Người quân tử vì mục tiêu, kẻ tiểu nhân vì mục đích
Người quân tử trong hoàn cảnh nào cũng có thể giữ vững đạo nghĩa. Còn tiểu nhân coi đức hạnh là trò viển vông. Quân tử yêu cầu là chính mình, tiểu nhân yêu cầu là người khác. Quân tử tự nhiên biết phản tỉnh, còn tiểu nhân thì không bao giờ suy xét bản thân mình, luôn đẩy sai lầm và trách nhiệm cho người…
Kỳ thực, sống kiếp nhân sinh, sướng khổ, buồn vui tất cả cũng chỉ bởi tâm thái quyết định. Vậy nên để làm người, khi khí không hoà thì lời không nên nói, nói ra tất bất hoà. Khi tâm không thuận thì việc không nên làm, làm rồi tất hỏng.
Việc không thuận lòng thì không nên nhận, nhận rồi tất phải làm, không làm tất kết oán. Lời hứa thì không nên tuỳ tiện, hứa rồi phải thực hiện, không thực hiện sẽ mắc nợ.
Vạn vật đều ở cách nói, xem bạn đối đãi thế nào; tất cả đều là khảo nghiệm, thử xem bạn dụng tâm ra sao. Nghĩ thông rồi ắt tự nhiên cười, nhìn thấu rồi ắt tự nhiên buông.
Người biết đủ là hạnh phúc, xem nhẹ là cao nhân, vô sự là tiên nhân, mà vô vi là Thánh nhân. Sinh mệnh là do cha mẹ ban cho, hãy trân quý nhiều hơn; đường là do mình tự đi, nên cẩn thận.
Không nên liều và cũng chẳng nên đánh, đời người không khổ không mệt thì cuộc sống vô vị. Mệt rồi mới giảm nhẹ bước chân, sai rồi mới nghĩ đến hối hận, có khổ rồi mới hiểu được thế nào là hạnh phúc, có tổn thương mới có kiên cường.
Dẫu có mệt, cũng đừng quên mỉm cười; dẫu có gấp, cũng đừng quên ngữ khí. Khổ mấy cũng đừng quên kiên trì, mệt mấy cũng đừng quên chăm sóc bản thân. Khiêm tốn làm người, bạn ngày càng ổn định, nỗ lực làm việc, bạn ngày càng ưu tú.
Khi thành công, bạn đừng quên quá khứ; khi thất bại, bạn đừng quên tương lai. Hy vọng thì đạt được nỗ lực, thất vọng thì đạt được vô nghĩa.
Bị người hiểu nhầm, có thể mỉm cười gọi là tu dưỡng; bị người ức hiếp, có thể mỉm cười gọi là độ lượng. Chịu thiệt, có thể mỉm cười gọi là trí huệ; khi vô vọng, có thể mỉm cười gọi là cảnh giới. Khi nguy nan, có thể mỉm cười gọi là đại khí; bị chỉ trích, có thể mỉm cười gọi là tự tin.
Trưởng thành là khi có một mục tiêu kiên định, kết giao nhiều bạn hữu dài lâu. Suy nghĩ chính diện, đi nhiều con đường, thường ngồi tĩnh toạ, cần cù vượt khó.
Lời nói cẩn trọng, mỗi câu nói đều phát huy tác dụng và có trọng lượng. Vui buồn không phải ở biểu thái, mà là ở nội tâm. Người trọng phú khinh nghèo thì không nên tiếp cận, người miệng lưỡi thị phi thì không nên giao kết.
Người vận khí chưa đến thì không thể coi thường, người không biết trên dưới thì không nên để ý. Người nói nhiều hiểu ít thì không nên kính, người đức cao trọng nghĩa thì không thể không quen.
Người đọc sách, hiểu lý thì không thể coi thường, người trung hậu thật thà thì không thể dối lừa. Người mắt mờ tai kém thì không thể trêu đùa, người cô đơn buồn tẻ thì không thể lừa gạt.
Tức giận là biểu hiện của sự vô năng, không tức giận mới là độ lượng. Tức giận là lấy cái sai của người khác mà trừng phạt chính mình.
