Những hành động mọi người đang làm đều được ghi chép lại và những phúc báo thường đến bất ngờ
Trong cuộc sống, một số người thường than thở rằng “làm việc thiện không được đền đáp” vì họ không tin rằng “trên đầu 3 thước có Thần linh” và không tin rằng mọi hành động của con người đều được ông Trời ghi chép lại rất cẩn thận, dù đó là việc tốt hay việc xấu.
Thực tế, thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo, điều đó không bao giờ là sai lầm, nhưng đứng trước những phúc báo bất ngờ thì nhiều người không nhận ra. Dưới đây là một vài ví dụ về việc làm tốt được phúc báo.
1. Cứu một người vì lòng nhân ái và lương thiện
Chuyện xưa kể rằng khi đại thần Triệu Tuyên Tử từ vùng đất được phong quay về kinh đô. Trên đường về gặp một người nằm dưới gốc cây.
Triệu Tuyên Tử đến gần người đó, phát hiện sắc mặt của anh ta vàng vọt, hơi thở thiêm thiếp: “Nhất định là anh ta đói quá mà sinh bệnh đây!”. Thế là Triệu Tuyên Tử gọi người lấy lương thực trên xe bón cho anh ta.
Một lúc sau, người đó từ từ mở mắt. Triệu Tuyên Tử thương xót nói rằng: “Sao mà lại đói đến mức như thế này?”.
Người kia từ từ trả lời: “Tôi làm nô bộc cho người ta ở Phong Đô, trên đường về nhà bị hết lương thực, xấu hổ không dám đi ăn xin, lại ghét ăn trộm của người khác, cho nên mới đói đến mức như thế này”.
“Ôi!” – Triệu Tuyên Tử thở dài, lại lấy cho người đó hai miếng thịt khô. Anh ta nhận rồi bái lạy nhưng không ăn, Triệu Tuyên Tử hỏi tại sao không ăn, anh ta nói: “Tôi để dành cho bố mẹ già ở nhà”.
“Tốt! Đúng là một người con có hiếu!” – Triệu Tuyên Tử khen ngợi – “Ngươi ăn hết đi – ta cho ngươi cái khác”. Sau đó lại cho anh ta hai khúc thịt khô và một trăm quan tiền.
Hai năm sau, Tấn Linh Công muốn lấy mạng của Triệu Tuyên Tử, bèn cho vệ binh mai phục trong phòng, khi anh ta uống rượu say rồi sau đó sẽ hành động.
Sau ba tuần rượu, Triệu Tuyên Tử biết được ý đồ của Tấn Linh Công, liền mượn cớ đi ra ngoài. Tấn Linh Công lệnh cho binh sỹ ở trong phòng nhanh chóng đuổi theo để lấy mạng Triệu Tuyên Tử.
Có một binh sĩ phi ngựa nhanh nhất, khi chạm mặt Triệu Tuyên Tử, Triệu Tuyên Tử thở dài nói: “Thôi mệnh ta đã hết!”.
Nhưng người lính kia lại nói: “Ngài, xin ngài hãy nhanh lên ngựa, ở đây đã có tôi đối phó!”.
Triệu Tuyên Tử vừa lên ngựa, vừa xúc động hỏi: “Ngươi là ai mà sẵn sàng ra tay cứu giúp ta?”. Người lính nói: “Tôi chính là người sắp chết đói ở gốc cây hai năm trước đấy!”. Nói xong rồi bèn quay người chiến đấu kịch liệt cùng quân lính của Linh Công. Triệu Tuyên Tử do đó mà được cứu thoát.
2. Trương Sinh tâm thiện đỗ Tiến sỹ
Thời nhà Minh, ở vùng Kinh Khẩu thuộc Giang Tô có một người tên là Trương Sinh, gia cảnh nghèo khó bần hàn. Anh ta luôn gây sự kiếm tiền của người khác, nhưng cũng thường dùng số tiền đó để giúp người nghèo, do vậy mà trong nhà anh thường xuyên gặp tình cảnh không có lương thực dự trữ.
