Văn hóa truyền thống: Vai trò và trách nhiệm của “vợ – chồng” trong văn hóa cổ xưa
Ngày xưa, vợ chồng đối đãi với nhau rất coi trọng lễ nghĩa và ân tình. Trong “Kinh Thi” có viết: “Yến nhĩ tân hôn, như huynh như đệ”, ý nói rằng Đạo xử thế giữa vợ chồng không chỉ dừng ở tình cảm nam nữ, mà còn phải khăng khít giống như anh em ruột thịt. Vợ chồng phải cung kính lẫn nhau, cẩn trọng, giúp đỡ, tin tưởng và viên dung lẫn nhau, coi trọng lễ nghĩa.
Người vợ dịu dàng, nhu mềm, quản lý việc nhà cửa, chăm sóc cha mẹ con cái. Người chồng mạnh mẽ, làm trụ cột gia đình. Vì lấy ân nghĩa làm nền tảng, cho nên tình cảm vợ chồng bền chặt, kiên cường như sắt thép, mãi mãi không đổi thay.
Vai trò và trách nhiệm của đàn ông trong văn hoá truyền thống
Khi người đàn ông trưởng thành được gọi là trượng phu. Theo Thuyết văn giải tự: “Nam, trượng phu dã. Tòng điền, tòng lực. Ngôn nam dụng lực ư điền dã“, ý tức là: “Đàn ông là bậc trượng phu, là người có sức lực, ra đồng làm việc nặng nhọc“.
Về kết cấu chữ Nam trong tiếng Hán là: (男) gồm bộ Điền (田) và bộ lực (力) đã thể hiện rõ ý nghĩa đó.
Thời xưa, theo đơn vị đo lường thì 10 thước là 1 trượng, gọi người đàn ông trưởng thành là “trượng phu”, là người đàn ông trưởng thành, to lớn, có thể đầu đội trời chân đạp đất. Người xưa cho rằng “đàn ông làm chủ công việc bên ngoài”, ngoài ra đồng làm nông còn đánh trận, làm ăn buôn bán, làm quan… đều là những việc của đàn ông.
Sau khi gia đình thì người đàn ông trở thành trụ cột chính, là người làm chủ trong gia đình. Lúc này người đàn ông được gọi là ‘Phu’, chữ Phu (夫) bao gồm chữ Đại (大) và chữ Nhất (一). Theo Thuyết văn giải tự: “Phu, trượng phu dã. Tòng đại, nhất. Dĩ tượng trâm dã“, tức nghĩa là: “Người chồng là bậc trượng phu, là người to lớn nhất trong gia đình, là người có cài trâm“.
Khi có con, người đàn ông trở thành cha thì họ có trách nhiệm dạy bảo giáo dục con cái.
Theo Thuyết văn giải tự: “Phụ, củ dã. Gia trưởng suất giáo giả, tòng hựu, cử trượng”, tức nghĩa là: “Người cha là người giữ nề nếp phép tắc gia đình. Người cha là người chủ gia đình, là người hướng dẫn, giáo dục các thành viên trong gia đình.”.
Theo Thuyết văn giải tự: “Dục, dưỡng tử sử tác thiện dã. Tòng vân, dục thanh“, ý tứ nghĩa là: “Giáo dục là nuôi dưỡng con cái, hướng con cái tới cái Thiện, có trách nhiệm bảo ban con cái“.
Người xưa giáo dục con cái, thì quan trọng nhất chính là dạy trẻ trở thành một công dân tốt, có ích cho gia đình, xã hội và quốc gia, trở thành một người thiện lương.
Giáo dục con cái là trách nhiệm của cả cha và mẹ, mỗi người có vai trò khác nhau trong việc giáo dục con.
Vai trò và trách nhiệm của người phụ nữ trong văn hoá truyền thống
Theo Thuyết văn giải tự có viết: “Nữ, phụ nhân dã”, nghĩa tức là: người phụ nữ là người nhu mì, ôn nhu, tòng thuận.
Khi xuất giá theo chồng, người phụ nữ được gọi là’ thê’. Theo Thuyết văn giải tự: “Thê, phụ dữ phu tề giả dã. Tòng nữ, tòng triệt, tòng hựu”, ý tứ rằng: “Người vợ là người phụ nữ ngang bằng với người chồng”.
Thuyết văn giải tự cũng viết rằng: “Cổ văn thê tòng quý, nữ”, ý nghĩa là: “Trong cổ văn thì chữ Thê (người vợ) gồm chữ Quý (quý báu) và chữ Nữ (người nữ)”.
Thuyết văn giải tự cũng viết: “Phụ, phục dã. Tòng nữ, trì trửu sái tảo”, nghĩa là: “Phụ nữ là người phục vụ gia đình, thuận theo người chồng. Là người nữ, tay cầm chổi quét dọn”.
Người xưa cho rằng “người phụ nữ là người chủ trì lo liệu mọi việc trong nhà”, không yêu cầu phụ nữ tham gia công tác xã hội như đánh trận, ra ruộng đồng cày cấy… Nhưng yêu cầu người phụ nữ làm những việc trong nhà hợp với sức mình như nấu ăn, dệt vải, vá may, thêu thùa, quét dọn, nuôi gà, nuôi tằm… Đó cũng là thiên chức của người vợ.
Khi sinh con trở thành mẹ, người phụ nữ được gọi là ‘mẫu thân.’
Theo Thuyết văn giải tự: “Mẫu, mục dã. Tòng nữ, tượng hoài tử hình. Nhất viết: tượng nhũ tử dã”, nghĩa là: “Người mẹ là người nuôi con cái. Là người phụ nữ bồng bế con, cho con bú”.
Người mẹ là người phụ nữ sinh thành dưỡng dục con (hoài tử, nhũ tử), chăm sóc giáo dục con giống như mục đồng chăm nom coi sóc đàn cừu (mẫu, mục dã). Nhưng người mẹ còn là người vợ, cần mãi mãi dựa vào người chồng, thuận theo người chồng (phụ, phục dã).
Hàng nghìn năm nay vẫn thế, tuy đàn ông và phụ nữ đều vất vả, nhưng là cái vất vả phù hợp với thiên chức, với thể chất của cả hai giới, và quan trọng hơn là có được gia đình hạnh phúc, xã hội hài hòa, êm đẹp, trật tự, thanh bình.
Trong văn hóa truyền thống, mối quan hệ giữa vợ – chồng là: âm nhu – dương cương, tương phụ tương thành cho nhau, âm dương tương hỗ, hài hòa, bền vững dài lâu; bởi vậy mới có được cuộc sống hạnh phúc đích thực; để trở thành người đàn ông, người chồng, người cha đích thực; để trở thành người phụ nữ, người vợ, người mẹ đích thực. Khi đó sẽ có những gia đình hạnh phúc, người người vui vẻ, nhà nhà yên vui, xã hội thái bình thịnh trị, nhân loại tái hiện huy hoàng.
Nguồn bài viết: Epochtimes
Lan Hòa biên tập