Phương pháp giáo dục trẻ tại nhà của cựu Hiệu trưởng 80 tuổi: Bài học từ những chiếc bánh Korokke
Theo lời hiệu trưởng, giáo dục ở nhà và giáo dục ở trường là hai bánh của một chiếc ô tô. Đừng thiên vị bất kể bên nào. Con đường là con đường của cuộc đời, sự lớn lên của một đứa trẻ đòi hỏi sự giáo dục đầy đủ tại gia đình và trường học. Bằng cách cân bằng cả hai, chiếc xe này sẽ có thể đi thẳng và an toàn đến điểm cuối trong xã hội tương lai mà không gây ra sự cố nào trên đường đi.
Tôi là một người Trung Quốc và con tôi lớn lên ở Nhật Bản. Tôi đã không lý giải được tại sao mối quan hệ giữa trường học và phụ huynh ở Nhật Bản lại bền chặt và khăng khít đến vậy. Và tôi cũng đã không hiểu lắm vì sao cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của bọn trẻ cũng quan trọng như kết quả học tập trên lớp của chúng vậy.
Tuy nhiên, vào một ngày nọ, khi tôi tham dự buổi gặp mặt phụ huynh ở trường trung học cơ sở nơi con trai tôi đang theo học, tại đó tôi đã được nghe câu chuyện khi còn nhỏ của một vị doanh nhân Nhật Bản nổi tiếng từ một hiệu trưởng 80 tuổi, và tôi đã ngỡ ngàng nhận ra.
Đứa trẻ nhõng nhẽo đòi ăn bánh Korokke
Đó là một câu chuyện sau chiến tranh thế giới lần thứ 2. Hiệu trưởng đã cho chúng tôi biết các gia đình truyền thống Nhật Bản giáo dục con cái của họ như thế nào cũng như về sự nhân từ, sự dịu dàng, lý trí, sức mạnh và sự cống hiến thầm lặng của người mẹ. Câu chuyện đã tạo ra sự cảm động sâu sắc với tất cả các bậc phụ huynh có mặt ở đó. Những điều đó có lẽ cũng giống như xã hội Trung Quốc ngày xưa vậy.
Trung tâm câu chuyện của Hiệu trưởng kể về Kadokura Kiyojiro, người đã sống trong thời kỳ đó khi còn là một đứa trẻ – người sau này trở thành giám đốc một công ty tư vấn được nhiều người Nhật Bản biết đến. Những hành động bất ngờ của mẹ cậu bé Kadokura đã đem đến ảnh hưởng lớn cho cuộc đời cậu. Nền kinh tế Nhật Bản thời hậu chiến rất khó khăn, nhiều gia đình phải sống trong cảnh nghèo khó và hạnh phúc đơn giản chỉ vì được ăn no. Ngoại trừ những dịp lễ kỷ niệm ra, hầu như không được ăn thịt.
Trong kỳ nghỉ hè khi Kadokura học năm 4 tiểu học, vào một ngày cậu bé cùng đi mua đồ với mẹ. Trên đường về nhà, mùi bánh Korokke thơm phức từ cửa hàng toả ra bay đến. Kadokura bất giác dừng lại, đột nhiên một suy nghĩ đáng xấu hổ ập đến “ Mình chưa bao giờ được ăn bánh Korokke trên lớp, ở nhà thì một ngày ba bữa chỉ có mỳ và dưa muối”.
Trong lúc bồng bột cậu bé đã hét lên với mẹ mình, “Con muốn ăn bánh Korokke ” và giữ mẹ lại. Mẹ cậu đã nói với cậu rằng, bố sẽ nổi giận nếu chúng ta mua một món đồ xa xỉ như vậy, và bố đang phải làm việc rất cực nhọc để lo cho cuộc sống của chúng ta hàng ngày. Nhưng Kadokura vẫn kêu than rằng cậu thực sự muốn ăn vì cậu chưa bao giờ được ăn và vòi vĩnh mẹ của mình.
Trong xã hội ngày nay, bánh Korokke không phải là một món ăn xa xỉ, có thể mua được dễ dàng và không còn là điều xa hoa dù có ăn mỗi ngày. Tuy nhiên, vào thời kỳ hậu chiến thì đó là một món ăn xa xỉ mà các hộ gia đình bình thường của Nhật Bản thời đó không thể mua được.