Vào một đêm giao thừa, nhà của Trương Sinh lại hết lương thực. Anh nghĩ bụng, đa số họ hàng và bạn bè mình đều đã từng đắc tội, những người quen biết có chút quyền thế thì đều là tiểu nhân ưa nịnh nọ, nhưng mình ghét nhất là phải luồn cúi nịnh nọt để cầu cạnh người ta. Nghĩ đoạn, anh bèn lấy một miếng vải cũ trong nhà đem đi cầm được một ít tiền, đủ mua một đấu gạo, thực phẩm và nhang để trong một cái hộp rồi mang về.
Trời tối lại đổ tuyết, trên đường rất trơn, khi sắp đến cửa nhà, anh bất cẩn bị ngã, đồ trong hộp đều rơi vào vũng bùn. Trương Sinh vội vàng về nhà lấy đèn rồi quay lại tìm. Không ngờ lại nhặt được một cái túi, nhấc lên thì thấy rất nặng. Anh mang cái túi về nhà, nhìn vào bên trong thấy có mấy nén vàng, mấy chục lượng bạc, một quyển sổ nợ, và nhiều cuộn giấy, anh đoán đây là tiền kho và sổ ghi nợ của một cửa hàng lụa. Trương Sinh vui lắm, anh nghĩ từ nay có thể sống sung túc rồi.
Nhưng vừa về đến nhà Trương Sinh đã nghĩ ngay: Nếu người làm mất là người đi làm thuê, làm công ăn lương, nếu mất số tiền này thì không biết họ sẽ sống ra sao. Chi bằng đợi anh ta đến tìm rồi trả lại vậy. Anh bèn ra chỗ đường mà chiếc túi bị rơi, rồi cầm đèn ngồi trong tuyết bên ngoài đợi.
Không lâu sau, từ xa có một ông lão và hai thiếu niên cầm đèn hiệu của cửa hàng lụa dò đường bước đến, sắc mặt họ rất căng thẳng. Trương Sinh nghĩ chắc chắn đây là chủ của túi đồ, anh bèn gọi họ: “Các ông tìm gì vậy?” Ông lão nhìn thấy Trương Sinh, biết anh là một kẻ vô lại nên không dám nói, chỉ úp úp mở mở tỏ ý muốn đi. Trương Sinh nói lớn: “Các ông rọi đèn khắp nơi, có phải là đang tìm đồ bị mất không, mau nói cho tôi biết!”
Ông lão đành nói thật: “Vừa rồi thu nợ về có đi ngang qua chỗ này gặp phải trời vừa đổ mưa lại vừa đổ tuyết, đi gấp gáp, làm mất một cái túi cho nên quay lại tìm. Bây giờ tìm không thấy nữa, tôi nghĩ chắc là người qua đường đã nhặt nó rồi!” Trương Sinh hỏi ông này bên trong túi có những gì, ông lão kể từng thứ từng thứ một, hoàn toàn không sai chút nào. Trương Sinh nói: “Mời các ông vào nhà tôi ngồi, tôi đã biết người nhặt được đồ là ai rồi!”
Sau khi ông lão vào nhà Trương Sinh đã đưa ông cái túi. Ông lão rơi nước mắt nói: “Tôi quản lý việc thu nợ trong cửa hàng, hôm nay làm mất đồ dù bán cả nhà cũng trả không nổi, chắc tôi cũng không thể sống được nữa. Cảm ơn anh hôm nay đã cứu tôi”!
Ông lão liên tục dập đầu cảm tạ. Sau khi đứng dậy, ông muốn Trương Sinh lấy một ít tiền. Trương Sinh nghiêm túc từ chối. Ông lão nói: “Nếu anh không lấy thì tôi cũng không đi”. Trương Sinh cười nói: “Nếu thế thì cho tôi vay hai đồng đi để năm mới đến tôi được ăn một bữa no là tôi đã biết ơn ông rồi”. Ông lão thấy anh thật lòng như vậy thì không dám nói gì nữa, ông đưa cho anh hai đồng, cúi đầu cảm tạ rồi đi.
