nhưng tôi trông ông giống như một bãi đại tiện vậy!”
Phật Ấn cười và không nói gì cả. Sau khi trở về nha, Tô Thức kể lại câu chuyện cho Tô tiểu muội nghe.
Tô tiểu muội nghe xong liên nói: “Bản thân là Phật thì nhìn người khác sẽ giống Phật, nếu bản thân giống bãi đại tiện thì nhìn người khác cũng sẽ giống bãi đại tiện. Cảnh giới của huynh so với thiền sư Phật Ấn quả thực còn thua xa”.
Kì thực, người khác là tấm gương phản chiếu của chính mình. Bạn nhìn người khác giống thứ gì, thì bạn chính là thứ đó. Nếu như nhìn người khác không thuận mắt, đâu đâu cũng kén chọn người, đó là vì cảnh giới không đủ cao, không cần phải nghĩ cách để cải biến người khác. Đầu tiên cần phải điều chỉnh tâm thái của chính mình, tu tốt cái tâm này của bản thân.
Hiểu được đặt vị trí của mình vào người khác để suy xét vấn đề
Trang Tử đã từng kể câu chuyện “sáng ba chiều bốn” như sau:
Nước Tống có một người nuôi khỉ, bởi vì trong nhà nghèo khó nên tính đến việc giảm bớt thức ăn của lũ khỉ. Anh ta nói với lũ khỉ: sáng sớm cho các ngươi ba hạt dẻ, chiều tối cho các ngươi bốn hạt dẻ, vậy có được không? Bầy khỉ nghe xong liền nổi nóng.
Người nuôi khỉ thấy vậy liền thay đổi lời nói: vậy thì sáng sớm cho các ngươi bốn hạt dẻ, chiều tối cho các ngươi ba hạt dẻ, vậy có được không?
Bầy khỉ nghe xong thì vui mừng đón nhận. Thời nay thường dùng câu chuyện này để hình dung việc hay thay đổi. Nhưng bổn ý của Trang Tử khi kể câu chuyện này chính là để nói về cách nhìn sự vật khác nhau cũng giống như “sáng ba chiều bốn” và “sáng bốn chiều ba” vậy. Về bản chất là như nhau nhưng chỉ có góc nhìn phản ánh cùng một sự vật là không giống nhau.
Cách nhìn khác nhau chỉ là một phương diện của sự việc được phản ánh, là một phần nhỏ của bức tranh tổng thể.
Trang Tử nói: “Vật cố hữu sở nhiên, vật cố hữu sở khả. Vô vật bất nhiên, vô vật bất khả.”.
Vạn vật đều có giá trị và lí do tồn tại của chúng, sự tồn tại của chúng là hợp lí. Thế nào là tốt xấu thiện ác, tất cả đều là từ các góc nhìn khác nhau. Từ quan điểm của Đạo mà nhìn thì vạn vật đều có sự tương thông. Vậy nên trong con mắt của kẻ trí, cách nhìn khác nhau chỉ là một phương diện của sự việc được phản ánh, là một phần nhỏ của bức tranh tổng thể.
Vạn sự vạn vật trên thế gian đều có chỗ đứng của mình. Đứng tại chỗ của mình nhìn sự việc thì thấy hợp với luân lí đất trời, nhưng đứng ở chỗ khác nhìn thì có thể thấy không còn thuận mắt như vậy nữa. Vậy nên, người ở cảnh giới cao không tùy tiện đưa ra phán xét. Họ biết hoán đổi góc độ suy xét nên không cưỡng ép sự bình phẩm của mình cho người khác.
Biết tôn trọng sự khác biệt
Bản thân mình nhìn không quen thì chỉ là bản thân nhìn không quen, chứ không có liên can gì với người khác cả. Đó là cảnh giới của bản thân chưa đến nơi đến chốn vậy. Do đó, người ở cảnh giới cao thường biết tôn trọng sự khác biệt.
Trang Tử nói: “Thánh nhân hòa chi dĩ thị phi, nhi hưu hô thiên quân, thị chi vị lưỡng hành”.
Thánh nhân xem thị phi (đúng và sai) như nhau, sống hài lòng nhàn nhã mà tự nhiên đạt được cảnh giới hài hòa. Đây gọi là mỗi người và mỗi từng sự việc đều đã có an bài thích hợp, tự mình phát triển. Thuận theo đó người và vật tự có được sự cân bằng, không gây thị phi đối đãi với thế tục.
Không phải Trang Tử nói rằng con người không phân thị phi, ý của ông là cần phải đứng từ nhiều góc độ để nhìn vấn đề, từ đó biết tôn trọng sự khác biệt. Có người rất thích ăn sầu riêng, có người sẽ cảm thấy sầu riêng có mùi khó ngửi. Có người thích ăn rau mùi, có người cảm thấy rau mùi hôi không chịu được.
Trang Tử nói: “Tử phi ngư, an tri ngư chi lạc?”.
Mỗi người đều có cách sống của bản thân mình, đó đều là những phương thức sinh sống khác nhau, yêu thích sự thú vị. Đối diện với những người và sự việc mà bản thân không biết thì cần có trái tim rộng lượng và bao dung. Những người khác nhau sẽ có lập trường khác nhau. Nhìn người khác thấy không thuận mắt có thể chỉ là cách hiểu khác nhau và góc nhìn khác nhau.
Người ở cảnh giới thấp sẽ lấy “cái tôi” làm trung tâm, coi tiêu chuẩn của bản thân mình trở thành tiêu chuẩn duy nhất. Đối với những việc không giống với tiêu chuẩn bản thân thì họ cho nó là sai. Còn người ở cảnh giới cao biết hoán chuyển góc độ suy xét, thấu hiểu và tôn trọng sự khác biệt. Vậy nên, họ rất ít khi bình phẩm và chỉ trích người khác.
Nhờ vậy, người ở cảnh giới cao nhìn ai cũng thấy thuận mắt. Đây chính là một loại trí huệ, hơn nữa là một loại tu hành.
Nguồn: Secretchina
Chân Nhiên