Trưng bày tượng cóc ba chân cần chú ý đến phong thủy trong nhà
Cóc ba chân hay còn gọi là Kim Thiềm thường được đặt trang trọng trong các phòng khách gia đình hoặc cửa hàng kinh doanh. Tuy nhiên cần chú ý đến đặc tính của nó, nếu không rất có thể nó làm mất cân đối hoặc phá vỡ phong thủy nơi nó được đặt.
Trong truyền thuyết thì Kim Thiềm vốn là một linh thú thượng cổ, có từ thời Hồng Hoang. Nó có tính âm rất mạnh nên thường trú ngụ ở mặt trăng, nơi có tính âm phù hợp với nó. Nhưng Kim Thiềm cũng thường hay đến trái đất gây họa cho nhân gian. Kim Thiềm cũng có nét giống với Tỳ Hưu, bụng Kim Thiềm có một không gian rộng lớn, nó rất thích nuốt tiền và vàng, đôi khi nuốt cả người mà không nhả xương, người dân bách tính rất sợ hãi.
Lưu Hải là đồ đệ của vị tiên Lã Động Tân, biết được tính tham tiền và vàng bạc của Kim Thiềm nên đem tiền có lỗ vuông buộc vào dây để dụ dỗ nó đuổi theo, cuối cùng nó bị Lưu Hải thu phục. Trong bụng Kim Thiềm nuốt rất nhiều tiền, vàng, bạc, châu báu bởi vậy khi đi qua những nơi có bách tính nghèo khổ, Lưu Hải thường yêu cầu nó phun ra tiền vàng để giúp đỡ người dân.
Có nhiều phiên bản ghi rằng ban đầu Kim Thiềm có 4 chân, nhưng trong quá trình Lưu Hải thu phục đã làm nó mất một chân nên chỉ còn có 3 chân. Thực ra không phải như vậy, nếu mất một chân thì chân còn lại sao có thể cân đối ở giữa như vậy? Chân thứ ba của Kim Thiềm cũng không giống hai chân trước, chúng ta có thể hình dung nó như cái đuôi nòng nọc phát triển thành chân. Từ thượng cổ Hồng Hoang nó sinh ra đã có ba chân như vậy.
Bởi vì Kim Thiền thích nuốt tiền tài, vàng bạc, châu báu nên nhiều người muốn mua về trưng bày tượng Kim Thiềm để cầu tài hút lộc. Tuy nhiên, Kim Thiềm có tính âm rất mạnh, đặc tính này có thể tác động đến vị thế cũng như tính cách của gia chủ. Trong lý Âm Dương của trời đất thì Nam là Dương, nữ là Âm. Khi đặt Kim Thiềm trong nhà có thể làm cho Âm thịnh Dương suy. Nữ giới trở nên sắc sảo, mạnh bạo, làm chủ gia đình; nó thể hiện cả trong kinh doanh nữ giới thường kiếm ra tiền nhiều hơn Nam giới,
Trong thần thoại, Kim Ô là một loài quạ ba chân, nó là linh thú đại diện cho mặt trời, trong thân nó chứa nhiều Dương khí nên có sách ghi chép nó cũng được gọi là Dương Ô. Trong truyền thuyết về Hậu Nghệ và Hằng Nga thì nó được gọi là Tam Túc Ô, vì có mười con Tam Túc Ô bay xuống hạ giới nên mới gây họa cho nhân gian. Hậu nghệ bắn rụng 9 mặt trời chính là 9 con Tam Túc Ô. Cho nên Kim Thiềm và Kim Ô còn là tên gọi khác của Mặt Trăng và Mặt trời. Có lẽ đấy là sự cân bằng Âm và Dương trong trời đất.
Vợ chồng cũng là mối quan hệ như Âm và Dương. Vì vậy khi đặt tượng Kim Thiềm thì nên chú ý phải có vật có Dương khí như tượng Kim Ô hoặc một biểu tưởng Mặt trời để cân bằng lại. Hoặc ít nhất cũng có một biểu tượng nào đó mang tính Dương. Trưng bày tượng Kim Thiềm để thu hút tài lộc nhưng để mất đi cân bằng Âm Dương, vợ chồng không hòa thuận hạnh phúc thì cái giá đó chắc nhiều người không muốn đánh đổi.
Cũng cần chú ý Kim Thiềm ban đầu là một hung thú có tính tham lam, không chỉ nuốt kim tiền vàng bạc mà còn nuốt cả người, dân chúng không ai làm gì được. Chỉ đến khi gặp Lưu Hải là người tu Đạo, hiểu lý âm dương của trời đất, nắm bắt được tính tham lam của nó mới thu phục được nó, và yêu cầu nó làm điều tốt cho bách tính.
Truyền thuyết về Kim Thiềm có lẽ cũng là lời nhắc nhở với những ai trưng bày Kim Thiềm để hút tài hút lộc, đừng để tính tham lam nuốt mất mình. Kiếm được nhiều tiền không chỉ để thoải mái cho chính mình mà còn để giúp đỡ người khác.
Thông Lộ biên tập