Trương Sinh lấy tiền xong lại ra chợ mua lương thực và hoa quả để cúng trời đất. Hai vợ chồng anh được ăn một bữa cơm năm mới. Đêm hôm đó Trương Sinh mơ thấy bị người ta bắt cóc đưa đến trước mặt một người giống như vua. Vua trách mắng anh: “Ngươi hành xử bất nghĩa, nếu còn không sửa đổi thì sẽ làm quỷ đói.” Trương Sinh đang dập đầu van xin thì bỗng có người cầm một bản cáo trạng bước vào. Sắc mặt của vua lập tức dịu lại, ngài nói: “Đây là một việc tốt to lớn đủ để xóa bỏ những hành động xấu xa trước đây. Nên trả cho anh ta một vận may để anh ta vào được khoa bảng năm nay”. Vua quay lại nói với Trương Sinh: “Sau khi ngươi quay về, hãy sửa đổi, một lòng hướng thiện, con đường phía trước sẽ vô cùng rộng mở”!
Sau khi tỉnh lại, Trương Sinh biết rằng việc anh trả lại tiền đã khiến Thần tiên cảm động. Trời vừa sáng cũng lập lời thề trước thần linh, dừng ác hướng thiện để chuộc lại tội lỗi trước đây. Không lâu sau, ông lão lần trước áo mũ chỉnh tề đến cảm tạ, ông nói: “Lần trước nếu không nhờ ân đức của cậu thì mạng sống của cả nhà tôi đã hết rồi! Tôi đã báo cáo việc này với ông chủ, ông ấy nhất định muốn báo đáp.” Trương Sinh khiêm tốn cảm tạ. Từ đó cố gắng làm việc thiện, nhưng cuộc sống vẫn càng lúc càng nghèo hơn, thường xuyên nhiều ngày không có cái ăn.
Vào một ngày rằm đầu thu, rất nhiều người đến Kim Lăng tham gia kỳ thi. Chỉ có Trương Sinh không có xu nào, tiền cơm mỗi ngày còn khó kiếm nên chẳng nghĩ gì đến việc thi cử nữa. Đột nhiên anh gặp ông lão trước đây, ông này hỏi: “Vì sao cậu còn chưa đi thi?” Anh đáp vì không có tiền. Ông lão nói: “Cậu là một người tốt mà lại không tham gia kì thi hương! Cậu hãy quay về nhà đợi tôi!” Trương Sinh vừa về nhà không lâu thì ông lão và một người trẻ tuổi vội vàng đến, ông nói với Trương Sinh: “Người này là ông chủ của tôi, cảm động trước sự trọng nghĩa của cậu, từ lâu đã muốn báo đáp! Được biết cậu phải đi thi, cuộc sống khó khăn, ông chủ tôi muốn quyên tặng hai mươi nén vàng và bốn tạ gạo”. Nói xong, ông lão lấy hai mươi nén vàng từ trong túi của mình đưa cho Trương Sinh và nói: “Đây là tiền công tôi tích góp được, tôi cũng quyên tặng cho cậu, cậu mau đi thi đi.” Trương Sinh bèn nhận lấy tiền, lập tức đón tàu đến Kim Lăng ứng khảo, sau đó anh liên tục thi đậu lên tiến sỹ, làm đến chức Quan sát sứ.
Qua câu chuyện của Trương Sinh, có thể thấy rằng thiện niệm chính là điều quý giá nhất. Anh thấy món hời lớn mà có thể không tham lam, đây cũng chính là lý do anh luôn sẵn sàng giúp đỡ những người nghèo khó.
Qua câu chuyện này cũng cho thấy vận mệnh của một người không phải là cố định, mà sẽ thay đổi theo hướng nào nằm ở chính lựa chọn của bản thân chúng ta.
Ông Trời luôn công bằng, trừng phạt cái ác biểu dương cái thiện, báo ứng rõ ràng. Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác bão, vì vậy sống ở đời nhất định phải luôn giữ gìn thiện niệm. Người tốt sẽ được mọi người kính trọng, đồng thời chắc chắn sẽ nhận được phúc lành, phúc báo trường cửu. Đi ngược lại lẽ trời, phụ lòng người, sống tham lam tàn ác thì khó có được kết thúc tốt đẹp.