Tha thứ một lần, là một lần tạo phúc, bao dung càng lớn, phúc tạo càng nhiều. Làm người mà sống thiện thì dù phúc chưa tới nhưng hoạ đã rời xa, làm người tạo ác tuy họa chưa báo nhưng phúc cũng chẳng còn.
Người quân tử vì mục tiêu, kẻ tiểu nhân vì mục đích, tính khí và lời nói không tốt thì dù tâm tốt bao nhiêu cũng không thành người tốt.
Thưởng thức người khác là tạo uy nghiêm cho mình, tha thứ cho người cũng chính là thiện đãi chính mình. Muốn phê bình người khác thì trước tiên cảnh tỉnh chính mình có khuyết điểm hay không?
Nghịch cảnh có thể gặp nhưng không thể cầu, cần biết trân quý và cảm ơn, bởi nó là tiên đơn giúp ta trưởng thành. Khó khăn là trải nghiệm và cũng là trường thi, người không thi thì sao tốt nghiệp?
Người bao biện là người không thể tiến bộ. Không sợ người phạm sai, chỉ sợ không biết sửa sai, sửa sai không khó, khó là có muốn sửa sai hay không. Có đủ niềm tin, có nỗ lực, có dũng khí thì trên đời không việc gì không thể thành công.
Khi đối nhân xử thế, nói một câu nói tốt như hoa sen khai nở, nói một câu nói xấu như rắn độc nhe nanh. Nhà rộng không bằng tấm lòng rộng. Tiền nhiều không chắc đã vui, tâm không tham cầu mới là cội nguồn an lạc.
Tâm chứa điều tốt, miệng nói lời hay, thân làm điều thiện nghĩa – đó là người tốt. Tâm thường mang điều thiện giải, bao dung, cảm ơn, biết đủ – đó là tích phúc. Tâm thuận, vạn sự thuận, khoan dung đối đãi người cũng chính là khoan dung chính mình.
Việc tốt thì phải làm, thị phi thì phải bỏ, thành tựu cho người khác chính là thành tựu cho mình. Có thể tiêu trừ phiền não, đó là trí huệ; có thể mang tình yêu đem cho, đó là phúc.
Đừng vì việc ác nhỏ mà làm, đừng vì việc thiện nhỏ mà bỏ. Việc khó làm, muốn làm ắt được, việc khó bỏ, muốn bỏ sẽ buông. Việc khó làm, làm được mới thăng hoa.
Người có hiếu nhất là người hạnh phúc nhất. Làm người thì phải biết phúc, tích phúc và tạo phúc. Một người vui vẻ không phải vì có có đủ đầy mọi thứ, mà vì họ ít kỳ kèo so đo.
Lời người quân tử nói ra có sức nặng như núi Thái Sơn. Có câu: “Quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy” (quân tử nói một lời, bốn ngựa khó đuổi). Chính là nói một lời khi phát ra thì đã không thể thu lại, cũng là nói lời của người quân tử rất uy tín, không thể thay đổi.
Người quân tử “hòa” mà không “đồng”, kẻ tiểu nhân “đồng” mà không “hòa”. Ý nói rằng, người quân tử nói chuyện bằng tâm thái hòa ái, bao dung nhưng không ba phải, hùa theo người khác. Còn kẻ tiểu nhân thì đoán ý người khác để phụ họa lời theo mà trong lòng lại có bụng khác, nham hiểm khó lường.
Người quân tử tiếp nhận, bao dung hết thảy ý kiến bất đồng, cũng không giấu giếm lòng mình, bộc trực thẳng thắn ngay từ lời nói. Nhưng kẻ tiểu nhân thì luôn giấu kỹ suy nghĩ của mình, bằng mặt mà không bằng lòng.
Quân tử hướng lên, hiểu nhân nghĩa; tiểu nhân hướng xuống, truy cầu danh lợi. Hướng lên tức là hướng thiện, không ngừng sửa chữa thiếu khuyết, sai lầm, tìm cầu đạo nghĩa; hướng xuống là không biết sửa đổi, không biết tu thân dưỡng tính, ngày càng chán chường.
Theo thiện sẽ lên, theo ác sẽ đổ, đi lên luôn khó khăn hơn, phải cố gắng nhiều, phó xuất nhiều; hướng xuống rất dễ dàng, nhưng kết quả lại là hủy diệt chính mình.
Hằng Tâm sưu tầm