“The Lion King” hành trình trưởng thành và tố chất của Chúa tể rừng xanh
Một trong những tác phẩm thực sự tuyệt vời có sức mạnh gây ấn tượng với mọi người. “The Lion King” đã được yêu thích ở mọi lứa tuổi, bộ phim không chỉ vui nhộn và li kỳ mà còn dạy cho chúng ta ý nghĩa cuộc sống, những quy luật, sứ mệnh và trách nhiệm của người đứng đầu.
Bộ phim kể về hành trình trở thành vua của vị hoàng tử được lựa chọn để trở thành quốc vương của đất nước. Một vị vua là người sở hữu quyền lực tối cao và vinh quang bậc nhất, đồng thời gánh vác trọng trách của một vương quốc và sự kỳ vọng to lớn của thần dân vì vậy cần phải có bản lĩnh và tố chất tương ứng.
Mỗi một lời dạy của Vua Sư tử đều được xem là nguyên tắc vàng, là chuẩn mực của một bậc đế vương, một người đứng đầu chân chính. Quá trình vị vua dạy con mình như thế nào là một vị vua thực sự? làm thế nào để trở thành một vị vua tốt để trị vì đất nước?… hành trình mà hoàng tử nhỏ trở thành một vị vua vĩ đại của rừng xanh cho chúng ta những triết lý nhân sinh sâu sắc trong đó.
Ý nghĩa thực sự của một vị vua
Mufasa đưa cậu con trai Simba lên đỉnh núi, nơi có thể nhìn được toàn cảnh vương quốc, giảng bài học đầu tiên về đạo làm vua, Mufasa nói với Simba: “Trong khi những người khác tìm kiếm những gì họ có thể lấy, một vị vua đích thực tìm kiếm những gì ngài có thể cho”. Trong thời gian cai quản vương quốc, cũng giống như mặt trời mọc lên và lặn xuống, nó không thuộc về bất cứ ai, nhưng con phải bảo vệ nó”.
Đây là một trọng trách rất to lớn, ý nghĩa của việc tạo nên một vị vua là nằm ở cống hiến chứ không phải chiếm hữu. Chính vì có tấm lòng vĩ đại như vậy, Mufasa mạnh mẽ, oai phong mới có thể trở thành vị vua được thần dân kính trọng, nhờ có được sự dạy dỗ từ tinh thần đó mà con cháu của Mufasa mới có thể trở thành vua, tiếp nối sự vinh quanh.
Quy luật của tự nhiên
Khi Mufasa giải thích cho Simba hiểu về nghĩa ý quan trọng của việc trị vì vương quốc, Mufasa nói: “Tất cả những gì con nhìn thấy đều ở trong sự cân bằng tinh tế. Là một vị vua, con cần phải hiểu được sự cân bằng đó và cần tôn trọng tất cả sinh mệnh”. Tức là ý nghĩa quan trọng của việc trị vì đất nước là phải nắm được “sự cân bằng”. Cơ sở của sự cân bằng nằm ở sự tôn trọng, tôn trọng thế giới được tạo ra bởi Đấng Sáng Thế, tuân thủ các tiêu chuẩn do Thần đặt ra và tôn trọng tất cả sinh mệnh.
Một triết lý khác về “sự cân bằng” là sự luân hồi của cuộc sống. Sư tử là kẻ thù truyền kiếp của bầy cừu, nhưng sau khi sư tử chết, xác chết của Sư Tử hòa vào đất và trở thành chất dinh dưỡng cho cỏ và trở thành thức ăn cho bầy cừu. Tất cả cuộc sống này đều được kết nối với cuộc sống khác trong quỹ đạo của số phận và luân chuyển mãi mãi. Những gì chúng ta đang tận hưởng bây giờ sẽ trở lại vào một ngày nào đó. Tuy nhiên, một người ích kỷ chỉ biết đòi hỏi từ đối phương sẽ phải bị trừng phạt vì đã phá vỡ sự cân bằng của tự nhiên.
Bản lĩnh là gì?
Vua Mufasa đã dạy cho Simba về sự bản lĩnh: “Trở nên dũng mãnh không có nghĩa là đi tìm kiếm rắc rối”. Tuy nhiên lời này của vua cha dường như không được Simba lưu tâm cho lắm.
Simba cho rằng, cậu hiển nhiên là vị vua tương lai và muốn dùng mọi cách để chứng minh thực lực của mình với mọi người. Điều này tạo cho người chú Scar độc ác của Simba có rất nhiều cơ hội thực hiện những điều xấu với cậu. Scar lợi dụng điểm yếu tâm lý của Simba, chỉ với mấy câu nói đã xúi giục Simba làm trái mệnh lệnh của cha mình, rơi vào vòng nguy hiểm. Cuối cùng nhờ vua cha Mufasa xuất hiện kịp thời mới cứu được Simba.
Mufasa nói với Simba, dũng cảm cần phải dùng vào lúc cần thiết, chứ không phải là chủ động đi tìm phiền toái, như vậy chỉ mang đến nguy hiểm cho bản thân mình và người khác.
Simba hỏi cha: “Chúng ta có thể ở bên nhau mãi mãi, phải không?”. Mufasa đã trả lời câu hỏi không thể tránh khỏi này của con trai theo lời của cha mình: “Tất cả các vị vua trong quá khứ đều đã trở thành những ngôi sao trên bầu trời. Khi con cảm thấy cô đơn, hãy nhìn lên bầu trời, các vị vua sẽ hướng dẫn con. Vị vua nào biết đau, biết cô đơn, có lúc cứng rắn, có lúc tốt bụng, có điểm yếu, dũng cảm đối mặt với khó khăn mới là vị vua tốt”.
Sứ mệnh và trách nhiệm
“Con phải đưa con vào vị trí của con trong vòng xoay của cuộc sống. Con phải ghi nhớ con là ai và trở thành vị vua đích thực duy nhất”.
Sau khi vua cha Mufasa chết, với sự hối hận và buồn bã, Simba nghi ngờ bản thân, bỏ rơi mọi thứ và chạy trốn khỏi thực tại. Kết quả là Simba không còn là “Simba” nữa. Giống như quá trình trưởng thành của mỗi người, lúc nhỏ muốn trưởng thành sớm nhưng khi lớn lên lại không muốn đối mặt với thực tế phũ phàng.
Với sự giúp đỡ của Rafiki, Simba đã có thể gặp lại cha mình. Chính xác mà nói, những hạt giống niềm tin mà vua cha Mufasa đã dạy được chôn giấu trong lòng Simba đã nảy mầm và đánh thức Simba. “Con phải ghi nhớ con là ai” câu nói của vua cha Mufasa liên tục được lặp lại trong đầu Simba.
Cuộc sống luân chuyển mãi và không ai có thể sống một mình. Tương tự, không ai có thể thoát khỏi trách nhiệm do số phận trao cho. Vì đó chính là ý nghĩa của cuộc sống và là câu trả lời cho “tôi là ai”.
“Tôi là con trai của Mufasa” kèm theo đó là những tiếng gầm của chú sư tử trưởng thành, Simba thực sự trưởng thành trong khoảnh khắc chào đón bình minh đó, rồi chạy thật nhanh về vương quốc thân quen của mình. Cậu mở ra trận chiến Chính – tà với kẻ cướp ngôi, cuối cùng giành lại được ngôi vua. Giống như những gì mà cha cậu kỳ vọng, vua sư tử Simba tiếp nối ý nguyện của những vị vua trong quá khứ, bảo vệ từng tấc đất và từng sinh mệnh trong vương quốc vinh quang của mình.
Nguồn: epochtimes.jp
Mộc Hương biên tập