Tiền cần thiết cho cuộc sống, nhưng đừng dùng tiền để đo lường đạo đức con người
Ra đời hai tay trắng, lìa đời trắng hai tay, sao mãi nhặt cho đầy, túi đời như mây bay, tiền bạc cần cho cuộc sống nhưng đó không phải là tất cả, không phải là mục đích sống của chúng ta, và đừng chớ dùng đồng tiền để đo lường đạo đức một con người.
Người xưa thường nói “nhân chi sơ tính bản thiện”, con người từ lúc sinh ra ai ai cũng mang trong mình bản tính lương thiện, đồng hóa với đặc tính của vũ trụ “Chân Thiện Nhẫn”, vui tươi hồn nhiên, không bị quyền, danh, lợi, sắc của cuộc sống hiện đại chi phối.
Tuy nhiên sau khi dần dần lớn lên, rồi bước ra ngoài xã hội, chúng ta thường bị các quan niệm của xã hội bên ngoài chi phối, trước những cám dỗ của danh, lợi, tình… chúng ta thường rất khó làm chủ được bản thân, và dần dần bị quan niệm kim tiền chi phối mà đánh mất đi bản tính lương thiện vốn có ban đâu.
Thực ra sống trong xã hội, việc kiếm tiền, làm giàu là nhu cầu thiết thực của mỗi người để đảm bảo một cuộc sống sung túc cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên, điều quan trọng là đồng tiền chúng ta kiếm được đó nó có chính đáng không, công việc và cái tâm của chúng ta làm có chân chính không, vậy mới có câu Phật nhìn tại tâm chứ không phải thứ vật chất bên ngoài.
Tuy nhiên trong cuộc sống hiện đại ngày nay, người ta thường lấy giá trị đồng tiền, nhà cửa, xe cộ, chức danh, những tài sản bên ngoài để đánh giá đạo đức một con người. Hễ anh có tiền, có xe sang, có danh là anh có đạo đức, còn người nghèo khó, không có chỗ đứng thì không có tiếng nói, không có đạo đức.
Chính vì bị quan niệm kim tiền chi phối, lấy giá trị vật chất để lo lường đạo đức con người nên hầu như ai ai cũng lao đầu vào kiếm tiền, bất chấp mọi thủ đoạn lừa lọc để đạt được thứ mình muốn, bất chấp làm thương tổn người khác.
Chúng ta thường nhìn cuộc sống với vẻ ngoài hào nhoáng của nó, vì vậy mới phân biệt ra người giàu và người nghèo. Con người mải miết chạy theo tiền bạc và danh vọng để được bằng bạn bằng bè nhưng cuối cùng đến lúc nhắm mắt xuôi tay mới thấy giàu nghèo cũng như nhau.
Có một câu chuyện như thế này: Có một người Singapore giàu có nổi tiếng về tính keo kiệt. Một hôm, ông ta đi cắt tóc. Người thợ cắt tóc nói với ông: “Thưa ông, tôi nghe nói ông rất giàu có!”
Nghe vậy, người đàn ông giàu có ra vẻ tự hào và ngay lập tức trả lời: “Đúng vậy, giàu như Croesus!” (Croesus là vị vua huyền thoại của xứ Lydia vào thế kỷ VI trước Công nguyên. Ông vua này giàu tới mức có cả một thành ngữ “giàu như Croesus”).
Người thợ cắt tóc tiếp tục nói: “Khối tài sản của ông cộng lại chỉ hơn tôi 3.000 đô la Singapore”.
Người giàu rất tức giận và nói lớn: “Làm sao có thể như vậy được? Hiện giờ trong túi tôi còn có nhiều tiền mặt hơn tất cả tài sản của ông cộng lại! ”
Người thợ cắt tóc vội vàng nói: “Đừng tức giận, hãy nghe tôi nói trước. Tôi hỏi ông một câu này nhé, chiếc quan tài đắt nhất trong khu vực của chúng ta hiện nay là bao nhiêu tiền?”
Người đàn ông giàu có nói với anh ta: “4000 đô la Singapore” (tương đương 2977 đô la Mỹ).
“Còn cái rẻ nhất là bao nhiêu?”
Người giàu trả lời: “1000 đô la Singapore” (tương đương 745 đô la Mỹ).
“Vì vậy, đến lúc nhắm mắt xuôi tay, ông sẽ mua một chiếc quan tài đắt tiền nhất. Còn tôi nghèo và sẽ mua chiếc rẻ nhất. Cuối cùng thì tài sản của ông (chiếc quan tài) chỉ hơn tôi 3.000 đô la Singapore, ngoài ra không có cái gì khác thuộc về ông cả”.
Sau khi nghe xong, người giàu đột nhiên hiểu ngay được ý nghĩa sâu xa của câu nói đó. Cuộc sống của ông sau đó đã thay đổi hoàn toàn. Ông sẵn sàng giúp đỡ những người gặp hoàn cảnh khó khăn.
Mặc dù người thợ cắt tóc không khá giả, nhưng anh ấy đã làm được một việc rất hữu ích. Anh giúp người đàn ông giàu có hiểu ra sự giàu có thực sự của cuộc sống là gì.
Lão tử từng nói: “Nhân sinh và trời đất, bản lai và tự nhiên là một thể. Sinh lão bệnh tử của con người và xuân hạ thu đông của đại tự nhiên kỳ thực không có khác biệt. Tự nhiên mà sống, tự nhiên mà chết, thuận theo tự nhiên thì sẽ không mê mất bản tính. Trong tâm thường nghĩ công danh lợi lộc nên mới có u sầu trong tâm, mới có sinh ra phiền não”.
Thực tế trong cuộc sống này việc giàu có, có tiền chẳng có gì sai hết, nhưng chúng ta phải ý thức được rằng chúng ta không làm nô lệ cho đồng tiền, biết sử dụng đồng tiền đúng mục đích, làm những việc ý nghĩa.
Biết xem nhẹ đồng tiền trong tâm, thì dù bạn có bao nhiêu tiền cũng không thành vấn đề. Tiền bạc cần cho cuộc sống nhưng đó không phải là tất cả, không phải là mục đích sống của chúng ta, đừng chớ dùng đồng tiền để đo lường đạo đức con người.
Nguồn: nguyenuoc.com
Chân Kiến biên tập