Khi người mẹ nghe thấy những lời than phiền của cậu bé, bà nhìn chằm chằm vào cậu như thể đã quyết định điều gì đó, bà nói: “Con thèm lắm đúng không? Mẹ hiểu rồi”. Sau đó không chút do dự bà bước vào cửa hàng và mua 6 chiếc bánh Korokke.
Sự tức giận của cha và sự im lặng của mẹ
Đúng như dự đoán, khi bố cậu về nhà và ngay khi nhìn thấy những chiếc bánh trên bàn ông đã bắt đầu la mắng mẹ cậu: “ Thật là lãng phí, đúng là không suy nghĩ trước sau …”. Kadokura cuối cùng đã nhận ra sự nghiêm trọng của việc này sau khi chứng kiến sự tức giận của cha mình.
Cậu bé thật sự sợ hãi, cậu sợ mẹ cậu sẽ nói cho bố cậu biết về sự ngang bướng ích kỷ của mình, và sợ rằng bố cậu sẽ nổi giận với cậu.
Nhưng thật ngạc nhiên, mẹ cậu đã không nói gì, không cãi lại bố cậu, cũng không có biểu hiện hối hận hay tiếc nuối mà từ đầu đến cuối giữ nguyên một vẻ mặt nhẹ nhàng điềm đạm hứng chịu những cơn giận từ bố cậu.
Rõ ràng, mẹ cậu biết điều gì sẽ xảy ra khi bà quyết định mua những chiếc bánh. Việc tuỳ tiện tiêu một số tiền lớn mà không hỏi ý kiến chồng thì việc phải chịu sự tức giận là đương nhiên. Người mẹ biết rằng việc bao biện là không cần thiết, thầm lặng tự mình gánh chịu trách nhiệm và không đổ lỗi cho bất kỳ ai. Đây là thái độ của một người vợ tôn trọng người chồng – người trụ cột trong gia đình và người mẹ làm hết sức mình cho con cái.
Chỉ có 6 chiếc bánh mặc dù có 7 người
Và tình yêu thương vị tha của người mẹ đã gây ấn tượng với người cha đang giận dữ. Khi người cha đang la hét đột nhiên nhận ra rằng chỉ có sáu chiếc bánh. Gia đình ông có 5 người con, cả ông và vợ ông tổng cộng 7 người. Nhưng chỉ có sáu chiếc bánh nghĩa là người mẹ đã không mua phần cho bản thân mình. Khi nhận ra điều này, tiếng chửi thề của cha cậu dừng lại, và ông đã chia đôi chiếc bánh của mình, 1 nửa cho vào bát của mẹ cậu và nửa còn lại cho vào miệng.
Điều này có nghĩa là cha đã không còn tức giận và những chiếc bánh đó chúng tôi có thể ăn. Ở nhà cậu lúc đó, mọi người không dám tự ý ăn khi chưa được phép, trừ khi bố cậu bắt đầu ăn. Và khi nhìn thấy hành động đó của bố cậu cả nhà đã cùng nhau thưởng thức một bữa tối ngon miệng.
Sau bữa ăn, Mẹ Kadokura đã không trách cậu một chút nào, bà cười thật tươi nói với cậu: “May quá con nhỉ? Bánh quả thật là ngon nhỉ?”.
Không quên những lời dạy bảo thầm lặng của mẹ
Từ lòng nhân từ, vị tha của người mẹ, cậu bé Kadokura học được rằng không nên ích kỷ, không nên hành động mà không quan tâm đến hậu quả và học được rằng không áp đặt trách nhiệm lên người khác.
Thái độ và nét mặt của người mẹ lúc đó, cùng sự dạy dỗ thầm lặng đã in sâu vào lồng ngực cậu bé. Bởi điều đó, Kadokura học được về lòng nhân từ, sự vị tha, học được cách chịu trách nhiệm về bản thân, luôn ghi nhớ không oán giận người khác, và đã xây dựng được thành công ở tương lai.
Sau khi nghe câu chuyện này, tôi đã hiểu được rằng cách cư xử và dạy dỗ của cha mẹ trong cuộc sống hàng ngày sẽ ảnh hưởng đến tương lai của những đứa trẻ.Tôi đã hiểu được vì sao người Nhật rất coi trọng việc dạy dỗ con cái trong cuộc sống hàng ngày.
Nguồn: epochtimes.jp